Đà Nẵng: Hiến đất mặt tiền, biến hẻm thành đường

Người dân tự nguyện “bóp” sân nhà chật lại, bỏ tiền túi xây lại tường rào, cổng ngõ để nới hẻm 227 thành con đường rộng 5,5m. Ảnh: Thanh Trần
Người dân tự nguyện “bóp” sân nhà chật lại, bỏ tiền túi xây lại tường rào, cổng ngõ để nới hẻm 227 thành con đường rộng 5,5m. Ảnh: Thanh Trần
TP - Để có con đường rộng rãi đủ cho hai chiếc ô tô tránh nhau và bà con sớm chiều thảnh thơi tản bộ, người dân sống trong hẻm 227 đường Nguyễn Văn Thoại (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) sẵn lòng hiến đất mặt tiền, bóp sân, đập cổng nhà…

Hộ nghèo cũng hiến

Ông Ngô Trọng Hối, tổ trưởng tổ 41 nhẩm tính tổ có 55 hộ, song từ trước Tết đã có tới 46 hộ tiên phong tự nguyện hiến đất, đập bỏ cổng để nới đường. Ông nhớ lại những ngày đầu vận động, nhiều hộ phản đối vì không muốn nhà mình bỗng nhiên chật chội. Biết nói chay vậy rất khó thuyết phục, ông Hối đánh liều sang nhà chị Nguyễn Thị Phụng “giao” chị phải làm gương thụt cổng vào vài tấc nhân lúc đang sửa nhà. Chị Phụng gật đầu, lùi sân và cổng nhà mình vào 80cm. Đoạn đường qua nhà chị bỗng thoáng ra, bà con ai nhìn cũng “đã con mắt” nên từ từ chịu hiến đất nới đường. Trong vòng 3 tuần trước Tết, 46 hộ đồng loạt lùi mặt tiền vào trong. Những ngày ấy, con hẻm như một công trường xây dựng, nhà nhà hối hả đập bỏ sân, cổng, hàng rào để kịp hoàn thành trước Tết.

Thấy đoạn đường qua tổ 41 rộng hẳn ra, hai tổ 42 và 42A cũng nóng lòng. Rất nhiều hộ vận động hôm trước là hôm sau cặm cụi đo đạc để hiến đất. Trong tổ 42, hai hộ cận nghèo và đặc biệt nghèo là ông Nguyễn Văn Hiến và bà Huỳnh Thị Sự sẵn lòng lùi mặt tiền vào từ 0,8 – 1m, dù giá đất ở phố đúng nghĩa “tấc đất tấc vàng” làm ai cũng thán phục. Trong khi đó, ba mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Minh Lễ gật đầu cái rụp, cùng đập bỏ tường rào ba căn nhà liền kề, bóp ngắn sân lại 80cm làm đoạn đường thoáng ra. Ông Nguyễn Thu, tổ trưởng tổ 42A cho hay hầu hết người dân của tổ đều hưởng ứng việc hiến đất, chỉ trừ một số nhà có sân, cổng quá tức không thể lùi hoặc cấn trụ nhà. Với tinh thần biến hẻm chưa đầy 4m thành đường rộng 5 – 5,5m, các hộ hai bên đường đã tự nguyện lùi 0,5-1m đất mặt tiền cho đường hẻm rộng ra.

Sau khi hiến đất, hàng chục hộ dân phải tự đập bỏ sân, cổng, tường rào của mình để xây mới lại. Mọi chi phí đều tự túc. Trước khoảng sân còn tươi màu xi măng mới, ông Trần Văn Minh (tổ 42) vui vẻ kể: “Ăn Tết xong là tui đập sân, cổng để lùi vô trong. Mấy hôm nay mới tráng lại nền xi măng và làm cổng mới, hết hơn 7 triệu đồng. Mình phải bỏ tiền túi ra dĩ nhiên là tốn kém rồi, nhưng tui sẵn lòng vì làm trên tinh thần tự nguyện chứ có phải giải tỏa đâu mà chờ đền bù này nọ”. Một số nhà với cổng, hàng rào kiên cố khi đập bỏ xong xây lại tốn hàng chục triệu vẫn không hề kêu ca.  Trước sự nhiệt tình của người dân, các tổ đã đi vận động những mạnh thường quân ngay trong xóm cùng đóng góp tiền vào quỹ chung để hỗ trợ những hộ phải xây lại sân, cổng, hàng rào. Ở tổ 41, mỗi hộ được hỗ trợ 2,2 triệu đồng, tuy nhiên các gia đình khá giả nhường lại phần hỗ trợ trên cho những hộ khó khăn hơn.

Vì con đường của 10, 20 năm nữa….

Hẻm  227 chạy dài hàng trăm mét, hai bên san sát nhà dân. Ra khỏi hẻm này là nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch vây quanh. Vậy mà mấy tháng trước đây, việc ra vào con hẻm này như một việc cực chẳng đã. Xe máy đi như rùa bò, xe con cùng lúc hai chiếc là kẹt cứng, không biết tránh nhau chỗ nào. Nhà nào có việc hoan hỉ, cúng đám coi như cả xóm bị ùn tắc. Bà con còn nhớ như in dạo sửa cống, dù ép sát vào mép nhưng tại đường hẹp sẵn nên xe cấp cứu tới chở người bị bệnh chào thua từ đầu ngõ. Cả nhân viên y tế và người dân phải lật đật chạy bộ vào nhà cáng người bệnh ra.

Đó là chuyện của nhiều tháng trước. Bây giờ, đoạn những hộ dân đã hoàn thành hiến đất được mở rộng ra thênh thang. Xe cộ đi lại thoải mái, không còn cảnh vừa chạy vừa né vừa tấp vô lề. Bà con kể dịp Tết vừa rồi, thấy khách khứa tới thăm nhà trên con đường rộng thênh thang mà lòng vui như mở hội. Ông Trần Ngọc Anh (tổ 42 A), tự hào: “Ai tới đây cũng ngạc nhiên hỏi răng mà đường rộng kinh rứa? Tui vỗ ngực khoe là do dân xóm tui hiến đất mở đường. Tự hào quá đi chớ!”. Còn bà Nguyễn Thị Minh Lễ (tổ 42) thì móm mém cười: “Chịu hy sinh chút của riêng để có con đường rộng rãi thì đáng làm quá đi chớ! Phải có con đường thiệt thoải mái cho mình đi hôm nay. Và để 10, 20 năm nữa…khi Đà Nẵng đất chật người đông cháu con mình sẽ không phải lầm lũi trong kiệt hẻm chật chội, bế tắc”.

Trong tháng 3 này, 9 hộ dân còn lại của tổ 41 sẽ hoàn thành việc hiến đất nới đường. Còn tổ 42A và 42 sẽ hoàn thành trước tháng 6. Khi đó, hẻm 227 sẽ không còn là hẻm, bởi đã trở thành con đường rộng gần 5,5m.   

Học hỏi để kêu gọi dân hiến đất nới đường

Anh Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng tổ 40A (phường Phước Mỹ) những ngày này thường xuyên có mặt tại hẻm 227. “Nhìn con hẻm ni, tui mơ ước con hẻm ở tổ tui một ngày gần nhất cũng sẽ rộng ra. Tui sang đây  học hỏi các tổ trưởng và người dân mọi thứ về việc hiến đất mở đường để về nghiên cứu, áp dụng cho tổ của mình. Hy vọng bà con sẽ học tập hẻm 227, cùng đồng tình để mở đường rộng ra”, anh Cường kỳ vọng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.