Cựu binh Úc và nghĩa cử thời hậu chiến

Vợ chồng bà Phan Thị Thu Lan (48 tuổi) và ông Roy Erle Hornsby trong một lần trao quà cho trẻ em Hội An
Vợ chồng bà Phan Thị Thu Lan (48 tuổi) và ông Roy Erle Hornsby trong một lần trao quà cho trẻ em Hội An
TP - Từ ngôi nhà bỏ hoang xập xệ, dột nát nay đã trở thành trường mầm non, mái nhà của hơn 40 em nhỏ (từ 1 đến 3 tuổi) vui chơi, học tập. Những phòng học được trang trí đẹp mắt, có bếp ăn, có chỗ ngủ, sân chơi và vườn rau sạch, lại được hỗ trợ kinh phí nên mức phí thấp, chuyện gửi trẻ ở trường không còn là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh vùng rốn lũ Trung Châu, xã Cẩm Kim, (TP Hội An, Quảng Nam).

Người dân thôn Trung Châu vẫn nhắc nhau câu chuyện về tấm lòng của vợ chồng bà Phan Thị Thu Lan (48 tuổi) và ông Roy Erle Hornsby (quốc tịch Úc) hiện đang sinh sống tại phường Cẩm Châu, TP Hội An.

Nhà hoang thành trường học

Con đường dẫn vào Trường mầm non Trúc Xanh- thôn Trung Châu đã được bê tông hóa, không còn ngập ngụa trong bùn lầy những ngày mưa hay bụi giăng kín ngày nắng nóng. Những đứa trẻ được ba mẹ mang đến trường gửi học nay đã quen trường, quen lớp, tíu tít chạy quanh sân chơi. Ngôi trường nhỏ với 2 phòng học rộng rãi, được trang trí đẹp mắt, phía sau là khu bếp. Khu vườn phía trước đã mơn mởn những luống rau xanh, những buồng chuối trổ chờ chín sẽ là nguồn dinh dưỡng được tăng cường trong bữa ăn của trẻ.

Cô Hồ Thị Kim Liên - Hiệu trưởng trường cho hay, từ khi trường được tu bổ lại, việc dạy và học của giáo viên và học sinh đã trở nên thuận tiện hơn nhiều. Các em được học trong phòng khang trang, sạch sẽ, có sân chơi, có vườn rau sạch, không còn cảnh cô trò dắt nhau qua cơ sở 2 giữa trưa nắng khi đến giờ cơm. Đó là nhờ tấm lòng đáng trân quý của vợ chồng bà Thu Lan và ông Roy Erle Hornsby. Vợ chồng ông bà đã bỏ kinh phí, công sức tu bổ, xây dựng nên mái ấm này.

Khi tận mắt chứng kiến những người mẹ nghèo phải bỏ việc ở nhà chăm con dẫu cái đói vẫn bủa vây trong khi ngôi trường mẫu giáo trong thôn thì bỏ hoang xập xệ xuống cấp, bà Thu bàn với chồng ý tưởng hồi sinh ngôi trường nhỏ. “Ban đầu chúng tôi dự định dành khoản tiền này để xây một nhà dưỡng lão giúp các cụ già có cuộc sống thảnh thơi, vui vẻ cuối đời. Tuy nhiên qua khảo sát thấy có rất ít người có nhu cầu này, tâm lý chung vẫn muốn ở với con cháu dù cuộc sống có thiếu thốn, khó khăn. Vì vậy hai vợ chồng quyết định đầu tư tu bổ, xây lại trường cho các cháu có một nơi để yên tâm học tập, vui chơi” - bà chia sẻ.

Cựu binh Úc và nghĩa cử thời hậu chiến ảnh 1 Niềm vui các em nhỏ vùng rốn lũ Trung Châu trong ngôi trường mới   

Sau khi làm việc và được chính quyền địa phương thống nhất đồng ý, hai vợ chồng bắt tay vào việc. Người dân thôn Trung Châu từ đó quen với hình ảnh một người phụ nữ Việt kiều ngày ngày có mặt phát cỏ hoang, sơn tường, trồng cây... bằng tất cả sự tận tâm của mình với mong muốn sẽ thấy nụ cười tươi nở của những đứa trẻ trong ngôi trường mới. Một nhóm sinh viên khi biết thông tin cũng chung tay giúp sức.

Ngoài số tiền hơn 200 triệu đồng tích cóp, vợ chồng bà cũng kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Người góp kinh phí, người giúp trang trí lớp học, sơn tường, xây bếp... Sau 4 tháng, ngôi nhà hoang đã lột xác thành một ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Một vườn rau sạch mọc lên thay thế cho cỏ dại um tùm. Nhà vệ sinh, nhà ăn được xây mới, những mảng tường rêu lột xác với muôn vàn hình vẽ xinh xắn, sinh động, bắt mắt.

Tiếng cười trẻ thơ trở lại, giòn tan. Niềm hạnh phúc long lanh trên gương mặt những ông bố, bà mẹ nghèo vùng lũ. Nhìn cảnh đó khiến hai vợ chồng cảm thấy hạnh phúc, lâng lâng khó tả.

Gom góp yêu thương

Roy Erle Hornsby là cựu binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969, đóng quân ở Vũng Tàu. Ký ức chiến tranh với những sự bạo tàn khốc liệt luôn ám ảnh ông. Ông từng ăn năn, sám hối với sự có mặt của mình trong cuộc chiến phi nghĩa này. Trở lại Việt Nam, ông làm giảng viên lập trình cho trường Đại học quốc tế RMIT. Trong một dịp đi tiệc cùng bạn, Roy quen và dành nhiều cảm tỉnh với Lan - một người phụ nữ Sài Gòn chính gốc.

Tấm lòng chân thành, nhiệt tình cùng sự hài hước cuối cùng cũng chinh phục được người con gái Sài Gòn. Họ kết hôn năm 2010. Ban đầu theo chồng sang Úc sau đó cả hai trở lại Việt Nam. Bà Lan và chồng đã đi rất nhiều nơi, Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng…, rồi chọn Hội An để ở lại sinh sống ngay sau lần đầu đặt chân đến phố cổ. “Hội An khác với Sài Gòn và những thành phố khác. Một thành phố nhỏ thân thiện môi trường, không khí trong lành, con người thuần hậu đã chinh phục cả tôi và chồng nên chúng tôi quyết định ở lại đây” - bà Lan chia sẻ.

Hai vợ chồng mua một mảnh đất nhỏ tại phường Cẩm Châu rồi dựng nhà để ở, mở một tiệm nail nho nhỏ phục vụ khách nước ngoài. Ông Roy vẫn làm công việc lập trình của mình, nhận xây dựng, thiết kế và bảo trì một số trang web để trang trải chi phí khi hai vợ chồng sống ở Hội An, và làm những điều có ích.

Lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng lại chở nhau đến trường thăm, vui đùa các em nhỏ, mua thêm vài món đồ chơi, bộ áo quần hay gói bánh, hộp sữa mang theo món ăn do chính tay mình nấu. Đều đặn mỗi tháng, vợ chồng Roy dành ra một khoản để chăm lo cho bữa ăn của trẻ, bỏ tiền túi để thuê người chăm sóc vườn rau sạch trong trường. Ông coi đó như một sự bù đắp nhỏ nhoi cho bao mất mát, đau thương trong quá khứ.

Không chỉ với nhóm mẫu giáo Trúc Xanh, nhiều hoạt động thiện nguyện của vợ chồng bà giúp cho trẻ như tiếp tục góp tiền, kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Cẩm Kim nằm sát bên trường mầm non; lắp đặt dụng cụ vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên nhà văn hóa Phước Thắng; lắp đặt bể bơi di động tặng trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Kianh Foudaytion (thị xã Điện Bàn)... 

Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Trưởng thôn Trung Châu chia sẻ, trường mầm non Trúc Xanh ra đời đã giúp giảm gánh nặng cho những gia đình nghèo tại địa phương. Trường được hỗ trợ xây dựng, tu sửa chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên, các khoản tiền ăn, cơ sở vật chất không phải đóng nên mức phí thấp hơn so với những trường tư thục khác. Nhờ vậy, phụ huynh có thể yên tâm gửi con để đi làm.

MỚI - NÓNG