Đà Nẵng xử lý chứ không chôn lấp rác
TPO - Sáng 17/5, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có buổi thị sát, làm việc tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) và Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Tại bãi rác Khánh Sơn, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay đã tập trung nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như phủ đất toàn bộ diện tích của tầng rác đầu tiên khoảng 27.000m2, nâng tần suất phun chế phẩm sinh học lên 4 lần/ngày, phủ bạt HDPE cho hơn 55.000m2...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, nói: “Để đảm bảo giải quyết vệ sinh môi trường, thành phố sẽ di dời bãi rác tới xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), với diện tích 100ha. Năm 2017 sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng bãi rác mới, đồng thời đấu thầu công nghệ hiện đại nhất để xử lý rác thải, 90% rác sẽ được xử lý chứ không chôn lấp”.
Ông Tuấn cho biết thêm sau này, sẽ có kế hoạch chỉnh trang, cải tạo bãi rác cũ thành công viên cây xanh vì nằm gần tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái.
Theo Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh, việc xây dựng bãi rác mới là một trong những dự án ưu tiên trọng điểm của thành phố trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
Cùng ngày, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc tại nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo báo cáo của ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), trong vòng 7 năm (từ 2000 – 2007), trước khi có thủy điện, Dawaco chỉ có 26 ngày bị nhiễm mặn. Nhưng trong vòng 7 năm trở lại đây, từ khi có thủy điện hoạt động có đến 661 ngày bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm có 77,8 ngày, gấp 21 lần so với trước đây.
Đặc biệt, kể từ khi nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động (2012), có đến 558 ngày bị nhiễm mặn. Nguyên nhân chính là do thủy điện Đăk Mi 4 khi vận hành phát điện đã chuyển một nửa lưu lượng trong mùa khô của sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện. Mỗi năm thủy điện này lấy đi khoảng 1.2 tỷ m3 nước, tức gần 40% lượng nước sông Vu Gia.


Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng đề nghị xây đập ngăn mặn sau cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ để hạn chế xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước từ biển, tận dụng khai thác nguồn nước sông Yên và sông Túy Loan.
Đối với nhà máy nước Hòa Liên, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho hay chính phủ Nhật đã tài trợ nguồn vốn khoảng 30 triệu USD, thông qua doanh nghiệp Nhật triển khai.
Dự án này sẽ xây dựng vào năm 2020. Ông cũng cho biết thêm sẽ kêu gọi xã hội hóa để sớm triển khai nhà máy nước Hòa Trung với công suất khoảng 15.000m3/ngày.
Cùng chuyên mục

TPHCM đề xuất trả lương chuyên gia dạy lái tàu metro hơn nửa tỷ đồng/tháng

Bộ Nội vụ yêu cầu Vĩnh Phúc báo cáo trường hợp bổ nhiệm con gái Bí thư Tỉnh uỷ

Phát hiện quả bom 227 kg còn nguyên kíp nổ ở Quảng Bình

Thiếu tướng Tô Ân Xô nói về việc khen thưởng trong vụ án Trịnh Xuân Thanh

Hà Nội: Nhà máy đốt rác Thiên Ý nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày, kể từ 1/5

Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 thế nào?

Bất ngờ bên trong 13 ‘thùng bánh’ trên xe khách giường nằm Bắc - Nam
