Đà Nẵng xây dựng bộ tiêu chí 'thành phố đáng sống'

Đà Nẵng hướng đến là “thành phố đáng sống” tầm khu vực và quốc tế. Ảnh: Phan Chung
Đà Nẵng hướng đến là “thành phố đáng sống” tầm khu vực và quốc tế. Ảnh: Phan Chung
TPO - Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh bộ tiêu chỉ để xây dựng “thành phố đáng sống”. Lâu nay, danh hiệu này chỉ mới là cảm nhận của du khách khi đến thành phố này.

Ngày 27/2, Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến của lãnh đạo các sở ban ngành về Bộ tiêu chí xây dựng “thành phố đáng sống” của Đà Nẵng. 

Ban tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng cho biết, thuật ngữ “thành phố đáng sống” trên thế giới hiện nay được dùng với hàm nghĩa cơ bản là thành phố quản trị tốt để có sự phát triển hài hòa cả về kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội một cách bền vững nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phấn đấu trở thành “thành phố đáng sống” là mục tiêu, động lực của Đà Nẵng để bước vào sân chơi giữa các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Để cụ thể hóa các mục tiêu, thành phố cần xây dựng bộ tiêu chí “thành phố đáng sống” làm cơ sở đánh giá, đo lường các lĩnh vực hàng năm.

Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu học tập kinh nghiệm tiêu chí thành phố sống tốt của GS. Mike Douglass (Đại học Hawaii, Hoa Kỳ), tiêu chí thành phố đáng sống của EIU (Anh) , tiêu chí chất lượng sống của Mercer… Đồng thời cũng dựa trên kinh nghiệm của TP HCM, kết quả điều tra xã hội học và thực tiễn Đà Nẵng, kết quả nghiên cứu của viện nghiên cứu kinh tế xã hội thành phố.

Bộ tiêu chí xây dựng “thành phố đáng sống” gồm sáu nhóm tiêu chí: tiêu chí phát triển con người; tiêu chí quản lý, tiêu chí cơ sở hạ tầng; tiêu chí môi trường kinh tế; tiêu chí môi trường sống và tiêu chí đời sống văn hóa - xã hội.

Sáu nhóm tiêu chí này được chia thành 28 tiêu chí cụ thể như: người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao; người dân có chỗ ở ổn định, giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; GDP bình quân đầu người, an toàn vệ sinh thực phẩm, cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của tổ chức cá nhân qua việc được phục vụ dịch vụ công; giao thông đi lại thuận tiện; giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Đà Nẵng xây dựng bộ tiêu chí 'thành phố đáng sống' ảnh 1

Ban tuyên giao Thành ủy Đà Nẵng lấy ý kiến của các sở, ban ngành về bộ tiêu chí "thành phố đáng sống". 

Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Lâu nay nói “thành phố đáng sống” là để xây dựng hướng đến nhưng không có mục đích rõ ràng. “Thành phố đáng sống” chủ yếu là cảm nhận của du khách khi đến thành phố cảm thấy an toàn, thân thiện, trong lành, sạch sẽ, thoáng mát và nghĩ đó là “đáng sống”. Tuy nhiên, cảm nhận của chính người dân của thành phố về thành phố, sự hài lòng về điều kiện sống, về dịch vụ y tế, giáo dục, sự phục vụ..cần phải đặt lên bàn, đưa ra từng tiêu chí để phấn đầu và đầu tư nguồn lực.

Theo ông Dũng, Đà Nẵng đã có những chương trình hết sức nhân văn, ý nghĩa như chương trình “thành phố 5 không, 3 có”, hiện tại đã và đang xây dựng chương trình “thành phố 4 an”. Đây là những tiêu chí sơ khởi ban đầu để tham khảo, để xây dựng bộ tiêu chí hoàn chỉnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng phòng quản lý đô thị (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Phải có lộ trình để dần dần tiến lên không thể ngay từ đầu nhận ngay là thành phố đáng sống. Đô thị Đà Nẵng hội tụ nhiều thành phần di cư, nhập cư, nhiều quốc tích.. để quản lý phải dùng pháp luật. Do đó tinh thần thượng tôn pháp luật cần đưa lên đầu, bên cạnh đó cần xây dựng, duy trì lối sống có nghĩa có tình trong đời sống hàng ngày. Do vậy pháp luật phải tạo hành lang về thể chế và chính sách cũng như hạ tầng kỷ thuật để ngươi dân thực thi pháp luật.

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP) cho biết: để xác định được bộ tiêu chí nào cho chuẩn là điều không dễ. Cẩn phát triển một bộ tiêu chí chung, trên cơ sở đó từng bộ phận, cá nhân, ngành nghề xác định những tiêu chí riêng, không nên gom hết vào làm một lần, phải phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thành phố. Bất cứ tiêu chí nào cũng phải tạo được sự hài lòng cho người dân sống trong môi trường đó, theo nhu cầu của con người: như cầu đảm bảo sự tôn trọng, sự thể hiện bản thân, an toàn, hội nhập,…

Đặc biệt, cần xác định đối tượng nào để đánh giá thành phố đáng sống hay không? Là những người dân thành phố hay người ngoài đến? Hiện nay, việc phát triển du lịch, đảm bảo điều kiện sống cho người dân thành phố luôn tồn tại những mâu thuẫn.Vì vậy, cần ưu tiên làm sao để tăng sự hài lòng của người dân.

Ông Đặng Việt Dũng cho rằng: không phải có thể đạt được ngay các tiêu chí và các tiêu chí cần phải được nâng cao, gần sát với chuẩn quốc tế. Nhưng cơ bản phải được có khung tiêu chí trước. Trên tinh thần cuộc họp tham vấn, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy. Khi có chủ trương của Thành ủy và sẽ lấy ý kiến tham vấn toàn xã hội để đưa ra bộ tiêu chí chuẩn.

MỚI - NÓNG