Cứu trợ thiên tai cũng độc quyền?

Cứu trợ thiên tai cũng độc quyền?
TP - Theo thông tin trên một số báo, dự thảo “Quy chế tổ chức quyên góp ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ, quản lý và sử dụng tiền hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai” chỉ chọn 4 đầu mối được tiếp nhận thống nhất toàn quốc, khiến dư luận thắc mắc.
Cứu trợ thiên tai cũng độc quyền? ảnh 1
PV báo Tiền phong tham gia cứu trợ đồng bào bị nạn trong bão số 6.

Xung quanh vấn đề này, Tiền phong đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lập - Phó Vụ trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thành viên nhóm soạn thảo.

Ông Lập cho biết:Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng cũng thấy rằng: Các tổ chức (trong đó có báo Tiền phong) và cá nhân đã thực hiện việc kêu gọi, quyên góp, cứu trợ rất tốt.

Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân tham gia kêu gọi, quyên góp, cứu trợ chưa được thống nhất vào một đầu mối nên khó điều hành. Hơn nữa, thực tế cho thấy, mỗi khi xảy ra thiên tai, rất nhiều tổ chức, cá nhân với tinh thần “tương thân tương ái” đã trực tiếp đến các địa phương thăm hỏi và trao quà hỗ trợ đồng bào gặp nạn.

Điều này có phần gây khó khăn cho các địa phương trong việc đón tiếp; gây ra sự xáo trộn không cần thiết cho các địa phương. Mặt khác, việc tổ chức cứu trợ như thế sẽ khó khăn trong việc giám sát, gây lãng phí, thậm chí thất thoát.

Tại sao lại có thông tin cho rằng dự thảo Quy chế chỉ cho Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Chữ thập đỏ VN, Đài THVN và báo Lao động được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ?

Cứu trợ thiên tai cũng độc quyền? ảnh 2
Ông Nguyễn Xuân Lập

Lúc đầu, chúng tôi hội ý đưa ra 8 đơn vị, sau đó rút xuống 6, rồi tiếp tục rút xuống còn 4 đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền hàng cứu trợ. Tuy nhiên, sau đó, nhóm thấy không hợp lý và trên quan điểm không hạn chế các tổ chức, cá nhân tiếp nhận, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai.

Sau đó, nhóm soạn thảo đã thống nhất: Sau khi thiên tai xảy ra trên diện rộng, làm hàng trăm người bị chết, mất tích, bị thương và thiệt hại tài sản hàng ngàn tỷ đồng, Ủy ban Trung ương MTTQ VN mới được phép tổ chức kêu gọi vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai và chỉ đạo thành lập Ban tiếp nhận tiền hàng cứu trợ ở các cấp thuộc hệ thống của MTTQ.

Trường hợp thiên tai gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ tướng tổ chức kêu gọi vận động. Các tổ chức khác chỉ được hưởng ứng lời kêu gọi vận động của Trung ương MTTQ VN, tức là chỉ được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ sau khi có cuộc vận động quyên góp của Trung ương MTTQ VN, chứ không được đứng ra kêu gọi vận động.

Số tiền hàng mà các tổ chức (ngoài MTTQ VN Trung ương và các cấp) quyên góp được sẽ chuyển đến đồng bào vùng bị thiên tai ra sao, thưa ông?

Toàn bộ số tiền hàng mà các tổ chức, cá nhân quyên góp được sẽ chuyển đến Ban vận động, tiếp nhận của MTTQ VN, Hội CTĐ VN các cấp. Trường hợp các tỉnh, thành phố vận động quyên góp và chuyển thẳng số tiền hàng cứu trợ cho các địa phương vùng bị thiên tai thì báo cáo bằng văn bản cho Ban vận động, tiếp nhận của Trung ương MTTQ VN.

Vậy còn các tổ chức, cá nhân muốn trực tiếp đến địa phương, gia đình bị thiên tai, thăm hỏi, tặng quà thì sao?

Ban tiếp nhận, phân phối tiền hàng cứu trợ các cấp vùng bị thiên tai có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có yêu cầu thăm hỏi, động viên đồng bào địa phương vùng bị thiên tai.

Nếu các tổ chức, cá nhân có cam kết ủng hộ bằng việc sửa chữa, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình dân sinh nhằm phục vụ cộng đồng thì phải có sự thoả thuận với chính quyền địa phương.

Tại sao nhóm soạn thảo không tham khảo ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân khi xây dựng Quy chế?

Thủ tướng yêu cầu trình Quy chế ngay trong tháng 11/2006 để ban hành. Vì thế, không đủ thời gian để tham khảo rộng rãi. Tuy nhiên, Nhóm soạn thảo cũng đã cố gắng bám sát thực tế để đưa ra những quy định phù hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ họp và lấy ý kiến thêm một số tổ chức, cá nhân, trong đó có các cơ quan thông tấn, báo chí để hoàn thiện Quy chế, trình Thủ tướng phê duyệt.

Đức Kế (thực hiện)

Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mọi người

Khi thiên tai xảy ra, việc cứu trợ phải càng nhanh càng tốt. Có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ, hỗ trợ rất nhanh bởi họ có vật chất, con người tại nơi xảy ra thiên tai.

Tôi cho rằng, nếu cứ qua các tổ chức cố định nào đó thì việc trợ giúp sẽ mất nhiều thời gian vì phải thống kê, lên danh sách lựa chọn… Chúng tôi thường trực tiếp đến giúp đỡ và ủng hộ các nạn nhân bão lũ. Sự quyên góp xuất phát từ tấm lòng, việc làm từ tâm, vì thế hãy tôn trọng sự lựa chọn của mọi người.

Tôi đánh giá cao các cơ quan báo chí tổ chức quyên góp

Cứu trợ thiên tai cũng độc quyền? ảnh 3
Đó là vì tính hiệu quả và thể hiện đúng chức năng tuyên truyền, kêu gọi và vận động toàn dân chia sẻ, giúp đỡ đồng bào. Đó là cách giúp đỡ nhanh, có hiệu quả (trong khi có tổ chức hàng đầu đứng ra nhận quyên góp thế nhưng đã lúng túng trong việc phân chia đến các địa phương, các gia đình gặp nạn trong bão Chanchu vừa qua).

Việc giao toàn quyền cho một số đơn vị nào đó cần phải hết sức thận trọng bởi hoạt động từ thiện thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vì thế phải có sự kết nối giữa các tổ chức xã hội và phải có quy chế, kiểm soát chặt chẽ.

TS Phạm Gia Lâm – Hiệu phó trường ĐH KHXH&NV
(ĐH Quốc gia Hà Nội)

Không nên ép buộc hay quy định cứng nhắc

Nhiều tờ báo làm từ thiện hay vận động xây dựng cầu, xây dựng bệnh viện, trường học rất tốt như Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ… vì uy tín của những tờ báo này rất lớn. Việc vận động xây dựng cầu Chôm Lôm, cầu Nông Sơn hay bệnh viện Đặng Thùy Trâm là những ví dụ.

Việc làm từ thiện là việc làm tự nguyện của người dân hay tổ chức vậy thì việc lựa chọn cơ quan báo chí hay UBMTTQ, Hội Chữ thập đỏ… vì chính sự tin tưởng đó chứ không vì sự ép buộc hay quy định cứng nhắc.

GS Ngô Nhật Thiêm (từ CHLB Đức)

MỚI - NÓNG