Cựu giám đốc lâm trường phá rừng

Cựu giám đốc lâm trường phá rừng
TP - Rời ghế Giám đốc Lâm trường Minh Hóa, Quảng Bình chưa được bao lâu, ông Trần Quốc Khánh đã thôn tính và triệt hạ hàng chục hécta rừng khoanh nuôi, bảo vệ với lý do để trồng rừng sản xuất.
Cựu giám đốc lâm trường phá rừng ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra rừng ở Cầu Roòng, xã Hồng Hóa

Ngày 7/8, chúng tôi tìm đến vùng Cầu Roòng, thôn Quảng Hóa (xã Hồng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) và chứng kiến trên 20 ha đất lâm nghiệp có rừng bị một số đối tượng triệt phá để trồng rừng phát triển sản xuất.

Tại hiện trường, hàng trăm gốc cây đường kính từ 15 đến 20 cm bị chặt hạ ngổn ngang trên các sườn đồi thuộc tiểu khu 79 (Bản đồ hiện trạng sử dụng đất và tài nguyên rừng xã Hồng Hoá). Trên các tuyến đường dẫn vào khu vực này, dân ra vào nườm nượp để tận thu sản phẩm còn lại của cuộc tận diệt rừng.

Theo thông tin chúng tôi có được, tháng 8/2003, bà Lê Thị Oanh (sinh năm 1976), ở Cầu Roòng, xã Hồng Hoá được UBND huyện Minh Hoá cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích gần 29 ha.

Thời điểm này, ông Trần Quốc Khánh cũng được cấp hơn 15 ha đất lâm nghiệp tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 79, ở khu vực Cầu Roòng, xã Hồng Hóa.

Ngày 25/8/2008, bà Lê Thị Oanh chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích gần 29 ha trên cho vợ chồng bà Trần Thị Diệu Nga (con đẻ của ông Khánh, ở tiểu khu 3, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hoá. Được biết, trị giá của hợp đồng chuyển nhượng chỉ 40 triệu đồng.

Ngày 26/6/2009, mặc dù chưa được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ông Khánh thuê người chặt hạ 10 ha rừng trên lô đất được chuyển nhượng.

Khi bị phát hiện, cơ quan chức năng yêu cầu ông Trần Quốc Khánh chấm dứt việc chặt phá rừng và giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý. Thế nhưng, ông Khánh không những không chấp hành mà còn đẩy nhanh tiến độ chặt phá.

Đến ngày 9/8/2009, diện tích rừng mà ông Trần Quốc Khánh và các đối tượng liên quan chặt hạ lên tới 21 ha.

Ngày 24/7/2009, đoàn liên ngành của huyện Minh Hóa phát hiện trạng thái rừng khu vực này biến thành rừng nghèo kiệt, thưa thớt. Việc hô biến trạng thái rừng trên vô tình (hay cố ý?) đã hợp thức hóa cho lý do mà ông Khánh đưa ra là “phát quang rừng để trồng rừng phát triển sản xuất”.

Theo ông Đinh Hữu Niên, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Minh Hóa, theo quy trình, ông Khánh muốn chuyển đổi mục đích từ trạng thái rừng cần phải khoanh nuôi, bảo vệ sang rừng sản xuất, phải làm tờ trình gửi UBND huyện để các phòng, ban chuyên môn thực hiện việc đánh giá xác định trạng thái rừng. Điều mà ông Khánh nguyên là Giám đốc Lâm trường Minh Hóa hiểu hơn ai hết.

MỚI - NÓNG