Đã có thể lội qua sông Hồng

Đã có thể lội qua sông Hồng
7h sáng 4/2, mực nước trạm đo trên sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 1,46 m, tại Phả Lại, Quảng Ninh là 0,31 m. Đây là con số thấp kỷ lục trong hàng trăm năm qua.
Đã có thể lội qua sông Hồng ảnh 1
Nhiều nhà nổi ở ven sông Hồng giờ đã chạm đất

Nước thấp, lòng sông thu hẹp, các chủ tàu thuyền chỉ còn biết khóc ròng. Cách đây hơn một tháng, khi mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới 1,8 m, đã có hơn 200 tàu thuyền chở cát và vật liệu xây dựng bị mắc cạn.

Theo ông Phan Quốc Hùng, Phòng kỹ thuật, Đoạn quản lý đường sông số 6, với mực nước dưới 1,6 m thì phương tiện chắc chắn lại chôn chân một chỗ.

Không chỉ phương tiện đường thủy, hàng nghìn nông dân cũng đang buồn thiu vì ruộng, mạ đã sẵn sàng, nhưng chưa có nước gieo cấy. Trong 644.000 ha đất chuẩn bị cấy lúa xuân của khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, hiện còn tới 274.000 ha đang mòn mỏi chờ nước.

Khát nhất là vùng cuối nguồn như Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên), Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa (Hà Tây), Duy Tiên và vùng bắc Lý Nhân (Hà Nam)...

Nguy cơ mất đi non nửa diện tích gieo cấy lúa xuân ở miền Bắc đã khiến Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải thay đổi kế hoạch.

Thay vì chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, sáng nay, ông Phát đã làm việc với UBND Hà Tây, tỉnh có tới 38.000 ha thiếu nước, để bàn giải pháp chống hạn.

Ngoài ra, cũng hôm nay, Cục Thủy lợi có thêm 2 đoàn đến Bắc Ninh và Vĩnh Phúc để cùng địa phương tháo gỡ khó khăn. Thực tế, hạn hán ở miền Bắc không phải năm nay mới khốc liệt.

Liên tục từ năm 2004, miền Bắc phải đối phó với hạn hán. Ngày 3/8/2005, nước sông Hồng tại trạm đo Hà Nội xuống thấp nhất trong 100 năm qua với 1,58 m.

Nguyên nhân theo lý giải của Cục phó Thủy lợi Nguyễn Đình Ninh thì nguồn nước tưới tiêu có hạn và một phần đang bị ô nhiễm (trên sông Nhuệ). Trong khi đó, nhu cầu nước cho công nghiệp, sinh hoạt của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày càng tăng.

Theo Như Trang
Vnexpress

MỚI - NÓNG