Đã có phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc

Đã có phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc
TP - Hơn một năm qua, Hà Nội đi tìm lời giải cho bài toán bảo tồn Đàn Xã Tắc. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp và  “quyết” phương án bảo tồn di tích này.

Tại cuộc họp có đại diện của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Cục di sản, các cơ quan chức năng của Hà Nội, Chủ đầu tư dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa tiếp tục đệ trình 4 phương án bảo tồn di tích. Phương án (PA) 1: Diện tích bảo tồn là 1.000 m2. Ưu điểm  của phương án này là không phải giải phóng mặt bằng thêm.

PA 2A: Diện tích bảo tồn khoảng 1.100 m2, ranh giới khu vực bảo tồn cách chỉ giới đường về phía bắc 11m, bề rộng phần đường 17,5 m. Theo PA 2 sẽ cần giải phóng mặt bằng 712 m2 và di chuyển khoảng 30 hộ dân. Kinh phí dự kiến phát sinh sẽ là 25 tỷ đồng.

PA 2B: Diện tích bảo tồn khoảng 1.100 m2, ranh giới khu vực bảo tồn cách chỉ giới về phía bắc 11m, bề rộng phần đường 11m, không phải giải phóng mặt bằng thêm.

PA 3: Diện tích bảo tồn là 1.571m2, ranh giới bảo tồn sát chỉ giới phía bắc đường. Theo PA 3, nút giao thông sẽ phải giải phóng mặt bằng thêm về phía bắc khu bảo tồn khoảng 1.200m2, di chuyển 40 hộ dân. Kinh phí dự kiến phát sinh sẽ là 40 tỷ đồng.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, cũng như phân tích những ưu, nhược điểm của từng phương án của đại diện các đơn vị dự họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã quyết  định lựa chọn PA 1, diện tích bảo tồn khoảng 1.000m2, không phải giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn PA1 không chỉ đảm bảo giảm thiểu phát sinh kinh phí mà điều quan trọng hơn là có thể hoàn thành công việc bảo tồn, sớm khai thác hiệu quả  con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã bị đình trệ 1 năm qua.

Tổ chức giao thông như thế nào?

Không phải  giải phóng mặt bằng, nhưng lại phải đảm bảo tiêu chuẩn con đường tránh ùn tắc và tai nạn, đó là mục tiêu cần đạt được. Theo đề xuất của chủ đầu tư, phần bảo tồn Đàn Xã Tắc nằm trùm lên dải phân cách giữa (3m) và một phần đường đã được thiết kế với tổng diện tích 1.000 m2 (18x55m). Diện tích này sẽ được trồng cỏ. Như vậy phần đường xe cơ giới sẽ bị xén 2 bên.

Để đảm  bảo đủ chiều rộng mặt đường, chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế bằng cách lấn chiều rộng đường sang hai bên: xoá dải phân cách giữa đường cơ giới và thô sơ, thu hẹp bề rộng hè 2 bên từ 7,5m xuống 3m.

“Làm như vậy vẫn đảm bảo khẩu độ cho xe cơ giới đi lại, tránh nút thắt. Tuy nhiên, phần hè cho người đi bộ bị thu hẹp một chút” - Đại diện chủ đầu tư thừa nhận.

Phần hố khai quật bị con đường đi trên đó sẽ được bảo tồn như thế nào? Theo chủ đầu tư tính đến việc khi có điều kiện sẽ tiếp tục khai quật, hay bảo tồn khu hố khai quật nằm dưới lòng đường, các nhà khảo cổ và các chuyên gia đề xuất đoạn đường này sẽ được thi công theo kiểu nắp đậy.

Có nghĩa là, sau khi lấp cát các hố khai quật, nhà thầu sẽ thi công các tấm bê tông đậy phía trên trước khi thảm nhựa đường. “Khi cần có thể mở các tấm bê tông này mà không cần phải đào bới đường” - Đại diện chủ đầu tư cho biết.

Dự kiến, kinh phí phát sinh cho công việc này sẽ lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, so với các phương án còn lại thì hiệu quả về kinh tế, xã hội là rất cao.

Dự kiến, nút giao thông sẽ được thi công sớm và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2008 để đảm bảo giao thông, phát huy hiệu quả “con đường đắt nhất hành tinh”. 

MỚI - NÓNG