Đà Nẵng: Sẽ tiếp tục sản xuất công tơ điện tử

Đà Nẵng: Sẽ tiếp tục sản xuất công tơ điện tử
Đó là tuyên bố của ông Trần Đình Thanh - Giám đốc Cty Điện lực 3 - trong cuộc họp báo giải thích về quy trình sản xuất công tơ điện tử tại khu vực miền Trung.
Đà Nẵng: Sẽ tiếp tục sản xuất công tơ điện tử ảnh 1
Chi nhánh điện 2 (Điện lực Đà Nẵng) tháo gỡ CTĐT tại nhà những khách hàng có đơn khiếu nại

Sau 1 tuần báo chí liên tiếp thông tin về quy trình sản xuất “mập mờ” công tơ điện tử (CTĐT) của Cty Điện lực 3 – PC3 (Tổng Cty Điện lực VN) cũng như việc một số hộ dân tại Đà Nẵng từ chối việc sử dụng tiếp loại công tơ này vì tiền điện tăng quá cao, sáng ngày 2/8, lần đầu tiên PC3 tổ chức họp báo công khai về sản phẩm CTĐT của mình.

Theo trình bày của ông Trần Dũng - Giám đốc Trung tâm Máy tính, đơn vị trực tiếp sản xuất CTĐT của PC3 - thì việc nghiên cứu sản xuất này bắt đầu từ năm 2000 và đến nay đã sản xuất được 5.500 CTĐT loại 1 pha (DT-01P).

Hiện tại, PC3 đã cấp 2.000 CTĐT cho điện lực Đà Nẵng, lắp đặt cho 1.619 CTĐT khách hàng; 1.000 cho điện lực TT - Huế và đã lắp đặt cho 150 khách hàng. Trên thực tế, việc lắp đặt mới tiến hành được khoảng 2 tháng, nhưng đến nay đã có 15 khách hàng tại khu vực Đà Nẵng khiếu nại về chỉ số sử dụng điện tăng vọt gấp đôi so với khi dùng công tơ cơ. Số đông người dân còn lại đang xôn xao nghi ngờ.  

“Chất lượng CTĐT của chúng tôi đã được kiểm định chặt chẽ bởi Tổng cục Đo lường - Chất lượng trước khi cho lắp đặt trên lưới” - Ông Dũng nhiều lần khẳng định tại cuộc họp báo. Thế nhưng, đông đảo nhà báo vẫn chưa thoả mãn về trả lời của ông về quy trình sản xuất CTĐT, vì quy trình này quá “lòng vòng”.

Một câu hỏi rất quan trọng được các báo quan tâm đặt ra là vấn đề đấu thầu, nhưng ông Dũng cho biết câu hỏi trên không thuộc trách nhiệm trả lời của ông. Câu hỏi này, khi kết thúc cuộc họp báo, đã được giám đốc PC3 - ông Trần Đình Thanh trả lời rằng: “Đặt vấn đề có đấu thầu hay không, tôi cho rằng đây chỉ là quá trình dày công nghiên cứu khoa học để phục vụ sản xuất, mang lại thành tựu KHKT chứ chưa nghĩ gì đến lợi lộc, nên cũng chưa quảng bá, giới thiệu, vì chúng tôi chỉ phục vụ nội bộ ...”.

Rất nhiều câu hỏi về giá thành sản phẩm, ông Dũng cũng từ chối trả lời, vì đó là “bí mật kinh doanh”. Cuối cùng ông Giám đốc Trần Đình Thanh cũng phải “xùy” ra: “Giá thành xuất xưởng, tôi công bố luôn là 175.000 đồng/cái. Rất đau xót khi phải công bố số liệu này, vì ý đồ của chúng tôi sau khi đáp ứng nhu cầu của mình và bán ra các đơn vị bạn, còn là để xuất khẩu”.

Trả lời về lợi nhuận PC3 thu được từ việc sản xuất CTĐT, ông Dũng và ông Thanh đều khẳng định: “Chúng tôi chưa thu được đồng lợi nhuận nào từ công trình CTĐT này”. Ông Thanh tỏ ra chua xót: “Từ một cái sai của đơn vị khác lại nghi ngờ chúng tôi. Lãnh đạo Cty này không có ai góp vốn vào đây để trục lợi cả!”.    

Một thông tin khác khá gây ngạc nhiên được ông Trần Đình Chiến - Phó GĐ Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL khu vực 2 - tại Đà Nẵng cho biết, đó là Trung tâm Máy tính đã cử 5 kỹ sư qua đơn vị của ông để theo học lớp kiểm định viên CTĐT. Học xong, Trung tâm Máy tính PC3 đề nghị xin được ủy quyền kiểm định nhà nước về công tơ điện do chính mình sản xuất (!).

“Chúng tôi không ủng hộ, vì anh không thể vừa sản xuất lại vừa kiểm định. Anh chỉ có thể đo lường kỹ thuật, chứ không thể thay mặt cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đo lường pháp lý” - Ông Chiến nói. 

Ông Trần Đình Thanh khẳng định với báo chí khi kết thúc cuộc họp: “Tôi không hề có ý định ngưng việc phát triển lắp đặt CTĐT tại miền Trung. Đối với số CTĐT đã sản xuất, tôi đã giao cho điện lực Đà Nẵng 2.000 cái, sắp tới là Điện lực TT - Huế giao đủ 2.000 cái và 1.000 cái cho Điện lực Gia Lai. Thời gian tới còn nhiều tỉnh khác.

Còn theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2005, chúng tôi sẽ sản xuất tiếp 50.000 cái. Chỉ khi nào cấp trên có yêu cầu dừng lắp đặt CTĐT thì chúng tôi mới dừng sản xuất!”.

MỚI - NÓNG