Đại biểu bức xúc vì luật vừa thông qua đã sửa

Đại biểu bức xúc vì luật vừa thông qua đã sửa
TP - Một số ĐBQH đề nghị phải thay đổi cơ chế xây dựng pháp luật kém hiệu quả hiện nay, tại phiên thảo luận tổ về Dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, chiều 2-11.

> Chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền Việt Nam
> Cần thống nhất vào một đầu mối

Các ĐB cho rằng, công tác làm luật còn nhiều hạn chế, đó là tình trạng luật khung, luật ống, xa rời cuộc sống; chất lượng luật kém, hiệu quả thấp, không đi vào cuộc sống, hoặc sau một thời gian ngắn ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), Ban soạn thảo Luật chưa chuyên nghiệp, lãnh đạo các bộ ngành nhưng thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp. Các chuyên viên mới ra trường đi họp thay, chỉ biết ghi chép thụ động về báo cáo.

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế thu hút các chuyên gia giỏi nên luật không bám cuộc sống là đương nhiên. “Cử tri cho rằng chúng ta có cả rừng luật nhưng thực tế có khi lại phải giải quyết bằng luật rừng. Một bộ phận coi khinh pháp luật, không sợ pháp luật.” - ĐB Đương nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, có lẽ chỉ trừ Bộ Tư pháp, các bộ khác đều thiếu nhân lực làm luật. Ngay Bộ Y tế, quanh đi quẩn lại mấy ông luật gia phải làm hết luật này đến luật khác, rất vất vả, mà khó đảm bảo chất lượng.

Một số ĐB cũng cho rằng, cách làm luật hiện nay không ổn. Ví dụ, vừa qua tách luật Khiếu nại-Tố cáo ra làm hai luật, tới đây lại có thêm Luật tiếp công dân nữa, dễ gây chồng chéo. Hay có Luật xử lý vi phạm hành chính, lại dự kiến có thêm Luật xử lý hành chính trong hoạt động tòa án, có Luật đo lường lại thêm Luật đo đạc bản đồ…vừa tốn giấy mực vừa lãng phí.

Nhìn vào dự kiến chương trình làm luật QH khóa XIII, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhận xét, với một nửa số dự án (47/96) là dự án luật sửa đổi, chứng tỏ luật không đi vào cuộc sống.

Luật cần thì chưa có, luật có lại chưa cần

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) kiến nghị, nhiệm kỳ này cần tập trung làm những luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Dự kiến cuối năm 2013 thông qua Hiến pháp sửa đổi, cần hoàn thiện ngay các luật về tổ chức nhà nước để áp dụng từ đầu nhiệm kỳ mới 2016. Một số ĐB cho rằng, cần tập trung vào những vấn đề bức thiết của cuộc sống, thay vì tình trạng “cái cần thì không làm”.

Một số luật chưa cần thiết, thậm chí có thể chỉ cần ban hành bằng một nghị định sẽ tốt hơn như Luật thư viện.... “Không nên làm luật theo kiểu luật dễ thì làm trước, khó bỏ lại. Cái gì cuộc sống đặt ra, bức thiết thì phải có luật”- ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) nói.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị UBTVQH báo cáo trong 67 luật nhiệm kỳ khóa XII có bao nhiêu luật có hiệu lực pháp luật có đủ các văn bản hướng dẫn, bao nhiêu luật chưa thể thực thi. “Luật Xuất bản, Luật thi hành án dân sự thông qua tháng 11-2008 bây giờ đã đưa vào kế hoạch sửa đổi thì phải xem lại trách nhiệm tập thể, cá nhân tham gia vào soạn thảo”- ĐB Hà nói. Trong khí đó, Luật Biển đưa ra từ năm 1994 đến nay vẫn chưa ra được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG