Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa

Tâm nhang cho đồng đội đã ngã xuống trong ngày 17/2/1979. Ảnh: Duy Chiến
Tâm nhang cho đồng đội đã ngã xuống trong ngày 17/2/1979. Ảnh: Duy Chiến
TPO - "Từ 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, sau những trận pháo, hỏa tiễn của địch là gần 1000 tên lính đội mũ “Bát nhất” ào đến, hòng chiếm giữ trận địa. Bốn anh em tôi kiên cường giữ đất, giành giật với địch từng mét công sự", Cựu chiến binh Cao Toàn bồi hồi nhớ lại.

Trưa nay (ngày 17/2), đúng dịp 38 năm về trước, những người lính của Sư đoàn 3 anh hùng đã giáp mặt với quân thù phương Bắc và chiến đấu ngoan cường. Hôm nay, đồng đội của các anh đã trở lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã khuất.

Dẫn đầu các Cựu chiến binh - Ban liên lạc sư đoàn 3 (Từ Liêm- Hà Nội); Trung tướng Nguyễn Như Hoạt- Anh hùng LLVT, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn 3 xúc động hướng về Đài tưởng niệm, các ngôi mộ của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc ở Nghĩa trang Cao Lộc (huyện Cao Lộc), nghĩa trang Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn).

Vào ngày này, cách đây 38 năm- ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng, tấn công xâm lược nước ta.

Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Như Hoạt xúc động thăm lại cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại biên giới phía Bắc. Ảnh: Duy Chiến

Sư đoàn 3 lúc đó đã có mặt tại Lạng Sơn nhưng hình thành “bộ khung”, với những đơn vị nhỏ lẻ, cài cắm ở các vị trí then chốt và là lực lượng đầu tiên chiến đấu với đội quân biển người từ biên giới tràn sang.

Cựu chiến binh Cao Toàn, đeo lon Trung úy bồi hồi nhớ lại: “Là lính trinh sát C17, E 12, F 3 đứng chân ở vị trí tiền tiêu- mốc 402, án ngữ nơi trọng yếu của cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) nên chúng tôi chịu nhiều hỏa lực của địch từ bên kia biên giới dội sang. 

Từ 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, sau những trận pháo, hỏa tiễn của địch là gần 1000 tên lính đội mũ “Bát nhất” ào đến, hòng chiếm giữ trận địa. Bốn anh em tôi kiên cường giữ đất, giành giật với địch từng mét công sự. 

Sau đó, binh nhất Phạm Văn Tý (SN 1960, quê ở Gia Lâm, Hà Nội) đã hy sinh, rồi lần lượt các anh Hiền (quê Sơn Động, Bắc Giang), Thông (Hà Tây) và tôi đã trúng đạn, bị thương”. Theo trung úy Toàn; những người bị thương nặng, nhẹ sau đó vẫn cố gắng thoát khỏi vòng vây của địch, trở lại đơn vị...

Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa ảnh 2

Trung úy - thương binh Cao Toàn rưng rưng khi nhắc lại những đồng đội mình đã hy sinh và chiến đấu anh dũng. Ảnh: Duy Chiến 

Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa ảnh 3

Nghĩa tình đồng đội sau 38 năm. Ảnh: Duy Chiến

Cựu binh biên giới nhớ giây phút nghẹt thở giữ từng mét đất năm xưa ảnh 4

Ghi nhớ công ơn những người giữ đất Ảnh: Duy Chiến

Ông Nguyễn Thanh Hoàn- Trưởng ban liên lạc Hội CCB Sư đoàn 3 (Từ Liêm- Hà Nội) cho biết: Sư đoàn 3 là lực lượng vũ trang đương đầu với quân Trung Quốc. Đơn vị trấn giữ tại các vị trí then chốt ở tỉnh Lạng Sơn như khu vực: Đồng Đăng, Văn Lãng, Tam Lung (huyện Cao Lộc). Mặc dù phía địch có hỏa lực mạnh, quân đông nhưng đã vấp phải sự kháng cự ngoan cường của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 3 dẫn đến kế hoạch tiến quân của địch bị phá sản.

Hôm nay trở lại mảnh đất xưa sau 38 năm, các cựu chiến binh sư đoàn 3 Anh hùng kính cẩn dâng hương, hoa cho các đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979; đồng thời đến thăm chiến trường xưa, tặng quà tri ân đến các hộ gia đình, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn ở Tam Lung (huyện Cao Lộc), Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) đã cưu mang, đùm bọc và chung sức, chia lửa cùng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 3 giữ đất biên cương.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.