Đại biểu Hà Nội không đồng tình việc xử lý cán bộ vô cảm

Đại biểu Hà Nội không đồng tình việc xử lý cán bộ vô cảm
Liên quan đến vụ cô gái bị đày đọa suốt 13 năm giữa thủ đô, song đến nay chỉ có mỗi ông tổ trưởng dân phố bị mất chức, nhiều đại biểu HĐND Hà Nội không đồng tình với mức chỉ xử lý phê bình nghiêm khắc cán bộ phường sở tại.

>> Chỉ mỗi ông "vác tù và" bị mất chức ?
>> Toàn cảnh vụ cô gái bị đày đọa

Đại biểu Vũ Đức Tân (quận Ba Đình): Phải nặng hơn, nghiêm hơn

Đại biểu Hà Nội không đồng tình việc xử lý cán bộ vô cảm ảnh 1

Ông Vũ Đức Tân

Việc hành hạ trẻ em trong một thời gian dài ở ngay giữa thủ đô là điều không thể chấp nhận được. Chỉ nhờ lòng thương cảm của một bà lão nên vụ việc mới được lôi ra ánh sáng, trong khi rất nhiều người biết. Do vậy, phường không thể không biết. Tôi nghĩ, ở đây có yếu tố vô cảm và họ đã quen với điều đó.

Cán bộ phường lẽ ra phải rất quan tâm đến đời sống của người dân. Nếu xã hội không quan tâm, cán bộ phường không sâu sát thì chắc sẽ còn nhiều trường hợp bị lạm dụng như cháu Bình. Nếu chừng nào cấp chính quyền cơ sở không tốt thì sẽ vẫn còn những vụ việc gây hậu quả lớn.

Việc cán bộ phường bảo rằng dân không báo nên không biết thực ra là một hình thức vô cảm. Trước hết nên nhận trách nhiệm về mình, sau đó mới tính đến chuyện giải quyết vụ việc. Thế nên mức xử lý cán bộ ở đây cũng phải nặng hơn, nghiêm hơn.

Đại biểu Ngô Văn Ni (huyện Từ Liêm): Cán bộ cơ sở quá quan liêu

Đại biểu Hà Nội không đồng tình việc xử lý cán bộ vô cảm ảnh 2

Ông Ngô Văn Ni

Chính quyền cơ sở quá quan liêu nên mới bảo không nắm được tình hình địa phương. Việc bà cụ 70 lên tiếng cứu giúp cháu Bình chứng tỏ sự vô cảm của những người có chức có quyền. Điều này cũng cho thấy, cán bộ cơ sở của chúng ta hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Đảng ủy, chính quyền và dưới nữa là Công an, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên... lẽ ra phải biết tình hình của dân. Tổ trưởng dân phố tất nhiên cũng có trách nhiệm nhưng họ không nằm trong 4 cấp chính quyền mà chỉ do dân bầu.

Việc xử lý kiểm điểm, cảnh cáo là quá nhẹ, lẽ ra nên thay thế. Nếu người nào liên tục đảm nhiệm chức vụ ở phường, kể cả về chính quyền, Đảng và đoàn thể thì sẽ phải bị xử lý nặng nhất. Còn những người làm các khóa trước nhưng đã nghỉ thì cũng cần nhắc nhở.

Đại biểu Bùi Thị An (quận Hai Bà Trưng): Phải xử lý những người ở cấp cao hơn.

Đại biểu Hà Nội không đồng tình việc xử lý cán bộ vô cảm ảnh 3
Bà Bùi Thị An

Trong chừng mực nhất định, thành phố xử lý như vậy là rất kịp thời. Tuy nhiên, cần phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan để xử lý cho đúng. Việc xử lý đúng không chỉ giúp trấn an dư luận mà còn có tác dụng răn đe để không còn lặp lại những vụ như thế.

Khi xem xét toàn bộ tổng thể vấn đề thì không chỉ tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ bị bãi nhiệm mà còn phải xử lý những người có trách nhiệm ở cấp cao hơn.

Ngày 30/11, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ em Nguyễn Thị Bình bị đầy đọa nhiều năm.

Quận ủy Thanh Xuân đã phê bình nghiêm khắc Đảng ủy, UBND phường Nhân Chính; phê bình và rút kinh nghiệm Đảng ủy và UBND phường Thượng Đình. Bà Nguyễn Thị Huyền Mùi - Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Nhân Chính, và ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, cũng bị khiển trách.

Giám đốc Công an Hà Nội cũng quyết định kỷ luật cảnh cáo Trung tá Lê Đình Tỏa - cảnh sát khu vực công an phường Nhân chính, khiển trách Trung tá Nguyễn Văn Hà - cảnh sát khu vực công an phường Thượng Đình. Chỉ huy công an phường Nhân Chính, Thượng Đình, Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội công an quận Thanh Xuân bị phê bình nghiêm khắc do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhân khẩu trên địa bàn.

Theo Vnexpress

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG