Đa cấp giữa rừng sâu

Đinh Thị Bé (trái) và “vật chứng tố cáo”.
Đinh Thị Bé (trái) và “vật chứng tố cáo”.
Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) là xã miền núi xa nhất của tỉnh Bình Định. Dù là thâm sơn cùng cốc, chiếc “vòi bạch tuộc” bán hàng đa cấp cũng chẳng buông tha.

“Cục đường” ở làng K8

Quãng cuối năm 2014, làng K8 cứ sôi lên những câu chuyện không thực sự rõ ràng về Đinh Văn Lối. Lối mồ côi mẹ, ở với cha, tuổi chừng hăm mấy. Người Ba Na vốn xù xì, đen đúa, riêng nó da dẻ mướt rượt, hồng hào kiểu công tử bột. Đang học trung cấp y tế, Lối bỏ ngang, chẳng ai rõ lý do gia cảnh khó khăn nó đưa ra có đúng hay không. Ngày đẹp trời, Lối quay lại Vĩnh Sơn. Giàng ơi, xóm dưới làng trên lác mắt.

“Chu cha, không biết tiền đâu ra mà nó sắm sanh chóng mặt. Hễ nó bước ra đường là người già, trẻ nhỏ, con gái, con trai lại tụm năm tụm ba, xì xào chỉ trỏ. Nó mặc veston đen mới cứng, đầu tóc láng tưng, giày da bóng lộn, phóng xe máy ào ào. Ở K8 không ai có cái miệng dẻo quẹo như nó. Nó nói chuyện thu hút lắm, ngọt ngào như ngậm cục đường” - Đinh Thị La - người bà con của Lối nhớ lại. La có em gái tên Đinh Thị Bé - nạn nhân của “người anh em” Đinh Văn Lối mà về sau, chúng tôi sẽ được làm quen.

Hình ảnh anh chàng Lối hào hoa phong nhã, chải chuốt lượt là, đi đứng nghênh ngang, bạc tiền rủng rỉnh thực ra đã cũ. Lối nay ở hẳn tại K8, ngày ngày phơi nắng phơi sương, trồng mì cuốc cỏ. Thành quả mới nhất sau quãng đời lăn lóc làm “trợ lý giám sát” cho chuỗi bán hàng đa cấp của công ty Lô Hội có trụ sở tận TP HCM là cô bạn gái sắp cưới nghe đâu ở Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận.

Gặp Lối không dễ vì anh chàng có dấu hiệu sợ sệt, đầy cảnh giác. Nhờ cậy trung gian, gọi điện nhắn tin trước sau đều thất bại, chúng tôi chọn giải pháp đột nhập. Lối, trong bộ trang phục diêm dúa, luống cuống, ngượng nghịu dẫn chúng tôi vào trong.

Ngôi nhà nhỏ, phòng khách kê thêm chiếc giường ngủ, phần nổi bật hơn cả là khung cửa lồng kính bày biện lọ chai các kiểu, chừng muốn trưng bày, giới thiệu sản phẩm chi đây. Lối đỏ mặt bác bỏ: “Đồ dùng hết rồi, còn mấy cái vỏ, em để cho vui”. Những dòng sản phẩm mang nhãn Tập đoàn Forever (Mỹ), từ “thuốc” chữa dạ dày, gan thận, can thiệp chứng biếng ăn đến “kem đánh răng nha đam” (in hình nha đam bên ngoài)...

Hỏi thăm dãy bình to cồ cộ in dòng chữ FOREVER ALOE BERRY NECTAR, Lối nói: “Không nhớ 400.000 hay 500.000 đồng/hộp. Em bị xuất huyết dạ dày, dùng 4 hộp là hết đau”.

Chủ nhà cơ bản không quên vai trò phòng thủ qua lối đáp trả lí nhí, nhát gừng. Lối đây đẩy chối khi chúng tôi dẫn lời dân làng bình phẩm tài “phun châu nhả ngọc”: “Làm gì có bản lĩnh đó, không đủ khả năng nên em làm có một tháng rồi về. Lòng vòng theo mấy anh chị đi mời mọc người ta. Có khi cầm sản phẩm trên tay, khách hàng quan tâm thì hỏi”.

Vò đầu kêu “quên mất tiêu” địa chỉ nhà phân phối tại Quy Nhơn, Lối bảo đại khái, công ty tính điểm thăng tiến cho từng nhân viên (gọi là CC) căn cứ số tiền nộp vào và thành tích bảo trợ, lôi kéo thêm người mới.

Mỗi CC tương ứng 5 triệu đồng. 2 CC thì được gọi là trợ lý giám sát, 25 CC là giám sát. Cao hơn, 75 CC là trợ lý quản lý, đến 120 CC, nghiễm nhiên đã là nhà quản lý. Quyền lợi theo đó mà tăng. Bắt được “con mồi” mới chịu bỏ tiền mua 2 CC, người có công được trích thưởng 2 triệu đồng. Người mới “dìu dắt” thêm người mới hơn. Tầng nấc càng rộng, rễ bám càng sâu, sự trọng vọng và trả công từ hệ thống càng cao ngất ngưởng.

Đầu dây mối nhợ kết nối Lối với Lô Hội là người bạn tên Đinh Văn Sang bên xã Vĩnh Thuận. Vĩnh Thuận chính là nơi được Lối chọn khởi đầu “sự nghiệp buôn nước bọt” của mình.

“Kết quả kinh doanh của em là bảo trợ 3 trường hợp cho Lô Hội. Họ đều là bạn học cũ. Em không giỏi giang gì đâu. Trên Tây Nguyên, người ta làm mới nhiều” - vô tình, Lối cho thấy vốn “kiến thức” đáng gờm.

Đa cấp giữa rừng sâu ảnh 1

Là nạn nhân của bán hàng đa cấp, Đinh Văn Nhu buồn rầu vì mất tiền.

“Mất cả tật mang”

Đinh Văn Lối chắc chắn che giấu hành trang cá nhân quãng thời gian đánh đu cùng Lô Hội. Chẳng cần đâu xa, chỉ loanh quanh làng K8 thôi, cậu ta đã có khối người oán thán. Lối từng được “hệ thống” đánh giá là hạt nhân ưu tú, giàu triển vọng, từng dự nhiều cuộc tập huấn, đào tạo năng lực kinh doanh, từng được lựa chọn ra Hà Nội tham dự hội thảo kết hợp tham quan, du hí như là hình thức tưởng thưởng công trạng, khích lệ tinh thần.

Đinh Văn Nhu mang bộ mặt không thể ủ ê, buồn chán hơn. Người thanh niên sinh năm 1996 ngồi bó gối, mặt cúi gằm, mắt ngân ngấn: “Cha mẹ nghèo, em học tới lớp 10 thì nghỉ. Một bữa Lối hỏi muốn làm việc dễ kiếm tiền không. Không cần học hành đau đầu nhức óc, chỉ đi chơi, nói chuyện, vận động rồi ăn hoa hồng.

Em về nài nỉ bà già cho 10 triệu, xuống Quy Nhơn thuê trọ ở 1 tháng, lẽo đẽo theo Lối đi lòng vòng. Lối và một anh tên Hóa nói hay lắm, giống hệt thầy cô giáo giảng bài. Chỉ em là vụng về, lóng ngóng. Không rành tiếng Kinh, không thuộc đường sá, chưa mở miệng đã mắc cỡ râm ran còn biết vận động, thuyết phục ra sao.

Nộp vô 10,2 triệu đồng, ký bản hợp đồng song không được giữ; thêm tiền xe cộ, tiền thuê nhà, ăn uống, mất tổng cộng gần 15 triệu. Cạn túi thì về. Bà già kiềng riềng em suốt tới nay: Mất cả đống tiền mà không được cái gì hết”.

Đa cấp giữa rừng sâu ảnh 2

Một số vỏ sản phẩm trong “bộ sưu tập” của Đinh Văn Lối.

Nhu bẽn lẽn thú nhận người duy nhất anh đủ can đảm mở miệng rủ rê là “khách hàng” Đinh Văn Dũng ở làng K2, bạn cùng lớp cũ. “Dũng nói nhà không đủ điều kiện, lấy đâu ra 10 triệu đồng. Giờ nó đi bộ đội rồi”. Chẳng bì cho Lối, đã lay chuyển được bao nhiêu là người.

Những cái tên qua lời của Nhu, của Đinh Thị La lần lượt lướt qua: Đinh Xou, Đinh Thị Thúy ở Vĩnh Sơn; Đinh Văn Dương ở Vĩnh Thuận; 2 người làng O5, xã Vĩnh Kim; 5-6 người dưới huyện. Chưa hết, Lối còn rẽ qua Hoài Ân, Vân Canh, thậm chí sang tận Kbang, tỉnh Gia Lai.

Bữa cơm cạnh bếp lửa nhà già làng Đinh Chương được tăng cường thêm chút bia rượu kết thân, tạo không khí cởi mở. Đinh Thị Bé cầm khư khư hộp kem đánh răng nha đam hiệu FOREVER BRIGHT làm “vật chứng tố cáo”: “Em mua 180.000 đồng, dùng 1 tuần, thấy răng... mọc rêu, xỉn đen nên sợ quá, cất luôn”.

Bé - cựu học viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định - gọi mẹ của Đinh Văn Lối bằng dì ruột. Ra trường, thất nghiệp, nghe ông anh dỗ dành ngon ngọt, cô theo xuống Quy Nhơn, lận lưng hơn chục triệu đồng rút từ khoản gia đình được đền bù bởi công trình thủy điện Trà Xom.

Nhưng Bé tỉnh táo, chỉ 3 hôm là vẫy vùng tháo chạy. “Họ bảnh bao, ăn trắng mặc trơn nhưng đi uống cà phê cũng bắt em trả tiền. 3 cữ cà phê, một bữa cơm làm hết sạch 300.000 đồng em dành riêng ra. Thằng Lối tỉnh rụi như không. Nó hối thúc phải bỏ tiền giành lấy đẳng cấp hàng đầu tại Vĩnh Sơn” - Bé giải thích lý do khiến cô sứt mẻ niềm tin ngay buổi đầu dự định bước chân vào giấc mơ làm giàu trong phút chốc.

Tại Quy Nhơn, nhóm cô gồm 12 người được đưa đến ngôi nhà 3 tầng khang trang trên đường Nguyễn Huệ. “Người đàn ông tên Lê Huy Hóa giới thiệu nhà của ổng, thành quả kinh doanh đa cấp vài năm. Em chẳng tin. Ổng kiếm tiền nhẹ nhàng sao để cha già mẹ yếu, khổ cực lam lũ ngoài quê?”.

Bé rồi phải tìm cách trở lại Vĩnh Thạnh sau một tình huống thót tim như kịch, nhờ sự giải cứu từ phía bạn bè. Cô kể tiếp: “Họ chưa tha đâu anh. Có 3 người được cử lên Vĩnh Sơn lôi kéo, dỗ dành em rất có tương lai. Em ghét... nói láo, có tương lai sao được? 10 triệu còn ít đấy. Bạn em dưới thị trấn bị đòi tới 20 triệu nữa kia”.

Chúng tôi ghé UBND xã Vĩnh Sơn. Bí thư kiêm Chủ tịch Đinh Ply mở sổ ghi chép cẩn thận: “Có ai báo cáo gì đâu! Rồi, rồi, tôi yêu cầu kiểm tra luôn”. Tôi gửi cho ông Ply mối nghi hoặc về chuyến hồi hương của anh chàng ăn trắng mặc trơn. Phải chăng Lối vỡ mộng hay chỉ tạm im hơi lặng tiếng chờ thời?

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG