Đà Nẵng : Tan hoang trong bão

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão
TPO -  18h15 : Toàn TP Đà Nẵng chìm trong bóng tối. Chỉ bưu điện và một vài nơi có điện do chạy máy nổ. Nhiều người dân đang đến bưu điện để xạc đèn, xạc điện thoại di động nhờ. PV Tiền Phong tại Đà Nẵng nhận định, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất kể từ sau năm 1975 đổ bộ vào TP này.

>> Đà Nẵng : Tập trung cứu người bị nạn

>> Cà Mau : Nhiều đê ven biển bị sạt lở nghiêm trọng

>> Huế : Ngập lụt trên diện rộng

>> Hà Tĩnh : Sạt lở hàng trăm mét đê biển

>> Quảng Trị : Ảnh hưởng nặng nề, 1 người chết

>> Kon Tum : Nhiều tuyến đường bị lũ cắt đứt

>> Quân đội tích cực tham gia khắc phục hậu quả bão

>> Theo đài THVN, đến 19h30 tối nay đã có 10 người chết và trên 130 người bị thương tại các tỉnh thành có bão đi qua.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 1
Đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng trong cơn bão . Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 2
Chuyển xác một nạn nhân tại Đà Nẵng khỏi đống đổ nát.. Ảnh: Vũ Công Điền - TTXVN

Báo Tiền Phong kêu gọi sự giúp đỡ cho đồng bào gặp nạn

Một cơn bão khủng khiếp đã và đang tàn phá dữ dội khắp dải đất miền Trung của Việt Nam. Hãy chung tay phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để giúp đỡ đồng bào gặp nạn trong cơn bão số 6 này.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, ĐT: 04.9434341.

SỐ TÀI KHOẢN: 102010000017796 Ngân hàng Công thương Hai Bà Trưng – Hà Nội, Swift Code: ICBVUNVX 142. (Bạn đọc chuyển tiền cần ghi rõ : Ủng hộ đồng bào bị nạn trong cơn bão số 6)

Các văn phòng đại diện báo Tiền phong:

Miền Trung: 19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng, ĐT: 0511.828039;

TP.HCM: 384/54 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ĐT: 08.8484366.

Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật, TP Buôn Mê Thuật, Đăk Lăk, ĐT: 050.950029 , 050. 953670.

Đồng bằng Sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT: 071.823829.

Khung cảnh TP Đà Nẵng vô cùng tan hoang do sức tàn phá ghê gớm của bão. Hầu hết các cây cổ thụ tại TP đã bị nhổ bật gốc. Điện, nước bị mất trên diện rộng. Hiện chưa có thông báo bao giờ sẽ có điện trở lại.

Lúc này, tại thành phố Đà Nẵng, trời đã ngớt mưa. Nước không còn lênh láng trên đường phố. Tuy nhiên, cơn bão đi qua để lại hậu quả là những cây to nằm chắn ngang đường, những cột điện ngổn ngang ngoài phố... Các lực lượng cùng dân chúng đang phải khắc phục hậu quả của bão trong bóng tối.

16 giờ 15 phút: Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng triển khai tàu cao tốc đến cửa sông Hàn để kéo 1 tàu đánh cá của ngư dân bị đứt neo, trôi dạt. Trong khi đó, sau khi nhận được tin báo của nhân dân, một tổ công tác đặc biệt của bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng đã được cử đi cứu người dân bị trôi ở cầu Tuyên Sơn.

Cho đến thời điểm này, gió đã giảm, chỉ còn ở cấp 5, cấp 6. Người dân bắt đầu ra đường chặt cây đổ, thu dẹp nhà cửa sau cơn bão. Đối với những nhà bị sập hoàn toàn, người già và trẻ em đã được đưa đến đơn vị biên phòng để lánh nạn.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các địa phương có bão đi qua, không được để dân đói, dân rét, dân không có chỗ ở. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Cùng với việc chỉ đạo phải đảm bảo an toàn cho người dân vùng bão, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị tập trung ngay vào các biện pháp khắc phục sau bão. Theo đó, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung có sông lớn đi qua phải đặc biệt chú ý đề phòng mưa lớn, nước dâng cao, lũ quét..., gây thiệt hại cho người dân.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, thiệt hại là đau xót nhưng cũng là bất khả kháng. Việc không có người dân bị thiệt mạng trong vùng sơ tán chứng tỏ chúng ta đã chuẩn bị tốt công tránh tránh bão.

15h00 tại Đà Nẵng : Hiện gió đã đứng, nhưng mưa vẫn còn rất to. Tất cả các nhà cấp 4, nhà mái tôn đã bị tung nóc. Ước tính ban đầu có khoảng 5500 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nhà cấp 4 bị đổ sập, toàn thành phố có 16 kho tàng bị đổ, hàng trăm kho khác bị tốc mái. Hầu hết nhà của các PV thường trú của báo Tiền Phong tại Đà Nẵng đã bị tốc mái.

Trên đường phố Đà Nẵng, tôn mái nhà rơi đầy đường, cây đổ ngổn ngang, giao thông bị đình trệ và tắc nghẽn trên nhiều tuyến phố. Trên đường Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng có tới 80% các cột đèn bị đổ. Toàn thành phố đang bị mất nước và mất điện, liên lạc điện thoại cả di động và cố định cũng rất khó khăn do nhiều đường dây đã bị đứt, nhiều trạm thu phát di động bị đổ.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 3
Một giàn giáo quay, nặng gần 100 tấn, cao 70 m đang thi công công trình 12 tầng tại Đà Nẵng bị gãy đổ làm sập 3 nhà dân, chết và bị thương 7 người.. Ảnh: Vũ Công Điền - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 4
Nhà sập đổ tại Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Công Điền - TTXVN

Đến nay, riêng TP Đà Nẵng đã có 4 người bị chết và hàng chục người bị thương trong cơn bão số 6. Theo số liệu ban đầu, đến 14 giờ ngày 1/10, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã tiếp nhận 130 ca cấp cứu từ các quận, huyện chuyển tới.

Phần lớn các nạn nhân này bị thương do tôn bay đụng phải, tường sập, cây đổ đè lên... Ông Trần Quang Hiệp- Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa thành phố cho biết: Hiện nay, bệnh viện đã huy động các y, bác sĩ cùng nhiều phương tiện để tập trung cấp cứu cho người bị nạn.

15h30: Tại Thừa Thiên - Huế, gió vẫn giật mạnh, nước vẫn lên rất nhanh, có khả năng trong đêm nay mực nước sẽ ngang đỉnh lũ lịch sử 1999. Gió mạnh, lũ lớn, hàng ngàn ngôi ngôi nhà bị sập, tốc mái, nhiều vùng bị chia cắt.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 5
Ảnh: Thanh Tùng

Theo báo cáo nhanh của Ban chủ huy Phòng chống bão lụt, do gió giật mạnh, ở các huyện đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái, riêng huyện Nam Đông sập, tốc mái hơn 3.000 nhà.

Thiệt hại nặng nhất là ở Nam Đông và ở các huyện ven biển như Phú Lộc, Phú vang. Huyện miền núi Nam Đông, A Lưới bị tắc đường từ buổi sáng do nước ngập và sạt lở nhiều điểm trên Quốc lộ 49. Ở các huyện đều bị chia cắt bởi các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ đều bị lũ ngập nhiều đoạn.

Đã có hơn 10 trường học bị tốc mái. Bệnh viện Nam Đông tốc mái, huyện chỉ đạo chuyển phòng điều trị cho hơn 30 bệnh nhân sang cơ quan Viện kiểm sát.

Sáng 1/10, tàu kiểm ngư đang đậu trong vịnh bị đứt dây neo trôi ra xa, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lương phối hợp lai dắt được tàu vào lúc gần trưa.

Các hồ chứa nước đều đang an toàn, mặc dù từ trong đêm 30/9 đã vượt tràn.

Cột anten Viba của Hạt thông tin tín hiệu đường sắt sập đè lên nhà số 18 Bảo Quốc, rất may không có ai bị thiệt mạng.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 6
Ảnh: Thanh Tùng

Hàng trăm ha cây cao su, hơn 100 ha mía bị đổ, ngã; riêng huyện Nam Đông cao su bị đổ hơn 500 ha. Vùng ven biển nước dâng cao gây ngập sâu ở nhiều vùng như Cầu Hai, Lăng Cô.

Ở Phú Thuận (Phú Vang) nước đã tràn qua đê biển của Thôn Hoà Duân, trước đó đã gây sạt lở một đoạn dài. Gió mạnh và nước biển dâng đã  gây sạt lở nhiều tuyến đê biển. Ở xã Hải Dương (Hương Trà) nước xói lở trổ thành một con lạch mới thông ra biển.

Do chủ động phòng chống, khẩn trương tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm cho nên chưa chưa có người bị thiệt mạng do bão, lũ; hơn 10 người bị thương đã được chuyển vào bệnh viên cứu chữa.

Tại ga Huế có 261 khách và 33 trên tàu SE1 đang lưu lại được ngành đường sắt bố trí chỗ nghĩ và lo cơm nước. Trong mưa bão Cty Công viên cây xanh,Cty Môi trường đô thị vãn khẩn trương thu dọn cây bị ngã đổ ngang đường, bảo đảm giao thông nội đô. Lãnh đạo tỉnh chia làm 4 mũi về chỉ đạo trực tiếp công tác PCBL ở các vùng trọng điểm.

12h32 : Hiện sức gió đã giảm dần tại Đà Nẵng, chỉ còn cấp 9, cấp 10.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 7
Xe máy của khách đi đường bị bão số 6 cuốn bay trên đường cầu Nguyễn Văn Trỗi ( Đà Nẵng). Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 8
Đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng  ngập trong nước sáng 1/10. Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 9
Bão làm cây đổ gây ắch tắc trên đường Bạch Đằng, Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 10
Các công việc cứu trợ, ứng phó với bão đang được khẩn trương tiến hành tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ biên phòng cơ động, ứng cứu trong cơn bão. Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 11
Cây đổ trên đường Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng. Ảnh :Dương Vương Lợi-TTXVN

Nghệ An : 4 người chết

Sáng 1/10, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn huyện có mưa to, mực nước các sông, suối tăng nhanh làm 4 người chết gồm : Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1977, trú tại xóm 11, xã Ngọc Sơn; Nguyễn Viết Đức, sinh năm 1995, trú tại xóm 14, xã Thanh An; Phan Đình Phúc, sinh năm 1997, trú tại xóm 8, xã Thanh Hưng; Phan Văn Tịnh, sinh năm 1988, trú tại xóm Phượng Đình, xã Đồng Văn. Cả 4 người bị chết trong trường hợp đánh bắt cá trên sông, suối khi nước đang dâng cao.

20 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, mưa lớn đã làm sạt lở 20 điểm khu vực đèo Lò Xo thuộc huyện Đắk Glei với khối lượng đất đá khoảng 3.000m3 làm cho một chiếc xe khách trên hành trình từ Kon Tum đi Đà nẵng vào sáng nay (1/10) buộc phải quay trở lại nơi xuất phát là bến xe Kon Tum. Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ tỉnh Kon tum cho biết, đã bố trí trên đoạn đường này một đội công nhân 20 người và các phương tiện cơ giới chuyên dùng hạng nặng để giải phóng mặt đường. Nhờ vậy đến trưa nay 1/10 tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực đèo Lò Xo đã được thông tuyến.

Đến 11h sáng nay, sau hơn 2 giờ cơn bão số 6 đổ bộ vào Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, hàng loạt trạm thu phát sóng điện thoại của VNPT, Viettel bị đánh gục. Mất điện trên diện rộng. Đến nay, riêng TP Đà nẵng đã có hơn 70 người bị thương và 2 người chết.

Hầu hết các trạm thu phát sóng ở đây bị gẫy đổ, dây cáp đứt hàng loạt nếu cố gắng lắm thì cũng chỉ cầm cự được đến 11h30.

Trên sông Hàn, bão kèm theo nước sông dâng cao, làm một số tàu đánh cá của ngư dân bị đứt neo. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, bão làm cây đổ, tôn lợp nhà bay, khiến hàng chục người trên địa bàn thành phố bị thương phải cấp cứu tại chỗ và một số được Trung tâm cấp cứu thành phố tiến hành đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Hiện nay, nước trên các sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Hoà Xuân... đang dâng cao nguy cơ gây lũ lụt ở một số nơi. Nước từ nhiều nguồn ra biển cộng thêm triều dâng, nên nước sông Hàn dâng cao và sóng lớn tràn lên đường Bạch Đằng.

Đặc biệt, mưa lớn có thể gây ra lũ quét tại một số xã miền núi của huyện Hoà Vang như: Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Liên... Các lực lượng chức năng đã đựoc tăng cường đến những địa điểm có khả năng thiệt hại nặng để giúp đỡ người dân, ngoài lực lượng ứng cứu tại chỗ. Đà Nẵng đang tận dụng tổng lực để ứng phó với cơn bão số 6.

Chưa bao giờ cơn bão lại khủng khiếp như thế. Đó là nhận xét của phóng viên TTXVN thường trú tại Đà Nẵng khi thông tin về trận “ cuồng phong” này. Mưa, gió vần vũ trên đầu, nhà tốc mái. Toàn thành phố Đà Nẵng đã bị cắt điện từ 1h30’ hôm nay.

Tính đến 11h30 trưa nay, trên địa bàn đồn Biên phòng 216 tại Thùa Thiên - Huế đã có 2 cháu nhỏ bị thương, 2 ngôi nhà bị sập và 41 nhà tốc mái.

Tại khu vực đồn biên phòng cảng Chân Mây có 42 nhà bị tốc mái. Chính quyền cùng bộ đội biên phòng đã tổ chứuc di dời 24 hộ dân (trên 100 người) tới nơi an toàn.

Tại Quảng Trị : Sạt lở trên 200m đê ven biển.

Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị cũng vừa cử các đội quân Y khẩn trương xuống các vùng trọng điểm như Núi Thành, thị xã Hội An, Sa Kỳ, Dung Quất, xã Mỹ Thủy (Hương Thủy - Quảng Trị) giúp nhân dân sơ cứu người bị nạn.

Tại Đà Nẵng : Bộ Tư lệnh Biên phòng đã cử 2 đoàn xuống kiểm tra tình hình tại 2 quận bị thiệt hại nặng nhất là Liên Chiểu và Sơn Trà.

Tâm bão số 6 (Xangsane) đã đi vào đất liền Đà Nẵng với sức gió giật trên cấp 12. Tuy đã giảm một cấp so với khi hoành hành ở biển, nhưng gió bão đã nhấn chìm nhiều tàu neo đậu trên sông Hàn, giật tung cột điện, cây cối ven đường. Mái ngói, tôn, cửa kính nhiều ngôi nhà bị gió cuốn bay rào rào. Tại cửa sông Hàn, nơi trú ẩn hàng trăm tàu thuyền, gió bão quay cuồng, giật đứt dây neo đậu. Một số tàu đã chìm nghỉm trước sự bất lực của con người.

Nhiều cửa kính các khách sạn ven biển Đà Nẵng cũng bị gió cuốn vỡ tan. Nhiều khách sạn khác đang ra sức gia cố, chắn cửa kính. Anh Nguyễn Văn Nhơn, khách đang trú ngụ tại khách sạn Royal trên đường Quang Trung, Đà Nẵng cho biết, gió bão quá mạnh, cây cối gãy nằm la liệt ngoài đường. Phố vắng tanh. Toàn bộ khách du lịch trú tại khách sạn này tối qua thức trắng.

Từ Đà Nẵng ngược ra phía Bắc, mưa đang rất to. Tại Huế ( Thừa Thiên Huế) gió cấp 9; Hà Tĩnh là cấp 8. Quảng Bình, dù cách Đà Nẵng tới 2 tỉnh, nhưng gió vẫn giật cấp 10. Từ Đà Nẵng xuôi về Nam là Quảng Nam, gió giật cấp 10; Quảng Ngãi gió giật trên cấp 7.…

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 12
Cây đổ trên đường Lê Thánh Tôn,tp.Đà Nẵng. Ảnh :Dương Vương Lợi-TTXVN

* Sáng nay, tại cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật cho biết, điều lo ngại nhất hiện nay là mưa lớn làm hình thành lũ, đe dọa nhấn chìm hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc các bờ sông. Sáng nay, lũ trên các sông Bồ, Hương đang ở xấp xỉ báo động 2. Nhưng dự báo chỉ trong chiều tối nay, lũ sẽ vượt cấp 3, cấp cao nhất trong mức độ dự báo.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), sáng nay (1/10), sau khi đi vào đất liền thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng bão số 6 đã gây gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 13, cấp 14 tại thành phố Đà Nẵng; cấp 9, giật trên cấp 13 tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam); cấp 10, giật cấp 13 tại đảo Lý Sơn; cấp 8, giật cấp 10 tại thành phố Huế. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.

Hồi 10 giờ sáng nay (1/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc, 107,8 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật trên cấp 12.

Trong 24 giờ tới, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.

Như vậy, trưa và chiều nay bão còn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên.

Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trưa và chiều nay có gió bão mạnh cấp 7, giật trên cấp 8, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12.

Ngoài ra, do tác động của hoàn lưu bão, khu vực phía nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mua rất to. Cần theo dõi các bản tin dự báo thủy văn và chủ động phòng tránh lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối miền núi, ngập sâu ở vùng đồng bằng ven biển.

Mưa lớn tràn về các hồ chứa, đe dọa vỡ và có thể cuốn phăng hàng trăm nhà dân. Tuy nhiên, đại diện Cục Thủy lợi đã trấn an rằng các hồ của Tây Nguyên đang bước vào cuối mùa mưa, hồ gần đầy nước. Để đảm bảo an toàn, ban quản lý các hồ này đã được lệnh mở cửa tràn, xả bớt nước.

Riêng hồ Trà Cân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nơi tâm bão có thể đi qua, đang trong tình trạng báo động đỏ. Do chất lượng bêtông thân cống kém, đập đất bị thấm, lại nằm ở độ cao 116 m so với dân cư vùng hạ lưu, nên để tránh nguy cơ nước đầy, vỡ hồ, 500 người dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời từ hôm qua.

Hoàn lưu bão đã tạo nên gió Tây Nam từ đất liền thổi ra. Trong khi đó bão từ biển thổi vào khiến sóng dâng cao 4-5m đánh mạnh vào bờ. Sức gió mạnh hơn đã làm giảm sức mạnh của sóng lại và thổi dạt ra biển. Nhờ vậy, bãi biển khu vực này đã giảm bớt một phần thiệt hại ảnh hưởng của sóng.

Đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi, Cù lao Chàm thuộc Quảng Nam với hơn 4.000 người đang bị cô lập hoàn toàn. Nhiều con đường ở Cù Lao Chàm ngập 1m dưới biển. Trưởng Ban phòng chống lụt bão Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, sáng nay, tỉnh đã họp Ban chỉ đạo triển khai phương án phối hợp với tàu lớn của Hải quân tiếp cứu cho đảo Lý Sơn.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ;Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, các thành viên Ban chỉ đạo tiền phương đã thức suốt đêm qua (1/10) để trực chỉ huy chống bão số 6. Một đêm không ngủ với nhiều âu lo, nhưng không phải hoàn toàn bế tắc sau những nỗ lực chuẩn bị phòng chống suốt thời gian qua!. Quyết định của Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong vòng một ngày trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền đã kịp sơ tán hơn 18 vạn dân để tránh cơn “cuồng phong” ( bão số 6) chưa từng thấy trong nhiều năm qua là chính xác và chọn đúng thời điểm đã hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản của dân.

Rạng sáng nay (1/10/2006), cơn bão số 6 đã đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng với sức tàn phá khủng khiếp.

Hàng ngàn ngôi nhà cấp 4 và nhà tạm của các hộ dân ở dọc các tuyến đường ven biển: Sơn Trà - Điện Ngọc; Nguyễn Tất Thành... đã bị tốc mái.

Trên đường phố, tôn lợp của nhà các hộ dân bay ra đường rất nhiều. Trên các tuyến đường chính như: Trần Phú, Lê Duẩn, Quang Trung, Phan Chu Trinh...cây cối gãy, đổ ngổn ngang, giao thông nhiều tuyến đường bị tê liệt.

Một số cây cổ thụ đã bị gió thổi bật tung cả rễ làm hư hại các công trình dân sinh. Hàng loạt cột điện, trạm biến áp ngã, giây điện đứt rơi ngang đường...

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 13
Đường dây điện trên đường Duy Tân, quận Hải Châu bị bão số 6 cuốn đổ lúc 7 giờ ngày 1/10/2006. Ảnh: Xuân Quang - TTXVN
Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 14
Nhiều trụ điện bị đổ trên đường Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng). Ảnh: Xuân Quang - TTXVN

Tại một số khu dân cư như Xuân Hoà A, Phần Lăng nước ngập gây khó khăn cho đời sống của người dân. Toàn thành phố đã bị mất điện từ lúc 1 giờ 30 phút. Đến 2 giờ, sức gió đã bắt đầu mạnh lên tới cấp 10, cấp 11 và giật trên cấp 11.

Hiện nay, gió bão đang rất mạnh và kèm theo mưa to. Việc tham gia giao thông rất khó khiến cho công tác triển khai phòng chống bão lụt gặp rất nhiều khó khăn.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng đang huy động toàn bộ lực lượng công an, quân đội và lực lượng tại chỗ tích cực tham gia chống bão và bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

9 giờ 20 phút: Theo tin mới nhận lúc 9 giờ 20 phút, tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, đã có 4 người bị thương. Xe bọc thép đã được huy động để đưa những người dân bị thương đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Đà Nẵng điều trị.

Bão to, sức gió mạnh đã làm một số tàu neo đậu tại sông Hàn bị đứt neo, trôi dạt.

Gần 90% nhà ở, nơi làm việc, trường học trên địa bàn Lý Sơn, Quảng Ngãi bị tốc mái.

8 giờ 30 phút: Tin từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, 3 ca nô và 2 thuyền máy đã bị bão nhấn chìm. Lúc này, thông tin báo về cho biết có 1 người bị thương. Đó là ông Nguyễn Thuận.

Đến thời điểm này, các đồn biên phòng tại Quảng Ngãi đã đưa 766 người dân, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em vào nơi an toàn.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 15
Sóng dữ đe dọa kè biển tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). ảnh: Na Nam Hùng - TTXVN

Tại Huế

10 giờ 47: Phóng viên Tiền phong có mặt tại Trung tâm Khí tượng thủy Văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, không khí làm việc tại đây rất "nóng". Luôn luôn có hơn 10 cán bộ đang trực bão, cập nhật thông tin từ các trạm rađa và các trạm ở địa phương, trạm đo mực nước ở sông Hương... Trên sông Hương, hàng trăm cống lớn, nhỏ được mở hết tốc lực để xả nước.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 16
Sáng 1/10/2006 ,Cơn bão số 6 đã đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên-Huế ,gây bào lớn cấp 10 kèm theo mưa to trên diện rộng làm đổ nhiều cây cối, tốc mái nhiều nhà cửa của dân . Hiện mực nước trên các con sông xấp xỉ ở mức báo động 2 và tiếp tục dâng lên.Trong ảnh: Nước tràn qua Đập Đá (tp. Huế) . ảnh:Quốc VIệt (TTXVN)

Lúc này, mưa mỗi lúc một to. Đường phố nhìn tan hoang trong mưa bão.

Thống kê mới được cập nhật cho biết, đã có 5 người bị thương, trong đó có 2 cháu nhỏ ở huyện Phong Điền.

Ông Nguyễn Lộc, một người dân ở đường Hai Bà Trưng, TP Huế lo lắng: Cả đêm qua, tôi không ngủ được. Từ năm 1985 đến nay, tôi và gia đình mới lại cảm thấy lo lắng vì một cơn bão mạnh như thế này.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 17
Cây đổ trên đường phố Huế. ảnh: Quốc Việt -TTXVN

10 giờ: Có tin báo về Văn phòng Chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế, 1 tàu bị đứt neo ở Quảng Nam. Tỉnh lộ 18B bị sạt lở, gây tắc đường. Các tuyến quốc lộ 49B từ Huế đến huyện Nam Đông và A Lưới bị sạt nặng, gây chia cắt.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, từ sáng sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Trịnh Xuân Lý đã có mặt tại Văn phòng Chống lụt, bão tỉnh, trực tiếp chỉ đạo.

5 giờ sáng: Phóng viên Tiền phong đang có mặt tại Thừa Thiên - Huế, cho biết, sức gió đã giật trên cấp 9. Mưa rất to. Cây cối đổ la liệt ngoài đường phố. Đường dây tải điện từ Đà Nẵng ra Huế gặp sự cố, gây mất điện trên diện rộng tại phía Nam của tỉnh.

Thống kê ban đầu cho thấy, 500 nhà trên địa bàn bị sập và tốc mái. Khu vực bị thiệt hại nặng nhất là thuộc huyện Phú Lộc và Phú Vang. Hiện chưa có thống kê về số người chết nhưng đã có 1 người bị thương ở huyện Hương Thủy.

Trong khi đó, nước sông Hương trên báo động 3, nước sắp tràn bờ. Mực nước sông Bồ tại trạm Phú Ốc xấp xỉ báo động 3. Ở các vùng ven biển, gió giật trên cấp 10. Vùng ven biển Thừa Thiên - Huế, nước dâng cục bộ, tràn qua đê biển thôn Hòa Dân, gây sụt lở kéo dài trên 500m.

Tại các xã Phú Thuận, Phú Vang, khu vực cầu II, Lăng Cô, huyện Phú Lộc, nước đang dâng nhanh. Khu vực Lăng Cô, nước sâu hơn 4m, gây ngập nặng.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 18
Sáng 1/10/2006 ,Cơn bão số 6 đã đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên-Huế ,gây bào lớn cấp 10 kèm theo mưa to trên diện rộng làm đổ nhiều cây cối, tốc mái nhiều nhà cửa của dân . Hiện mực nước trên các con sông xấp xỉ ở mức báo động 2 và tiếp tục dâng lên. Trong ảnh :Cây cối trên nhiều tuyến đường trong thành phố Huế bị đổ, gây ách tắc giao thông.ảnh: Quốc Việt (TTXVN)

Thông tin tổng hợp của bộ đội Biên phòng các tỉnh miền Trung

8 giờ: Theo thông tin của Bộ đội Biên Phòng 216 các tỉnh miền Trung cho biết, đến sáng nay, cơn bão số 6 chỉ còn cách bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng 30km và bắt đầu có ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung.

Cụ thể thiệt hại ban đầu như sau:

- Thôn Nhất Đồng - Hưng Điền - Phong Điền - Thừa Thiên Huế: Có 14 nhà cấp 4 đổ và tốc mái

- Đà Nẵng: 4 nhà cấp 4 bị sập

- Tân Hiệp - Hội An - Quảng Nam: 1 nhà sập và mốt số nhà bị tốc mái.

Đến nay, lực lượng bộ đội Biên Phòng đã giúp 4056 đồng bào di cư tránh bão. Phát quần áo, chăn màn và các thiết bị thiết yếu. Trong số này Quảng Nam có 2350 người đã được di cư tránh bão.

Bão số 6 có phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió rất mạnh, mưa lớn nên có nhiều khả năng gây lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; vùng ven biển nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều có thể cao từ 3 - 4 mét. Cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo bão tiếp theo.

Nghệ An - Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nhẹ

Do ảnh hưởng của bão số 6, đêm hôm qua và rạng sáng nay (1/10) tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa, gió trong đất liền cấp 3 cấp 4, biển động.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 19

Tại Hà Tĩnh, mưa to, gió lớn cộng với triều cường đã gây sóng biển dữ dội tại đê biển dài 8km thuộc 3 xã Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội (huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) có khả năng bị sóng đánh vỡ. Huyện Nghi Xuân đã huy động hơn 2 ngàn người cùng lực lượng dân quân, quân đội, công an, nhân dân ứng cứu. Trong ảnh: Lực lượng ứng cứu tại đê biển huyện Nghi Xuân. Ảnh: Ngô Mỹ -TTXVN

7h 30 sáng: Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Hoàng Đình Hà cho biết sau khi nhận được tin bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, nhiều hộ dân di dời tránh bão tại các xã Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Trường…đã chuẩn bị trở về nhà của mình.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của bão số 6 tại vùng bãi ngang Hà Tĩnh như thế nào? Chủ tịch Hà nói: “Kém hơn một cơn giông. Sóng biển không to lắm, mưa rải rác vài nơi”.

Sáng nay, 1/10, tại TP Vinh, Nghệ An, trời âm u vì nhiều mây, nhưng người dân đã ra đường và mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như  thường lệ.

Đà Nẵng : Tan hoang trong bão ảnh 20
Đến 21giờ ngày 30/9/2006, tỉnh Hà Tĩnh đã di dời được gần 30.000 người người thuộc 5 huyện ven biển. Riêng huyện Nghi Xuân 7.900 người, trong đó có 3 trường hợp cưỡng chế. Trong ảnh: trẻ em, người già xã Xuân Trường (Nghi Xuân) được đưa về điểm trường tránh bão. Ảnh: Ngô Mỹ - TTXVN

Vietnam Airlines huỷ, hoãn thêm các chuyến bay vì bão

Trưa nay, 1/10, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) đã có thông báo mới nhất về việc tạm hủy bỏ các chuyến bay nội địa đi và đến Đà Nẵng, Huế và Nha Trang vì bão. Các chuyến bay này bị tạm thời huỷ đến khi có thông báo mới.

VNA cũng thông báo huỷ các chuyến sáng và trưa từ Hà Nội đi TP.Hồ chí Minh và ngược lại bị. Các chuyến bay có giờ bay từ 14 giờ đến 21 giờ 30 phút vẫn bay bình thường.

Hành khách đã đặt chỗ và mua vé trên các chuyến bay bị huỷ trên sẽ được chuyển đổi hành trình bay, đổi ngày bay theo nhu cầu mà không phải trả thêm bất kỳ khoản lệ phí nào.

Hành khách có thể liên hệ ngay với các phòng vé và đại lý của VNA trên toàn quốc để được hướng dẫn chi tiết.

Địa chỉ liên hệ của VNA tại các thành phố chính của Việt Nam:

- Tại Hà Nội: Phòng vé số 1 Quang Trung. Điện thoại: 04- 8320320.

- Tại Đà Nẵng: Phòng vé số 35 Trần Phú. Điện thoại: 0511-811111.

- Tại Tp Hồ Chí Minh: Phòng vé 116 Nguyễn Huệ. Điện thoại: 08 - 8320320.

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG