Đà Nẵng: Dân nổi giận vì rác

Đà Nẵng: Dân nổi giận vì rác
TP - Bức xúc trước việc Cty Môi trường đô thị nhiều lần cho xe đổ hoá chất lên bãi rác Khánh Sơn, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân đã “nổi giận”, chặn tất cả các xe vào bãi rác.
Đà Nẵng: Dân nổi giận vì rác ảnh 1
Người dân bức xúc trong cuộc họp sáng qua

Sự việc kéo dài từ ngày 24/7 đến tận trưa hôm qua, 26/7...

Không: điện, đường, nước sạch!

Đã từ lâu, người dân ở đây không dùng nước giếng nữa vì nguồn nước giếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bãi rác.

Chị Nguyễn Thị Thêm – người dân ở tổ 1, dẫn chúng tôi xem một vòng các giếng nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, than thở: “Chúng tôi không dùng nước giếng đã 7, 8 năm nay. Nước thế này mà dùng thì chỉ có chết trở lên”.

Trạm biến thế cung cấp điện cho người dân từ tổ 1 – 5, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã bị tụt áp hơn 2 tháng nay khiến gần 700 hộ dân sống trong cảnh “nhà tranh cũng như nhà ngói”. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy một động thái gì của các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Không có điện, nước, còn đường thì đầy rẫy “sông suối”, nhưng người dân chỉ thực sự “nổi giận”, chặn xe tải, xe ben chở đất đá và xe chở rác của Cty MTĐT tại tuyến đường vào bãi rác khi Cty MTĐT cho xe chở hóa chất lên đổ vào bãi rác.

Chị Nguyễn Thị Thành – người dân tổ 1, ấm ức: “Tối ngày 24/7, tôi thấy xe của Cty MTĐT chở hóa chất vào bãi rác, bốc mùi nồng nặc, liền gọi điện thoại cho Cty nhưng chẳng ai cầm máy. Sau đó, họ còn đổ thêm 3 xe hóa chất nữa”.

Hiện dân sống quanh vùng này đã có hiện tượng tức ngực, chóng mặt, buồn nôn. Người nhặt rác ở đây cũng đã bị tai nạn bỏng chân, hiện tượng chưa bao giờ xảy ra.

Theo phản ánh, Cty MTĐT đã cho đổ hóa chất lên bãi rác Khánh Sơn từ cách đây gần nửa tháng. Người bị nạn là cháu Trần Văn Cường (14 tuổi) trú tổ 2, thôn Đại La, xã Hoà Sơn, huyện Hòa Vang. Anh Trần Văn Minh – bố cháu Cường kể: “Ngày 14/7, cháu Cường đi nhặt rác, giẫm lên đống rác khô, nhưng bên dưới là nước hóa chất nóng. Cháu phải nhập viện. TT Y tế Liên Chiểu kết luận: Chân cháu bị bỏng hóa chất 5%, bỏng độ I và độ II”.

Lập tổ giám sát xe lưu thông vào bãi rác

Trước tình hình căng thẳng 2 ngày qua, một cuộc họp dân cấp tốc đã diễn ra với sự tham gia của đầy đủ các cơ quan chức năng có liên quan, gồm: ông Đặng Việt Dũng – GĐ Sở GTCC, ông Phạm Văn Thắng – GĐ Cty MTĐT, ông Dương Thành Thị – Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu...

Sau khi nghe người dân trình bày, ông Dũng công nhận những vấn đề trên là có thật. Ông hứa: “Sẽ cố gắng nối thông ống nước sạch từ phần đường Hoàng Văn Thái đã làm xong (đoạn từ QL1A đến BV Giao thông vận tải – PV) lên hết phần đường còn chưa làm trong tháng 9/2006. Cố gắng rải đá, làm mặt bằng lòng đường trong tháng 10/2006”.

Về vấn đề điện, ông Dương Thành Thị cho biết sẽ kiến nghị với Cty ĐLĐN, sửa chữa biến thế trong thời gian sớm nhất.

Trước bức xúc của người dân về việc đổ hoá chất lên bãi rác, gây ô nhiễm trầm trọng, ông Phạm Văn Thắng – GĐ Cty MTĐT thừa nhận có sự việc như vậy, nhưng mức độ độc hại như thế nào thì còn phải chờ kết quả giám định của Sở TNMT và TT Y tế Dự phòng TP Đà Nẵng.

Trao đổi với Tiền phong vào chiều 26/7, ông Trần Văn Tiên - Trưởng phòng KCS– Môi trường (kiểm tra chất lượng môi trường, thuộc Cty MTĐT), cho biết: “Hóa chất mà chúng tôi đổ ở bãi rác Khánh Sơn là nước rửa dàn khoan ở cảng Chân Mây (TT Huế). Đó là 96m3 nước thải công nghiệp gồm các thành phần NaOH, Javel, NaCl3, Fe2O3. Độ PH chỉ là 8.5, trong khi quy định chất thải CN có độ PH cho phép từ 5-9”.

Ông Tiên nói thêm: “Tôi tin chắc rằng nước này không độc hại gì cả, nó chỉ gây mùi khó chịu mà thôi”(?).

Cuối buổi trưa hôm qua, sau khi được các ban ngành hứa sẽ giải quyết kiến nghị, người dân đã cho xe lưu thông vào bãi rác. Lãnh đạo quận Liên Chiểu cũng đã quyết định thành lập tổ giám sát các xe lưu thông ra vào bãi rác Khánh Sơn gồm đại diện người dân, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu và Sở GTCC TP Đà Nẵng. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.