Đà Nẵng: Dân mất niềm tin ở ngành điện

Đà Nẵng: Dân mất niềm tin ở ngành điện
Do đã mất niềm tin bởi đường lối làm ăn của ngành điện, toàn bộ các hộ dân tham gia buổi tiếp xúc với đại diện Điện lực Đà Nẵng đều không đồng ý phương án để Điện lực Đà Nẵng đứng ra tháo đồng hồ điện đi kiểm định.

Không chỉ hàng trăm hộ dân ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu - Đà Nẵng) tỏ ra bức xúc  về chỉ số tiêu thụ điện năng tháng sau tăng hơn tháng trước (từ 70 - 150%) kể từ khi ngành điện thay công tơ mới và áp dụng công nghệ đo điện từ xa hữu tuyến (AMR) do Cty Điện lực 3 (PC3) ứng dụng lắp đặt; hàng loạt hộ dân ở các khu vực khác, kể cả từ TP Qui Nhơn - Bình Định cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng và báo chí bày tỏ phản ứng tương tự.

Sáng 9/8, đại diện Sở Công nghiệp, Điện lực Đà Nẵng cùng lãnh đạo UBND phường Thuận Phước đã có cuộc tiếp xúc với những hộ dân khiếu kiện.

Ông Đào Xuân Thuận, Phó giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết, đến hôm qua Điện lực Đà Nẵng và cả văn phòng HĐND TP lục tìm mãi vẫn  chưa ... tìm thấy đơn kiến nghị của dân gửi từ tháng 10/2004 (!).

Phản ứng của đại diện những hộ dân tại buổi làm việc là hết sức gay gắt và tỏ ra hoàn toàn không tin tưởng ngành điện bởi sự độc quyền.

Ông Phan Văn Đức (tổ 4 Thuận Phước), nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước khẳng định: “Ngay từ giữa năm 2004 chúng tôi đã có đơn về vấn đề chỉ số điện tăng vọt sau khi công nghệ đo từ xa của PC3 được lắp đặt, điều đó cho thấy chúng tôi không hề bị ảnh hưởng bởi vụ điện kế điện tử trong TPHCM”.

Ông Đức bức xúc về sự độc quyền coi thường khách hàng của ngành điện: “Đáng lẽ ngành điện khi muốn thay đổi một công nghệ nào đó thì ít nhất phải báo cho chúng tôi là những khách hàng. Dân chỉ biết đây là dự án vay vốn nước ngoài, chưa kịp mừng thì đã phải trả tiền gấp đôi gấp ba lần như thế. Khiếu nại thì chẳng ai giải quyết”.

Ông Lê Đình Ba chìa một xấp hóa đơn tiền điện, đau xót: “Nhà tôi không hề sắm mới thiết bị dùng điện nào, dùng hết sức tằn tiện, nhưng tháng 4/2005 thì công tơ nhảy lên 132 số điện, tháng 5 lên 180 số điện, tháng 6 lên 188 số điện, tháng 7 thì vọt lên 251 số điện, không biết còn tăng đến bao nhiêu?”.

Bàn đến vấn đề mấu chốt là đưa tháo đồng hồ điện đi kiểm định, toàn bộ các hộ dân đều không đồng ý phương án để Điện lực Đà Nẵng đứng ra làm việc này, vì đã mất hẳn niềm tin vào ngành điện (dù theo quy định, ngành điện đã được Tổng cục TCĐLCL ủy quyền làm việc này).

Kết thúc cuộc làm việc, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương và các hộ dân đồng ý phương án lập một đoàn kiểm định độc lập để kiểm định các công tơ “có vấn đề”, đó có thể là Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL khu vực 2 (Tổng cục TCĐLCL) đóng tại Đà Nẵng.

Đang thử nghiệm, vẫn xuất xưởng và lắp đặt hàng loạt!

Được biết, từ tháng 7/2001, PC3 đã triển khai lắp đặt thí điểm công nghệ đo điện từ xa hữu tuyến AMR tại TP. Đà Nẵng. Và đến nay, dù vẫn đang còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng tại thành phố này đã có tới 16.143 công tơ AMR được lắp đặt với 125 trạm tổng hợp dữ liệu.

Thế nhưng, đến tháng 4/2004 đã có tới 11.604 công tơ AMR tại Chi nhánh Điện 3 đã bị ngưng lắp đặt xếp vào kho mà chưa rõ lý do! Với giá mỗi bo mạch điện tử đo đếm điện từ xa (RU) là 5 USD và mỗi trạm tổng hợp dữ liệu là khoảng 5.000 USD, tính ra kinh phí PC3 đầu tư vào công nghệ AMR riêng tại Đà Nẵng lên tới khoảng 11 tỷ đồng, riêng tại Chi nhánh Điện 3 là khoảng 8,2 tỷ.

Còn theo con số thống kê tới cuối năm 2002, PC3 đã “tung” ra 69.300 bo mạch RU để gắn vào công tơ điện cung cấp cho các điện lực trực thuộc toàn miền Trung, dù sản phẩm này vẫn trong thời kỳ thử nghiệm.

Đáng nói hơn, mới đây phát biểu với báo chí, lãnh đạo PC3 cho biết đang chuẩn bị đưa ra thử nghiệm công nghệ đo điện từ xa vô tuyến (bằng thiết bị cầm tay pocket PC) cũng do PC3 tự sản xuất, đồng nghĩa với việc xóa sổ công nghệ đo điện từ xa hữu tuyến AMR.

Như vậy là hàng chục tỷ đồng đã được đem ra thử nghiệm để rồi được “xếp xó”, và sẽ thay bằng nhiều chục tỷ đồng khác với một thử nghiệm khác, thu lại bằng phản ứng và sự mất lòng tin của chính những khách hàng ?    

Ông Cao Thụy – Nguyên Giám đốc Điện lực Khánh Hòa:

Chúng tôi đã từng dùng thí điểm công nghệ đo xa (AMR) tại Nha Trang năm 2001. Đã gắn “con sò” vào hơn 7.000 công tơ, và trong thời gian đó vẫn cử người đi ghi trực tiếp số điện ở các công tơ này.

Đến năm 2003, chúng tôi không dùng AMR nữa, trả lại cho PC3, vì chúng tôi chưa tin tưởng và thấy hiệu quả không cao. Sử dụng công nghệ và thiết bị mới có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, việc tổ chức quản lý và uy tín của đơn vị, do vậy phải rất cẩn trọng.

Ông Phan Vinh - Phó giám đốc Điện lực TT-Huế:

Năm 2001, Điện lực TT - Huế cho áp dụng thí điểm công nghệ AMR ở 7 trạm, với 1.759 công tơ. Đến nay, Điện lực TT - Huế vẫn tiếp tục tiến hành kiểm tra song song bằng phương pháp ghi chỉ số điện thủ công và đo từ xa ở số công tơ này.

Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng và tính chính xác của công nghệ này như thế nào ở TT - Huế, đến nay chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra thông tin cụ thể, còn phải đợi kết quả đánh giá chung từ PC 3.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này đang  có những bất cập, đáng kể nhất là khi ứng dụng ở những khu dân cư bị quy hoạch lại, di dời bất thường, gây thất lạc thiết bị.

Ông Lâm Tăng Hòa, Phó GĐ Điện lực Bình Định:

Từ năm 2002, công nghệ AMR bắt đầu triển khai thí điểm tại Bình Định. Ban đầu, theo kế hoạch, ĐLBĐ dự tính cho Chi nhánh ĐL Qui Nhơn lắp đặt 36 trạm với 5.000 công tơ, tuy nhiên, đến nay mới chỉ lắp đặt được 26 trạm với 3.500 công tơ. Có khoảng 2% là có “sự cố”, chủ yếu là những trường hợp bị “kẹt” do bề mặt của đường dây hạ thế (số liệu không truyền về trung tâm).  

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.