Đà Nẵng: Kinh hoàng dịch ruồi ở Ngũ Hành Sơn

Đà Nẵng: Kinh hoàng dịch ruồi ở Ngũ Hành Sơn
Ăn cơm phải mắc màn, ngủ trưa cũng mắc màn, đám cưới, đám giỗ phải dọn cỗ ban đêm, người lớn phiền muộn, trẻ em nhớp nhúa, còi cọc vì “sống chung với ruồi”.

Đã hơn 2 năm nay, gần 150 hộ dân ở 2 tổ 9, 10 phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) luôn trong tình trạng “báo động đỏ” vì dịch ruồi.

“Phải tập làm quen với... ruồi”

Phường Khuê Mỹ những ngày đầu tháng Bảy có lẽ là cao điểm của dịch ruồi. Người dân ở 2 tổ 9, 10 thấy PV đến thì bao nhiêu bức xúc, có dịp tuôn ra. Quán bún của chị Phan Thị Sa được coi là quán ăn sạch sẽ nhất trên con đường vào thôn, nhưng ruồi cũng đậu dày đặc.

Chị Sa bày tỏ: “Đã 2 năm nay quán bún ế ẩm cũng vì ruồi. Đang ăn, ruồi đậu kín chân thì khách nào dám tới”. Tuy nhiên, quán bún không phải là nơi ruồi nhiều nhất, khi chị Sa dẫn tôi vào nhà bếp, gần như ngay lập tức tôi phải quay ra vì cơ man là ruồi. Thế mà cả gia đình 5 người của chị Sa ngày nào cũng phải sống trong cảnh như vậy...

Nhà chị Huỳnh Thị Bé, chị Nguyễn Thị Sâm và rất đông nữa những người dân, ai cũng muốn PV đến nhà mình để ... trực tiếp xem ruồi. Tuy nhiên, cũng chẳng cần đi đâu xa, trên con đường vào thôn, nơi chúng tôi đứng, ruồi cũng bay vù vù, kín mặt.

Bà Hoàng Thị Ni - 60 tuổi, chán nản: “Tôi về làm dâu ở đây hơn 40 năm rồi, chưa bao giờ phải sống trong khổ sở như thế này. Suốt ngày phải sống chung với lũ ruồi, bây giờ người dân chúng tôi phải tập làm quen với ruồi chứ chẳng còn biết làm sao”.

Tôi hỏi: “Nghe bảo người ta có về phun thuốc mấy lần, sao ruồi vẫn tăng?”. Chị Sa bức xúc: “Họ về xem xét tình hình thì nhiều lắm, nhưng chỉ phun được một lần, có giảm chút ít nhưng chỉ một ngày sau lại như cũ. Có phần đông hơn trước”.

Tất cả các giải pháp chỉ là tình thế ?   

BS Nguyễn Xuân Thước - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng:

“Đối với dịch ruồi ở phường Khuê Mỹ, nếu cứ phun thuốc thường xuyên sẽ gây ô nhiễm, rất độc hại cho người dân và dần dần ruồi cũng sẽ nhờn thuốc.

Muốn diệt được ruồi, chỉ yêu cầu các hộ trồng rau xới đất, rải vôi bột thì sẽ diệt toàn bộ dòi ở cách mặt đất 2cm. Ngoài ra, cần phải có hệ thống hố ủ phân đồng bộ, không rải rác và phơi trên mặt đất như hiện nay.

Chỉ có biện pháp dân gian như trên thì may ra mới dập tắt được dịch ruồi”.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch ruồi tại Khuê Mỹ là do 30 hộ dân nơi đây ủ phân để trồng rau sạch. Bà Trần Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND phường - tỏ ra bất lực: “Cho đến nay, tất cả các giải pháp như phun thuốc, xử lý quy trình ủ phân của 30 hộ dân trồng rau sạch... đều chỉ là biện pháp tình thế, không thể dập tắt hoàn toàn được dịch ruồi”.

Theo bà Hồng, cho đến nay UBND phường Khuê Mỹ đã cùng Đội vệ sinh phòng dịch (VSPD) quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, đánh giá tình hình và tiến hành phun thuốc một lần nhưng trên thực tế ruồi vẫn không hề giảm.

Được biết, tại 2 tổ 9, 10 dịch ruồi đã hoành hành trên 100 hộ dân trong số 148 hộ. Bà Hồng cho biết mỗi lần tiến hành phun thuốc như vậy, đội VSPD quận phải tiêu tốn hơn 5 triệu đồng, trong khi đóng góp của người dân là không đáng kể.

UBND phường cũng đã 3 lần tổ chức họp với 30 hộ dân trồng rau sạch nhằm phổ biến cho họ phương cách xử lý hoá chất EM vào trong quá trình làm phân, nhưng cái khó chính là ở chỗ không có tiền mua hoá chất.

Bà Hồng cho biết: “Các hộ dân chỉ cam kết làm được tuần đầu, sau đó lại đâu vào đấy. Bởi nếu xử lý bằng phương pháp này, mỗi tuần những hộ này sẽ phải bỏ ra 600.000 đồng để mua hoá chất EM. Họ là các hộ dân nghèo bị giải toả ở An Thượng lên đây thuê đất, cấm trồng rau thì họ chẳng còn biết sống vào cái gì”.

MỚI - NÓNG