Đà Nẵng sắp xếp 49 đơn vị sự nghiệp công lập

Năm 2018, Đà Nẵng sẽ sắp xếp 49 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong ảnh, người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh Nguyễn Thành.
Năm 2018, Đà Nẵng sẽ sắp xếp 49 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong ảnh, người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh Nguyễn Thành.
TPO - Thành phố Đà Nẵng sẽ sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi 49 đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2018.

Ngày 25/4, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên vừa yêu cầu các sở ngành của thành phố quyết liệt triển khai thực hiện theo lộ trình đã đề ra để hoàn thành đúng theo kế hoạch sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý. Công tác này phải gắn với việc thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị theo chủ trương của Chính phủ.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng công tác sắp xếp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc hết sức công tâm, trách nhiệm nhất là người đứng đầu đơn vị, đồng thời phải được tuyên truyền, quán triệt đầy đủ để được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ công chức viên chức và người lao động trong các đơn vị.

Kế hoạch triển khai sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý nhằm thực hiện Nghị quyết số 08 của Chính phủ và chương trình hành động số 17 của Thành ủy Đà Nẵng đưa ra trước đó. Kế hoạch này của UBND thành phố Đà Nẵng được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2018-2021 sẽ triển khai đề án “Sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý”.

Giai đoạn 2022-2025 tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đến năm 2025 giảm 10-15% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế vào hoạt động sự nghiệp công.

Giai đoạn 2026-2030 thực hiện giảm 10-15% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025, đồng thời thực hiện kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Theo đề án “Sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2018-2021”, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi 49 đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2018; tổ chức lại cơ cấu bên trong, cơ cấu lao động, cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó là đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua 4 giải pháp: quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế tài chính và thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể một số ngành có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập nhiều như y tế, giáo dục sẽ là những ngành có số đơn vị được sắp xếp, tổ chức lại nhiều nhất. Ví như giáo dục sẽ thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các điểm trường nhỏ lẻ, phân tán, tiếp tục thực hiện xã hội hóa đối với giáo dục mầm non; hình thành trường phổ thông nhiếu cấp học và thí điểm mô hình “trường học tự chủ”; tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt.

Ngành y tế cũng sẽ tổ chức lại 6 đơn vị y tế dự phòng và y tế công cộng thành 1 trung tâm kiểm soát bệnh tật; sáp nhập Trung tâm dân số KHHGĐ vào Trung tâm Y tế quận huyện; sắp xếp lại trạm y tế xã phường. 15 đơn vị sự nghiệp ngành Văn hóa – Thể thao sẽ được sắp xếp để chỉ cón 9 đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan báo chí , tạp chí ngành thông tin truyền thông cũng được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả …

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.