Đà Nẵng đau đầu với ô nhiễm và xử lý vấn đề đất đai

Vấn đề liên quan đến 2 nhà máy thép đang “đau đầu” lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng trong việc giải quyết hậu quả Ảnh: Nguyễn Thành
Vấn đề liên quan đến 2 nhà máy thép đang “đau đầu” lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng trong việc giải quyết hậu quả Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ngày 6/11, HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ 4. Nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển nóng của thành phố như ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, văn minh đô thị và sai phạm trong vấn đề đất đai đã thu hút sự quan tâm của cử tri và các đại biểu. 

Trong khi đó, lãnh đạo thành phố cho hay, nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, xử lý chưa có lối thoát. 

2020 biển Đà Nẵng sẽ hết ô nhiễm?
Tại chương trình, một số cử tri và đại biểu HĐND thành phố đã nêu lên một số bất cập về việc xử lý ô nhiễm tại bãi biển Đà Nẵng do tình trạng nước thải chưa qua xử lý chảy ra biển, âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, bãi rác Khánh Sơn đang trong tình trạng “quá nóng, quá tải và quá lâu”…

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường biển là mối lo lớn nhất hiện nay của thành phố. Dự án xử nước thải phía đông thành phố sẽ khởi công vào tháng 4/2019 và đến cuối năm 2020 sẽ xong. Dự án kéo dài do thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, dự án hoàn thành việc xử lý nước thải cũng chỉ được đoạn từ đường Phạm Văn Đồng lui về phía Sơn Trà. Nước thải đã qua xử lý sẽ đưa về âu thuyền Thọ Quang để giữ bãi biển Đà Nẵng ở đây không bị ô nhiễm, xói lở. Trong khi đó, khu vực Mỹ An, Mỹ Khê đang triển khai tách nước thải ra khỏi nước mưa. Về lý thuyết, sẽ không còn nước thải chảy chung với nước mưa đổ ra biển nữa. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu phương án, đưa nước thải khu vực ven biển sau khi xử lý cho chảy về sông Hàn. 

“Bà con yên tâm, đến năm 2020 thành phố sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Trước mắt, sẽ áp dụng một số biện pháp ngắn hạn, như nạo vét cống rãnh, sửa chữa cống xả thải, siết chặt việc cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường… của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dân cư trên khu vực. Đây là thử thách lớn mà thời gian qua thành phố chưa làm tốt được”, ông Thơ  nói.

Liên quan đến bãi rác Khánh Sơn, lãnh đạo thành phố cho biết, đã có một số giải pháp ngắn hạn như điều chỉnh quy trình xử lý vận hành, thực hiện phủ bạt chôn lấp kịp thời ngay tức khắc, thực hiện thu gom nước rỉ rác. Riêng việc xử lý nước thải bãi rác giai đoạn 1 hiện nay rất ổn, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn và tiếp tục cho đầu tư giai đoạn 2. Ngoài ra, thành phố đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho người dân sống khu vực này. Ở  Việt Nam chưa có nhà máy xử lý rác thải nào đốt để phát điện, chất thải còn lại chôn lập dưới 5%. Đà Nẵng là nơi tiên phong trong việc thực hiện dư án này. Vì tiên phong nên cần nhờ cơ quan quốc tế tư vấn , nên quy trình làm khá lâu. 

“Hiện đã hoàn thành báo cáo khả thi để trình cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2022 dự án mới xong. Từ nay đến đó phải chấp nhận giải quyết ô nhiễm bằng những biện pháp ngắn hạn nhưng phải bảo đảm môi trường cho bà con xung quanh bãi rác”, ông Thơ nói và cho hay, hiện nay người dân Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) luôn đặt câu hỏi bao bao giờ di dời bãi rác Khánh Sơn? Nhưng nhiều bà con Hòa Vang  cũng không cho di dời bãi rác về đây. Do đó, vấn đề công nghệ xử lý rác là yêu cầu cao nhất đặt ra hiện nay. 

Hai nhà máy thép là “ca khó”
Hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana Ý là vấn đề được cử tri và đại biểu HĐND quan tâm. Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, những vi phạm của 2 nhà máy đã xử lý theo quy định của pháp luật. Sai phạm của các cơ quan tham mưu thời kỳ trước để cấp phép không đúng, sắp tới sẽ xử lý. Vấn đề lớn nhất là liên quan đến việc xử lý chất thải rắn, khói thải, tiếng ồn. Nếu nhà máy đặt trong khu vực quy hoạch đầy đủ, đúng chuẩn thì vẫn có thể chấp nhận được.  

“Sai của chúng ta là đặt nhà máy bên cạnh khu dân cư. Trong khi khu dân cư đó đã có cam kết giải tỏa nhưng cuối cùng ta không giải tỏa, để dân tiến càng ngày càng sát nhà máy”, ông Thơ phân tích. Theo ông Thơ, cơ quan chức năng kết luận vi phạm, tuy nhiên việc đóng cửa 2 nhà máy là chưa đủ cơ sở. Do đó, sẽ tiến tới xem ra quyết định tạm dừng hoạt động 3 - 6 tháng để khắc phục. 

“Vấn đề đặt ra, nhà máy khắc phục xong có hoạt động được hay không với cự ly cách khu dân cư  mấy chục mét như vậy? Đây là câu hỏi lớn”, ông Thơ nói, đồng thời cho biết thêm, trước đó UBND thành phố giao ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách xử lý. Tuy nhiên sau đó phải tăng cường thêm Phó chủ tịch để cùng với sở ngành nghiên cứu giải quyết. “Đây là một ca cực kỳ khó khăn từ trước đến nay”, ông Thơ thừa nhận. 

Không lối thoát trong giải quyết sai phạm về đất đai
Vướng mắc các doanh nghiệp, người dân liên quan đến hàng ngàn lô đất mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm đang chờ giải quyết. Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, việc này không chỉ liên quan đến việc giảm tiền sử dụng đất, hay thời hạn cấp đất. Mà đây còn là hệ quả của việc giao đất, giao dự án không đúng và liên quan đến hàng chục vấn đề khác.

“Giờ, đụng đến dự án nào, lô đất nào cũng có vấn đề hết. Trong khi sở, ban, ngành thành phố lúng túng, không đưa ra được giải pháp xử lý. Có những dự án họp liên tục nhưng không tìm được lối thoát. Các sở ban ngành hiện nay rất sợ, nên phải làm đúng nguyên tắc. Đúng nguyên tắc thì không chạy việc được, dự án vướng mắc. Khi chúng ta hỏi thì không có cơ quan nào trả lời và phải kiến nghị lên tận Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội. Thủ tướng cũng đã giao cho Thanh tra Chính phủ trả lời cho Đà Nẵng trong tháng 9/2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong”, ông Thơ cho biết và đề nghị các sở ngành phải bám bộ, ngành, Trung ương, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ để soạn ra các hướng giải quyết trước khi Thủ tướng kết luận vấn đề này. 

Các sở ban ngành hiện nay rất sợ,nên phải làm đúng nguyên tắc. Đúng nguyên tắc thì không chạy việc được, dự án vướng mắc. Khi chúng ta hỏi thì không có cơ quan nào trả lời và phải kiến nghị lên tận Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

MỚI - NÓNG