Cứu trợ không phải đếm tiền

Người đi cứu trợ không cần cơ quan quản lý tấm lòng của họ
Người đi cứu trợ không cần cơ quan quản lý tấm lòng của họ
TP - Dư luận đang xôn xao việc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An đưa mấy chục bao áo quần cũ gửi đến bà con bị lũ lụt, ra nơi sửa xe, đem lau máy. Hành vi ấy thật đáng hổ thẹn. Song đây là điển hình chứ không phải cá biệt của thực trạng thiếu chuyên nghiệp trong công tác cứu trợ thiên tai hiện nay.

 >> Phân biệt
 >> Sẽ xử lý nghiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An

Người đi cứu trợ không cần cơ quan quản lý tấm lòng của họ
Người đi cứu trợ không cần cơ quan quản lý tấm lòng của họ.

Đất nước ta hay bị thiên tai, có truyền thống quý báu lá lành đùm lá rách, mỗi khi đâu đó xảy ra thiên tai là tấm lòng cả nước hướng về. Nhưng việc chuyển tấm lòng rộng lớn đó đến nơi cần đến vẫn luôn lúng túng. Mới một số quần áo cũ đã thiếu kho chứa và cả người tiếp nhận, bảo quản. Mà hàng cứu trợ thiên tai có hàng trăm thứ.

Nhớ lại, ngày 14-5-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64 “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Ngày 31-7-2008, Bộ Tài chính có Thông tư số 72 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện. Các quy định ở đây chủ yếu nhằm quản lý các nguồn tiền, hàng cứu trợ, và yêu cầu tập trung vào Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai cơ quan được chỉ định, mấy mùa cứu trợ sau đó có những báo cáo khá hào hứng về số lượng tiền và hàng tiếp nhận được. Tuy nhiên, đó chủ yếu như là báo cáo thành tích trong bối cảnh nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội muốn khẳng định mình bằng các hoạt động từ thiện. Còn việc đến với người cần cứu trợ vẫn chưa được quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả. Gần đây, nhiều tập thể và cá nhân đã tìm cách tổ chức lấy hoạt động cứu trợ.

Những ai từng trực tiếp tham gia cứu trợ đều thấm thía, công tác cứu trợ thiên tai vô cùng khó khăn, phức tạp, không một cơ quan hay tổ chức nào dù lớn đến đâu đảm đương nổi. Phải cả xã hội gồng mình lên mới hy vọng có kết quả. Những người trực tiếp đi cứu trợ cũng không cần thiết phải có cơ quan nào đó quản lý tấm lòng của họ như không cần thiết quản lý tấm lòng bá tánh.

Cần thiết nhất với những người trực tiếp đi cứu trợ là gì? Thông tin! Thông tin về địa chỉ bị thiệt hại, những người có trách nhiệm ở các địa chỉ ấy và cả thông tin cập nhật tình hình cứu trợ. Khi có thông tin đầy đủ và chính xác, các đoàn cứu trợ sẽ biết đi đâu, về đâu cho phù hợp, để việc cứu trợ đạt hiệu quả cao nhất và không làm phiền hà địa phương. Có thể hình dung tương tự như giới thiệu các tuyến, điểm du lịch vậy.

Đáng tiếc, những thông tin cần thiết cho xã hội cứu trợ như thế, hiện nay không tìm được ở đâu, kể cả các trang mạng địa phương và cứu hộ cứu nạn vẫn tiêu tốn nhiều tiền ngân sách. Hai cơ quan được chỉ định tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ cũng không có.

Nói về thông tin, có lẽ còn cần cả thông tin đầy đủ hơn trên những bao hàng cứu trợ, để nơi gửi hàng thể hiện được tình cảm và trách nhiệm cụ thể với người nhận. Để không xảy ra những hồ nghi chung chung đáng tiếc. Đồng thời, giúp cho việc phân phối hàng cứu trợ được nhanh chóng, chính xác.

Trong bối cảnh thiếu thông tin, hoạt động cứu trợ như đang diễn ra hầu hết tự phát theo cảm tính. Mà tự phát thì không tránh khỏi đôi khi chuyển động ngược chiều nhau, triệt tiêu nguồn lực lẫn nhau.

Tóm lại, công tác cứu trợ không chỉ có vận động cứu trợ. Quan trọng hơn (nếu không nói là quan trọng nhất) là đưa được tiền và hàng cứu trợ kịp đến với những người đang cần cứu trợ. Công tác cứu trợ không phải là đếm tiền và kiểm hàng.

MỚI - NÓNG