Đà Nẵng: Khốn đốn vì điện áp thấp

Đà Nẵng: Khốn đốn vì điện áp thấp
TP - Bắt đầu từ 23h đêm ngày 10/7, nhiều khu vực trên địa bàn TP. Đà Nẵng đột ngột mất điện khiến công việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đà Nẵng: Khốn đốn vì điện áp thấp ảnh 1
Ảnh minh họa: Dân Trí

Đặc biệt, 2 nhà in lớn là Nhà in báo Nhân dân và Nhà in Tài chính do hoàn toàn bị động nên toàn bộ các đầu báo (khoảng trên 20 báo, trong đó có báo Tiền phong) phải chờ đến 10h 30 sáng hôm qua (11/7), mới in xong. Việc phát hành của các báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải cắt bớt số lượng ... 

Về hiện tượng trên, PV Tiền Phong đã tìm hiểu và được biết: Hiện tượng điện áp thấp là do Cty Truyền tải điện 2 tiến hành tu sửa mạng lưới điện 500KV nên điện áp đã tụt đến 15%. Thông thường, điện áp chỉ cho phép tụt tối đa 10%.

Ông Thái Hồng Kỳ – Phó GĐ Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) cho biết: “Do trạm biến áp 500KV chỉ có 1 máy phát 500MWA và không thể cung cấp điện khi sự cố xảy ra nên bắt buộc phải lắp đặt thêm 1 máy 450 MWA. Công việc lắp đặt rất phức tạp, bắt buộc chúng tôi phải đóng cửa trạm 500KV và dùng các máy phát điện phụ khác để cung cấp điện cho TP Đà Nẵng. Công việc này mất khoảng 3 ngày, từ 10 – 12/7. Việc lắp đặt máy 450 MWA chỉ được tiến hành từ 23h – 6h sáng, là giờ thấp điểm tiêu thụ điện của nhân dân”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng điện áp thấp đã được Điện lực Đà Nẵng (ĐLĐN) tiên liệu trước và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 30/6 đến nay. Nhưng sự cố tụt hơn 15% và xảy ra mất điện ở một số “điểm nóng” thì đây là lần đầu tiên.

Ông Tôn Thất Lễ – Trưởng phòng điều độ ĐLĐN giải thích: “Mặc dù đã tiên liệu trước nhưng việc điện áp tụt trên 15% là sự cố bất khả kháng”.

Cũng theo ông Lễ thì ngoài việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, ĐLĐN còn gửi fax hoặc điện thoại cho những khách hàng đặc biệt (có sản lượng tiêu thụ điện trên 100KW/1h).

Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng khi được hỏi đều phản ánh họ không hề nhận được thông báo như ông Lễ nói. Hai Nhà máy in Tài chính và Nhà in báo Nhân dân chủ yếu hoạt động ban đêm (in báo) nhưng cũng hoàn toàn bị động vì không có thông tin gì từ phía ĐLĐN.

Giải thích điều này, ông Trương Chí Thông – Phó GĐ ĐLĐN cho rằng: “Những sự cố như thế này, các khách hàng phải tự chủ động liên lạc với chúng tôi (?).

Các nhà in ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Nếu họ chủ động liên lạc, chúng tôi sẽ đưa máy phát điện 250 MWA giúp đỡ”. Tuy nhiên, trong thông báo trên các phương tiện thông tin, ĐLĐN chỉ lưu ý rằng có hiện tượng tụt áp, chứ không thông báo có thể mất điện. Vì thế khách hàng rơi vào cảnh “không biết đâu mà lần”.

Về vấn đề thiệt hại và đền bù, ông Thông cho biết hiện ĐLĐN chưa thể thống kê, nhưng việc đền bù là không thể vì đây là “sự cố bất khả kháng”. 

MỚI - NÓNG