Đà Nẵng: Môi trường ô nhiễm, lao động khan hiếm

Đà Nẵng: Môi trường ô nhiễm, lao động khan hiếm
Nhiều khu vực ở Đà Nẵng đang bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, nhân công sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất sau bão cũng trở nên khan hiếm.
Đà Nẵng: Môi trường ô nhiễm, lao động khan hiếm ảnh 1

Bộ đội tham gia thu dọn rác thải tồn đọng trên đường phố Đà Nẵng sau bão số 6 Ảnh: L.T.M

Theo tinh toán của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng rác phát sinh do cơn bão số 6 vừa qua gây ra trên địa bàn ước khoảng 10.000 tấn, chưa kể hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày mà đơn vị phải vận chuyển ra khỏi TP. Huy động hết công suất thiết bị và nhân lực hiện có, công ty cũng chỉ vận chuyển được khoảng 600 tấn rác/ngày.

Dự kiến để giải toả hết lượng rác kể trên, đơn vị phải thực hiện trong ít nhất 10 ngày. Việc tồn đọng rác thải, nhất là ở khu vực nội thành đông đúc dân cư đã khiến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trở thành vấn đề biệt quan trọng hiện nay ở Đà Nẵng.

Theo Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng Phạm Minh Thắng, gần 1 tuần sau bão số 6, cũng chỉ mới giải toả được gần 70% rác thải, hiện còn tồn lưu hàng ngàn tấn.

Tình hình này đang tiếp tục đe doạ nghiêm trọng đối với vệ sinh môi trường ở nhiều khu vực của TP, nhiều nguy cơ sẽ là đầu mối phát sinh dịch bệnh. Thêm vào đó, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều nơi cũng bị ô nhiễm.

Hiện dịch đỏ mắt bắt đầu xuất hiện ở một số khu vực thuộc huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Phó GĐ Sở Y tế Đà Nẵng Đoàn Võ Kim Ánh cho hay, từ chiều 6/10, đã cử cán bộ y tế xuống các địa bàn nắm bắt và theo dõi tình hình dịch đỏ mắt.

Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh này là do môi trường ô nhiễm nặng nề; các đường phố, khu chung cư, trường học… bốc mùi hôi thối và bụi bay mù mịt.

Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế, đội y tế lưu động tiến hành phun hóa chất ở những vùng có mật độ ô nhiễm nặng, ưu tiên nhất là các khu vực trường học, chợ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và người dân.

Tại những điểm những người dân mất nhà phải sống sơ tán tập trung, cán bộ y tế cũng phun thuốc phòng chống lây lan dịch bệnh, khử trùng nguồn nước giếng cho người dân.

Giá lao động phổ thông tăng chóng mặt

Đà Nẵng: Môi trường ô nhiễm, lao động khan hiếm ảnh 2
Việc sửa chữa nhà cửa gặp nhiều khó khăn vì khan hiếm lao động Ảnh: L.T.M

Một trong những diễn biến khá bất ngờ ở Đà Nẵng hiện nay là bên cạnh giá cả tăng đột biến, việc khắc phục hậu quả bão số 6 đang gặp một khó khăn lớn là thiếu nhân lực.

Lúng túng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Hợp đồng giao hàng đã ký với đối tác nhưng công nhân không thể làm việc vì máy móc, nhà xưởng hư hỏng. Vì vậy, các đơn vị phải hối hả tìm thợ về sửa chữa. Nhưng… như Công ty cổ phẩn thuỷ sản Nhật Hoàng (KCN thuỷ sản Thọ Quang), đi tìm suốt mấy ngày chỉ được… 2 thợ cơ khí về sửa chữa nhà xưởng.

Phó GĐ Công ty Nguyễn Đức Tuấn cho biết, thợ cơ khí tìm không ra, công ty phải liên hệ với một số đơn vị xây dựng trong miền Nam. Nhưng phải vài ngày nữa họ mới có thể có mặt tại Đà Nẵng để giúp đơn vị sửa chữa nhà xưởng, ổn định sản xuất.

Đồng cảnh ngộ là Công ty nhựa Phát Thành (KCN Liên Chiểu), rất cần nhân lực xây dựng lại nhà xưởng bị bão số 6 đánh sập hoàn toàn. Nhưng do nguồn lao động quá khan hiếm nên dự kiến việc xây dựng, khôi phục lại nhà máy phải kéo dài 4 - 5 tháng… Đây cũng đang là khó khăn chung của hàng ngàn doanh nghiệp vì có tới 95% nhà máy, xí nghiệp ở Đà Nẵng bị thiệt hại do bão số 6.

Việc thu dọn hàng ngàn tấn rác thải trên địa bàn cũng đang rất cần bổ sung nhân lực. Ngoài 500 cán bộ, công nhân viên hiện có, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng đang cần thuê thêm 300 lao động phổ thông nhưng đến nay vẫn chưa có đủ nguồn bổ sung.

Hàng chục ngàn nhà dân, hàng ngàn phòng học bị sập hoặc tốc mái cũng chưa thể sửa chữa kịp vì thợ nề, thợ sắt, thợ mộc trước đây đã thiếu, nay lại càng khan hiếm. Bởi ai cũng tập trung lo sửa chữa nhà cửa của mình, người thân, láng giềng…

Do tình trạng khan hiếm này nên giá nhân công ở Đà Nẵng đang "leo thang" đến chóng mặt. Ông Lê Thành ở đường Ông Ích Đường cho hay, sau hai ngày giúp ông lợp lại mái tôn, hai người thợ mộc đã đòi tiền công mỗi ngày đến 100.000 đồng, tổng cộng là 400.000 đồng, gấp đôi so với ngày thường.

Chị Trần Thị Hương ở đường Nguyễn Tri Phương thì cho biết, cái giá “trọn gói” hai người thợ đưa ra sau hai ngày lợp lại mái tôn cho nhà chị còn khủng khiếp hơn nhiều, đúng 1 triệu đồng. Đã vậy, họ còn bớt xén thời gian làm việc. Gần 9h sáng mới đủng đỉnh đến làm và hơn 4h chiều đã nghỉ!...

Được biết, trước nhu cầu về nhân lực tăng đột biến như vậy, một số đầu mối có chức năng cung ứng lao động ở Đà Nẵng đã bắt đầu vào Quảng Ngãi, Bình Định hoặc các tỉnh phía Nam tuyển dụng nóng nguồn lao động phổ thông về đáp ứng.

Theo Hải Châu
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.