​ Đại biểu QH đề nghị mở rộng tranh cử, tăng ứng viên để nhân dân lựa chọn

ĐBQH Bùi Văn Phương. Ảnh Như Ý
ĐBQH Bùi Văn Phương. Ảnh Như Ý
TPO - Đồng tình tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị mở rộng tranh cử, tăng số ứng viên đại biểu Quốc hội để nhân dân lựa chọn. Qua đó, nên mở rộng đối tượng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia ứng cử.  

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội. Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, khi ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội, cần lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì cũng nên mạnh dạn từ chối sự đề cử đó. “Sắp đến chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV, rất mong các cấp bộ, đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như cá nhân của mỗi người cần lưu ý những điều này”, ông Trí cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Hà Nội còn đề nghị Quốc hội xem xét kiến nghị trước đó của Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu về việc Quốc hội nên họp mỗi năm 4 kỳ, thay vì 2 kỳ như hiện nay. Theo ông Trí, việc tổ chức nhiều kỳ như vậy sẽ không quá dài, lại thuận lợi cho các đại biểu địa phương trong việc cập nhật và xử lý công việc.

Giải đáp về đề xuất này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Hiến pháp đã quy định Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ. Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Chính vì vậy, ông Lưu đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hiện nay.

Đồng tình tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị mở rộng tranh cử, tăng số ứng viên đại biểu Quốc hội để nhân dân lựa chọn. Qua đó, nên mở rộng đối tượng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết tham gia ứng cử.

Không hài lòng khi các quy định đại biểu có phần chung chung, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, nếu chỉ có tiêu chuẩn chung thì “soi” vào đâu cũng thấy đại biểu Quốc hội. “Nếu dễ như thế thì chất lượng đại biểu Quốc hội sẽ ra sao? Đại biểu Quốc hội phải có am hiểu nhất định về các lĩnh vực từ kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng...Đại biểu không thể nói việc này không biết vì chưa được học”, ông Phương nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, hiện T.Ư Đảng đã có quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ thì đại biểu Quốc hội cũng phải cần được quy định cụ thể ngoài 5 tiêu chuẩn chung đã quy định.

MỚI - NÓNG