Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam:

"Đã chuẩn bị kỹ cho mọi khó khăn của vụ kiện"

"Đã chuẩn bị kỹ cho mọi khó khăn của vụ kiện"
(TPO) Ngay sau khi đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi các nạn nhân chất độc mầu da cam Việt Nam nộp văn bản hồi đáp ý kiến bị đơn cho tòa án Mỹ. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Nhân- Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam về vấn đề này. 
"Đã chuẩn bị kỹ cho mọi khó khăn của vụ kiện" ảnh 1
GS Nguyễn Trọng Nhân tại phòng làm việc

PV: Ông có thể cho biết những diễn tiến mới nhất của vụ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Ngày hôm qua, 18/1, đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã gửi văn bản hồi đáp ý kiến bị đơn (37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ) lên tòa án xét xử vụ kiện. Hiện tại vụ kiện đang trong giai đoạn tranh tụng trên giấy tờ giúp thẩm phán nghiên cứu lý lẽ của 2 bên. Ngày 28/2 tới,  tòa sẽ tổ chức cuộc gặp của luật sư 2 bên để tranh tụng đối diện. Theo luật pháp Mỹ, trước khi tòa quyết định thụ lý một vụ án thì các luật sư hai bên cần phải tiến hành tranh tụng. Do vậy, dù hiện nay chúng ta đã nộp đơn nhưng tòa vẫn chưa thụ lý để xét xem ai đúng ai sai.

PV: Những điểm chính trong ý kiến của luật sư bên bị là gì?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Phía bị đơn đã đưa ra 4 số lý do chính: 1: Các công ty Mỹ muốn tòa bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân dựa trên lý lẽ thời hiệu của vụ án đã qua lâu; 2: Các công ty hóa chất chỉ làm nhiệm vụ sản xuất chất độc theo yêu cầu của chính phủ và quân đội Mỹ; 3: Các công ty cho rằng họ không biết các hóa chất sử dụng đó là là chất độc gây chết người; 4: Các công ty hóa chất cho rằng vụ kiện này không sử dụng luật pháp quốc tế được.

PV: Ta đã có những chuẩn bị gì để đáp lại những phản bác của bên bị?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Đối với 4 lý do mà bên bị đưa ra, chúng ta có thể tóm lược một số điểm phản bác chính sau: Luật pháp quốc tế đã ngăn cấm sử dụng các chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có thể gây chết người. Mỹ rải chất độc, số lượng bao nhiêu, địa điểm rải đều đã được chính quân đội và chính phủ Mỹ công bố. Chính quân đội Mỹ cũng có binh sĩ nhiễm chất độc vậy không có lý gì để chối bỏ các sự thật hiển nhiên này.

Các công ty Mỹ nói không biết các loại hóa chất được sử dụng là các chất độc  là một lý lẽ không thể chấp nhận được. Các nhà khoa học từng chứng minh được, vào đầu những năm 90, rằng điôxin là một trong những loại chất độc nguy hiểm nhất.

Khối lượng hóa chất Mỹ sử dụng ở Việt Nam rất lớn: Tổng cộng 80 triệu lít, trong đó chứa đến 366 kg điôxin. Các nhà khoa học cũng chứng minh chỉ cần dùng 80 g điôxin trộn vào hệ thống cung cấp nước của một thành phố 8 triệu dân cũng đủ làm chết toàn bộ 8 triệu dân của thành phố đó. Con số 366 kg điôxin đủ cho thấy số hóa chất được rải xuống Việt Nam nguy hiểm đến thế nào.

Ngoài ra, Công ước Giơnevơ năm 1925 cũng đã ngăn không được sử dụng những vũ khí, chất độc trong chiến tranh, không chỉ đối với binh lính mà cả với dân thường.

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc năm 1945 cho đến nay là 60 năm. Thế nhưng Israel vẫn yêu cầu đưa ra xét xử những sĩ quan Đức đã gây ra những tội ác đối với người dân nước này.

PV: Những luật sư nào sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Ngoài các luật sư Mỹ, phía Việt Nam có nhiều luật sư khác như Giáo sư Lưu Văn Đạt, nguyên Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin Việt Nam, Luật sư Lê Đức Tiết...

PV: Các bạn bè quốc tế đã có giúp đỡ gì trong vụ kiện này?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Các tổ chức, phong trào trên thế giới đã có nhiều ủng hộ đối với chúng ta. Có thể kể đến Hội nghị quốc tế của những người tiến bộ tổ chức tại Stockhom tháng 7/2002 cũng đã đòi hỏi Mỹ có trách nhiệm đối với  vấn đề này. Các tổ chức, cá nhân ở Mỹ cũng đã có nhiều hoạt động ủng hộ chúng ta. Điển hình là việc Nhà hát ImaginAsia và Quỹ Hòa giải và Phát triển, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có văn phòng đại diện tại 25 Trương Hán Siêu, Hà Nội, đã tổ chức chiếu 2 bộ phim tài liệu “Mây độc của trận chiến” (nói về sự hủy hoại lâu dài về sức khỏe và môi trường do việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa chất da cam/điôxin ở Việt Nam) và “Câu chuyện từ một góc công viên” (mô tả một ngày trong cuộc sống của một cựu chiến binh Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất da cam trong những năm tháng chiến tranh). Ngoài ra ta còn nhận được sự ủng hộ của Hội luật gia dân chủ thế giới.

PV: Trước vụ kiện này, các cựu chiến binh Mỹ cũng đã có một vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Sau một thời gian rất lâu theo kiện, họ chỉ được thỏa thuận bồi thường tổng cộng 180 triệu đô la. Liệu chúng ta có nguy cơ bị rơi vào tình trạng này không?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Vụ kiện của chúng ta có nhiều điểm khác so với vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ. Trong vụ kiện trước, các nhà khoa học chưa có những kết luận chính thức về tác hại của điôxin đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên đến những năm 90, Viện hàn lâm khoa học Mỹ và Viện sức khỏe quốc gia Mỹ đã có những bằng chứng về ảnh hưởng của điôxin đối với sức khỏe con người. Hoàn cảnh của 2 vụ kiện cũng khác nhau. Vụ kiện trước là vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ trong khi vụ kiện hiện nay là các nạn nhân kiện.

Năm 1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton (lúc đó) đã có diễn văn tại Nhà Trắng thừa nhận với các cựu chiến binh Mỹ rằng điôxin gây tác hại đối với sức khỏe các cựu chiến binh. Sau đó chính phủ Mỹ đã có chính sách đền bù cho các cựu binh là nạn nhân chất độc da cam.

PV: Theo ông, liệu các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam có khả năng thắng trong vụ kiện này không ?

GS Nguyễn Trọng Nhân: Trước tiên một vụ kiện có khả năng này khả năng khác. Tuy nhiên trước khi tiến hành vụ kiện ta đã cân nhắc, suy tính những vấn đề thuận lợi cũng như khó khăn sẽ gặp phải. Đây là một vụ kiện đúng sự thật hiển nhiên mà mọi người đều thấy rõ. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và cả người Mỹ đều biết rõ điều này.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.