Đà Nẵng đã làm được gì sau chỉ đạo 'nóng' của bí thư Thanh

Đà Nẵng đã làm được gì sau chỉ đạo 'nóng' của bí thư Thanh
TP - Việc “truy” đến cùng trách nhiệm của giám đốc các Sở Xây dựng, TN& MT làm nóng kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, cùng những chỉ đạo quyết liệt thời gian qua của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gây nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội. Những chỉ đạo này đã được ngành chức năng ở Đà Nẵng triển khai ra sao ?

> Chiến thắng bản thân mới đáng nể

 Nguyễn Huy Công tác xử lý mùi hôi ở các điểm nóng ô nhiễm được ngành chức năng tăng tốc sau lần truy trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo Sở TN&MT. Ảnh: Nguyễn Huy
Công tác xử lý mùi hôi ở các điểm nóng ô nhiễm được ngành chức năng tăng tốc sau lần truy trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo Sở TN&MT. Ảnh: Nguyễn Huy.

Phụ nữ nghèo có nhà, có Quỹ

Hơn tháng nay, được dọn đến căn hộ 708 chung cư C2 (Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Rồ (37 tuổi, tổ 27A, Nại Hiên Đông) chưa hết mừng. Nhà 6 nhân khẩu gồm 2 vợ chồng, 3 con và 1 mẹ già, suốt 6 năm nay chị Rồ phải kê nhà dựng tạm ở những khu đất trống.

Chồng bị tâm thần, chị Rồ là lao động chính với thu nhập ít ỏi từ nghề gánh cá thuê ở âu thuyền Thọ Quang. “Lần nghe báo đài đăng ông Thanh nói sẽ cấp nhà cho hộ đặc biệt nghèo, tôi mừng nhưng còn nghi ngại, chỉ khi nhận quyết định mới thấy mình lo thừa”, chị Rồ nói.

 Tôi nói với các anh tốt nhất cứ làm cái lán trại gần bên nớ rồi đem chăn, đem màn qua ngủ. Mình biết nó hôi như thế nào mình mới cám cảnh với người dân […] phải nằm ngủ đó luôn thì mình mới ngửi cái mùi hôi đó. Tại sao mình thấy khó chịu mà bắt dân chịu? 

Trích chất vấn của Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND TP

Cùng cảnh ngộ, bà Huỳnh Thị Phúc (44 tuổi, phường Nại Hiên Đông), như vớ được vàng trước quyết định nhận căn hộ chung cư. Nhà bà Phúc thuộc diện đặc biệt nghèo, bản thân bị tật nguyền nên thu nhập mỗi tháng chưa đầy 500.000 đồng. “Không có chủ trương cấp nhà cho hộ nghèo, chắc tôi đến chết vẫn ở tạm trong căn lều thôi”, bà Phúc nói.

Bà Nguyễn Thị Bôi (phường Hòa Khánh, Liên Chiểu) từng 3 lần viết đơn xin cấp căn hộ chung cư, nhưng đều “vô vọng”. Sau chủ trương của lãnh đạo thành phố, bà Bôi làm đơn gửi Hội LHPN và chỉ chưa đầy 2 tháng đã nhận được quyết định bố trí căn hộ.

Trước đó, tại lần đối thoại với hàng ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo đến tháng 6-2012, phụ nữ đặc biệt nghèo có nhà ở và xây dựng Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Theo chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng: Từ chủ trương này, Hội rà soát, trình gần 80 hộ đặc biệt nghèo xin cấp chung cư, và đến nay các hộ này đều đã được cấp nhà.

Từ chỗ chỉ có 18 chi hội phụ nữ (chi) với tổng số hơn 1.700 hội viên tham gia (đóng 500.000 đồng/1 người), đến nay có 63 chi với hơn 5.300 hội viên (tổng thu hơn 2,5 tỷ đồng) hoàn thành, dự kiến sắp tới thêm gần 100 chi hoàn thành với số tiền khoảng 5,3 tỷ đồng.

“Hiện, thành phố trích ngân sách đối ứng cho nguồn quỹ các đợt đầu, Hội ban hành quy chế quản lý và điều hành quỹ. Hội viên khó khăn sẽ được vay tối đa 20 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,5%, thời hạn thỏa thuận, để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn”, chị Hạnh nói.

Chị Rồ trong căn hộ chung cư mơ ước nhờ chủ trương của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Nguyễn Huy
Chị Rồ trong căn hộ chung cư mơ ước nhờ chủ trương của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Nguyễn Huy.

Chủ trương của Đà Nẵng hỗ trợ 5 triệu đồng/1 tháng cho CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường từng gây nhiều phản ứng trái chiều. Người đồng tình nhiều mà phản đối cũng không ít. Ban đầu, Đà Nẵng gặp khó trong việc tìm nguồn. Nhưng đến nay, tiền hỗ trợ đã đến tay các đối tượng trên.

Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước hỗ trợ riêng lực lượng CSGT đứng chốt. “Hiện các lực lượng TTKS ở 4 trạm cửa ô đã nhận được số tiền hỗ trợ, tạo động lực giúp ngành chức năng làm tốt nhiệm vụ chuyên trách của mình”- Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT nói.

Thiếu niên chậm tiến đổi đời

Nhìn Dương Tuấn A. (16 tuổi, trú phường Hải Châu II, quận Hải Châu) tỉ mỉ làm việc tại cơ sở dán đề can trên đường Phan Châu Trinh, ít ai biết A. từng sớm nghỉ học, bỏ nhà đi bụi.

Tuổi thơ A. đầy “chiến tích”: trộm cắp vặt, đánh lộn… thuộc diện theo dõi của công an phường. Sau lần tham gia đợt tham quan trại giam, đối thoại với lãnh đạo thành phố, A. đã chuyển biến.

“Em từng nghĩ ba mình ở tù, nhà không có ai chăm sóc, đời mình như bỏ đi rồi. Nhưng giờ, em dần hiểu hơn và tìm đường làm lại, trước mắt em làm thuê rồi sẽ tìm cách học nghề”, A. nói.

Đây là điển hình trong số gần 300 thanh niên “chậm tiến” đợt đầu (năm 2010) có sự chuyển biến rõ rệt.

Chị Mai Thị Thúy Vân, Bí thư đoàn phường Hải Châu 2, nói: Năm 2010, phường có gần chục thanh niên “chậm tiến” được dự gặp mặt lần 1, nhưng lần gặp thứ 2 vừa qua, chỉ còn “tồn đọng” duy nhất 1 em. Bản thân những em đợt 1 đã có sự tiến bộ rõ rệt, phần lớn không còn tái phạm.

Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho hay: Theo khảo sát, đánh giá 287 thanh thiếu niên chậm tiến lần 1 (2010) đến nay có hơn 140 em tiến bộ.

Thành phố vừa trích ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho các đơn vị nhận cảm hóa, giúp đỡ thiếu niên chậm tiến, nhằm hỗ trợ các em học tập, học nghề, mua phương tiện sinh kế.

Và giám đốc Sở mắc màn… “canh” ô nhiễm

Hạn mức 60 ngày hoàn thành việc giải quyết ngập úng nước ở 25m đường trên địa bàn tổ 41 (Hòa Mỹ 6, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) từ sau kỳ họp HĐND Đà Nẵng vừa qua (3 và 4-7), khiến ngành chức năng buộc phải tăng tốc nghiên cứu thay mới hệ thống đường cống, khơi thông dòng chảy.

Bà Nguyễn Thị Quý (53 tuổi, người dân tổ 41), nói: Đoạn đường chỉ dài 25m, nhưng gần 20 hộ dân phải sống chung với ngập úng 5 năm nay. Chỉ đến khi “truy” trách nhiệm trực tiếp của Giám đốc Sở Xây dựng, bà con ở đây mới thấy mấy ông hối hả làm.

Tại “điểm nóng” ô nhiễm môi trường âu thuyền Thọ Quang, khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang… công tác xử lý ô nhiễm được ghi nhận có phần rốt ráo, quyết liệt hơn.

ọc khu vực tường bao âu thuyền Thọ Quang, các ống bê tông, trụ thoát nước đang được xây dựng, lắp đặt mới; ngay các bể Trạm xử lý nước thải tập trung (Cty cấp thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng) tăng cường biện pháp theo dõi, xử lý nước, ngăn ngừa mùi hôi phát tán ra khu vực dân cư.

Các hộ dân khu vực lân cận tổ 40, 41 (Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bước đầu ghi nhận: Mùi hôi từ âu thuyền và trạm xử lý nước thải những tuần gần đây không còn thường xuyên và “đậm đặc” như 2-3 tháng trước.

Còn nhớ, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Phó chủ tịch UBND thành phố và GĐ Sở TN&MT nên … “nằm ngủ đó luôn để có thể ngửi mùi hôi như dân”.

Trao đổi Tiền Phong, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu, bộc bạch: Chúng tôi qua kiểm tra và trực tiếp ở lại nhiều lần để theo dõi mức độ ô nhiễm. Có khi tôi còn qua lúc 3 giờ, 5 giờ sáng… Nói là “mắc màn ngủ” nhưng có ai ngủ đâu để tiện kiểm tra, theo dõi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG