Ghi ở miền biên viễn - Kỳ cuối:

Cửu vạn vùng biên

“Cửu vạn” bốc xếp hàng qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến.
“Cửu vạn” bốc xếp hàng qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến.
TP - Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) được ví như “rốn ngụ cư” của dân tứ xứ. Từ các chủ buôn hoa quả, cánh tài xế đến những người lao động phổ thông, bán hàng, bốc vác thuê. Số lượng “cửu vạn” lên đến cả ngàn người trọ ở lán tạm bợ, để khi có lệnh là...lên đường.

Ngủ ngày cày đêm

Tân Thanh dịp cuối năm 2017 trời mưa lắc rắc triền miên. Con đường đất nhão nhoét ngược núi đá Nà Han, Lọ Bon, Đồi Cao ít người qua lại. Ban ngày, chỉ những người dân bản địa xuyên biên giới Việt - Trung để thăm thân, mua rau, xì dầu, cải thảo hoặc người nông dân đi chăm nom vườn tược. Tuy thế, khi màn đêm buông xuống, nhất là giữa khuya, rạng sáng lại nhộn nhịp bước chân người và ánh đèn pin.

Anh Lâm, quê ở Chí Linh, Hải Dương lên Lạng Sơn làm “cửu vạn” mấy năm nay. Ngày mới lên Tân Thanh, tuổi đôi mươi, có sức khỏe nên anh được nhiều chủ hàng gọi đi làm cửu vạn. Anh kể: “Cứ độ 21 giờ, sau tuần trà đặc là anh em bước ra cửa, vớ lấy tấm xốp to ngang lưng để ngoài hiên rồi theo hướng con đường nhỏ sau chùa Tân Thanh đi làm việc”.

Cửu vạn vùng biên ảnh 1 Ông Tuân chuẩn bị rời xóm trọ đi làm thuê.  

Khu vực cửa khẩu vắng lặng là thế, nhưng khi đến đường đồi nhộn nhịp hẳn. Tiếng gọi nhau khe khẽ, tiếng điểm danh nhát gừng trên núi cao. Ở lưng chừng núi, toán thanh niên ngồi vật vạ ở khe núi, ở đó có những kiện hàng to tướng xếp la liệt trên đất, mỏm đá. “Cai cửu” quán triệt công việc và bàn giao hàng cho từng người. Theo một quy luật: hàng đi liền với người, nếu mất người đó phải chịu nên ai nấy đều rất cẩn thận để không thất lạc hoặc bị bắt mất hàng.

Trong nhóm của Lâm có chừng hai chục “cửu”. Đa phần là dân địa phương, số ít là dân Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên. Những người vác hàng còn trai tráng, tuổi từ 18 đến 27, được “định biên” thành những tổ, nhóm và chịu sự điều hành, quản lý của “cai cửu”.

Thời gian vác hàng thường từ đêm khuya hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Các “cửu vạn” quen đường, thông thuộc địa hình nên chẳng cần đèn pin vẫn cõng hàng đi băng băng. “Nếu có sự cố tắc đường phải ngồi im chờ thời, khi có lệnh là xuất phát ngay. Trường hợp gặp lực lượng Hải quan, Biên phòng thì tìm mọi cách lăn hàng xuống vực sâu, khe núi hoặc vác hàng chạy ngược về phía biên giới”. Lâm mô tả công việc.

Theo lời của Lâm, mấy hôm nay đường trơn nên tốc độ vận chuyển hàng có phần chậm hơn. Hàng từ trên núi được “cửu” cõng xuống chân núi cách chừng một vài trăm mét. Người có sức khỏe như Lâm có thể vác bao hàng nặng 120 kg một cách ngon lành. “Chủ trả tiền công theo kg hàng. Vác càng nặng, càng nhiều tiền. Có đêm, tôi kiếm được nửa triệu”- Anh Lâm tiết lộ.

Lâm và các đồng sự của mình sau khi nhận tiền công, lặng lẽ rời hiện trường trở về các lán trọ sát núi đá trong khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Về đến nhà họ ngủ vùi đến chiều, sau đó ăn uống trà thuốc, tán chuyện rồi lại tiếp tục công việc vác hàng một ngày mới.

Cửu cò con

Chúng tôi tìm đến khu nhà trọ thuộc thôn Nà Lầu thuộc xã Tân Thanh, trong này có chừng trên 50 căn nhà cấp bốn, xây bằng gạch ba banh chuyên dành cho những người lao động, “cửu vạn” thuê. Ban ngày, gần như các nhà đều đóng cửa. Phần thì họ nghỉ ngơi, số còn lại đi bán hàng rong, làm thuê ở cửa khẩu.

Cửu vạn vùng biên ảnh 2 Ông Tuân trong phòng trọ chật hẹp của mình.

Thấy một gian nhà cửa mở, tôi mạnh dạn bước vào, cất tiếng chào hỏi. Một người đàn ông đen đúa nhìn tôi dò xét, tỏ vẻ ngạc nhiên vì vị khách không mời mà đến.

Tôi “phát sóng” bằng vài tiếng thổ ngữ địa phương để tạo niềm tin và ngay lập tức, người đàn ông này cởi mở, đun nước pha trà mời khách. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống, công việc của người lao động, ông chủ nhà nói: “Vất vả lắm anh ơi. Cũng vì miếng cơm, manh áo nên phải lên vùng biên giá lạnh này làm thuê, vác mướn”.

Người “cửu vạn” này là Hà Minh Tuân (41 tuổi, người dân tộc Nùng ở Bản Trang, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cùng vợ lên cửa khẩu Tân Thanh được hơn 4 năm nay. Công việc hàng ngày là vác hàng hoa quả cho chủ Việt Nam lẫn Trung Quốc.

Ông Tuân kể: “Giống như mọi người, khi hàng đến khu vực cửa khẩu, chủ sẽ điện thoại và giao việc. Thường là vác thùng hoa quả qua cổng chính từ Tân Thanh (Việt Nam) sang chợ Pò Chài (Trung Quốc), xa gần 100 mét và được trả công 10 ngàn đồng/thùng”.

Ông Tuân và vợ thuộc “cửu tôm tép, cò con”. Mỗi ngày vác hàng hoa quả tươi sang biên giới được lĩnh 120 ngàn. “Thôi thì cố gắng kiếm tiền nuôi con ăn học, chứ trừ tiền ăn, tiền thuê nhà, điện nước cũng chẳng còn được bao nhiêu”. Ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, gian trọ ông thuê có diện tích khoảng 20m2, đủ kê 2 cái gường và nơi nấu nướng với giá 600 ngàn/tháng. Dạo này, trời lạnh cóng không tắm giặt nhiều, chứ mùa hè oi bức, trẻ trong nhà dội nước thường xuyên rất tốn tiền.

Vợ chồng ông Tuân có hai con. Đứa lớn học lớp 8, đứa bé học lớp 5, Trường THCS xã Tân Thanh. Ngoài việc lo trả tiền trọ, ăn uống thì việc trả học phí, các khoản đóng góp cho con cũng kha khá.

Ông Tuân cho biết thêm: ở quê ông có khoảng 15 hộ tranh thủ lúc nông nhàn lên biên giới làm thuê. Đa phần thanh niên đi vác hàng đêm, tiền kiếm nhiều hơn. Tuy nhiên, những người như ông không thể vác nổi hàng nặng, thêm nữa, chủ không mướn những người yếu, già.

Ngồi trò chuyện với tôi trong chốc lát mà tiếng chuông điện thoại của ông Tuân đổ liên hồi. Ông cho hay, em trai ông là Hà Văn Hiển đang làm “cửu vạn” ở Pò Chài (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) gọi ông sang cùng bốc vác hàng tươi sống cho một chủ người Trung Quốc, họ trả 200 ngàn đồng/ngày.

Nan giải quản lý người tạm trú

Theo báo cáo của Đồn công an Tân Thanh, hiện nay số tạm trú tại khu vực cửa khẩu là 1.097 hộ, 3.206 nhân khẩu, phần đông là trong tuổi lao động và trọ ở các khu Vườn Mận, Nà Lầu, Bãi Đá, Thịnh Vượng...

Địa bàn biên giới Tân Thanh phức tạp, là nơi tập trung đông người đến kinh doanh buôn bán. Số lượng người tạm trú, tạm vắng thay đổi thường xuyên vì vậy tình hình an ninh chính trị luôn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Bên cạnh số “tạm trú ổn định”, có đăng ký nơi ở, sinh sống bằng việc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ cửa khẩu, bán hàng rong thì một lượng lớn dân địa phương lúc rảnh rỗi lên cửa khẩu tranh thủ vác hàng thuê hoặc giao dịch buôn bán trong ngày. Số này, họ không trình báo với các cơ quan chức năng.

Trở lại câu chuyện “cửu vạn” vùng biên Tân Thanh, theo đánh giá của ngành chức năng, không ít người hám lời, lén lút bán hàng “nóng” như đao, kiếm, dùi cui điện, thuốc kích dục, đĩa sex. Bên cạnh đó, lúc rảnh rỗi, những người làm thuê tham gia vào cờ bạc, lô đề, nghiện hút.

Anh P, một “cai cửu” ở Tân Thanh nói với phóng viên Tiền Phong: dịp này cận tết, lượng hàng về nhiều, kèm theo số “cửu” tăng lên. Nhiều chú “cửu trẻ” thi thoảng cũng “làm vài bi” (ma túy-PV) để chống buồn ngủ giữa đêm và lấy lại cảm giác sức khỏe sung mãn. Một số dùng chất kích thích để quên đi cái giá buốt cắt da, cắt thịt, để khỏi lo đàn rắn, rết độc, thậm chí cả mìn còn sót lại sau cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Giữa các “cửu” cũng xảy ra những mâu thuẫn dẫn đến đổ máu, chết người. Cách đây chừng 1 tháng, một “cửu vạn” người huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã dùng hung khí đánh chết một thanh niên vì chuyện vác hàng.

Đứng trước tình hình phức tạp, Đồn công an Tân Thanh phối hợp với lực lượng Biên phòng tổ chức phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, trong đó đẩy mạnh việc tấn công các tệ nạn xã hội.

Đại úy Hoàng Đức Bình, Phó đồn trưởng đồn công an Tân Thanh cho biết: Trong năm 2017, đơn vị phối hợp với phòng Hình sự, công an tỉnh và công an huyện Văn Lãng tổ chức triệt phá 6 tụ điểm, xử lý 8 đối tượng có hành vi ghi lô, đề, bắt 2 vụ, 9 đối tượng đang sát phạt nhau bằng hình thức đánh bạc.

“Cai cửu” quán triệt công việc và bàn giao hàng cho từng người. Theo một quy luật; hàng đi liền với người, nếu mất người đó phải chịu nên ai nấy đều rất cẩn thận để không thất lạc hoặc bị bắt mất hàng.

MỚI - NÓNG