Đại biểu Quốc hội 'bức xúc' bàn cách giảm thuế, phí

Đại biểu Quốc hội 'bức xúc' bàn cách giảm thuế, phí
TP - Thảo luận Dự thảo Luật Phí và lệ phí chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có các giải pháp để phí, lệ phí không thể trở thành thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của dân. Đồng thời không để phí, lệ phí trở thành khoản để bù đắp thiệt hại do tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Đã nuôi bộ máy còn phải “còng lưng” gánh phí

Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kom Tum) đề nghị nghiên cứu tách dịch vụ công, hành chính công ra thành hai loại hình khác nhau. Theo đó, những dịch vụ hành chính thuần công thì Nhà nước không thu phí, lệ phí; ngược lại, những dịch vụ mang tích công ích thì đóng góp như quy định.

“Dịch vụ hành chính thuần công là nhiệm vụ của chính quyền thì chính quyền phải có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ dân. Bởi dân đã đóng thuế lấy tiền nuôi bộ máy hành chính, thì không có cớ gì đến xin con dấu, chữ ký thôi cũng phải đóng phí. Những việc đó dân đương nhiên phải được hưởng, Nhà nước không nên thu bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào”, ông Tám đề nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, những dịch vụ công phải được chi trả bằng tiền thuế, chứ không nên bắt dân đóng góp. “Theo quy tắc công bằng thì phí, lệ phí được trả bởi những người có nhu cầu sử dụng một số dịch vụ mà những người khác không có nhu cầu. Do đó, những dịch vụ công mà toàn dân đều sử dụng thì phải được chi trả bằng tiền thuế mới phù hợp”, ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cũng cho rằng, quy định nguyên tắc xác định mức thu phí đảm bảo bù đắp chi phí, đảm bảo công bằng là không phù hợp. Nếu chỉ vì hiệu quả hoạt động của bộ máy kém mà lại đi bắt người dân phải đóng phí, lệ phí cao là không được.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, có những loại dịch vụ công nếu có thu phí thì cũng chỉ là để bù đắp một phần, còn bản chất là trách nhiệm phục vụ nhân dân của nền hành chính công. Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá. Nếu quyết định chuyển thì phải có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh tạo ra cú sốc đối với người dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Không lấy phí bù đắp thiệt hại do tham nhũng

Đại biểu Quốc hội 'bức xúc' bàn cách giảm thuế, phí ảnh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị không lấy phí, lệ phí để bù đắp cho tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Như Ý

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc sửa đổi luật lần này phải đảm bảo không để phí, lệ phí trở thành thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của dân. Dân đã đóng nhiều loại thuế, trong đó có thuế thu nhập thì không nên bắt dân móc thêm tiền túi trả phí, lệ phí cho các dịch vụ công nữa. Không lấy phí, lệ phí bù đắp cho thiệt hại do tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, phí các dự án BOT thu trên các tuyến quốc lộ quá cao. “Có những dự án làm hoàn toàn trên nền đường cũ và nhà đầu tư chỉ rải thêm một tý mặt đường. Thế mà cuối cùng lại thu phí quá cao, khiến người dân phàn nàn. Tôi nghĩ cần phải giám sát chặt cái này để bảo đảm quyền lợi của người dân”, ông Sơn đề nghị. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cảnh báo, việc thu phí, lệ phí phải tương xứng với chất lượng dịch vụ công mà Nhà nước, tổ chức cung cấp. Nếu quan hệ này không cân xứng thì thuế và lệ phí sẽ trở thành công cụ tận thu, là gánh nặng cho người dân.

Đề nghị xử lý hình sự nếu ban hành phí trái phép

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), rà soát của các cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, đang tồn tại đến 131 khoản phí, lệ phí nằm trong và ngoài quy định, trong đó, riêng nông dân phải hứng chịu 93 loại phí. Doanh nghiệp không những phải hứng chịu phí chính thức bất hợp lý mà còn phải “gánh” cả phí không chính thức, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm thu nhập của nông dân. Ông Tuấn đề nghị, Dự thảo Luật Phí và lệ phí lần này phải có những quy định để chấm dứt tình trạng ban hành phí, lệ phí một cách tràn lan, tùy tiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, Dự thảo luật đã xây dựng quy định danh mục phí, lệ phí nhằm đảm bảo việc thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng tự ban hành và thu các loại phí ngoài danh mục, tạo gánh nặng và gây bức xúc cho người dân như trong giai đoạn vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong luật nguyên tắc không bổ sung thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung danh mục.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, quy định trên vẫn chưa chắc chắn, cần phải bổ sung các quy định để tránh hiện tượng sau khi Chính phủ ban hành các nghị định liên quan Luật Phí và lệ phí thì tình trạng “phí chồng phí”, “phí chồng thuế” lại diễn ra. “Tôi đề nghị phải quy định rõ trong luật là hằng năm, Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục chi tiết về phí, lệ phí. Chứ nếu Quốc hội cứ giao khoán cho Chính phủ mà không có kiểm tra giám sát thì “phí chồng phí” dễ  lặp lại như trước”, bà Tâm nói. ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào luật quy định xử lý hình sự những đơn vị, cá nhân ban hành các khoản phí, lệ phí trái phép.

Phí đường bộ xe khách Hà Nội - TPHCM: 1,5 triệu đồng/lượt

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, với mỗi lượt xe khách (40 ghế ngồi) họ phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/lượt cho các trạm thu phí trên QL1.

Là nhà xe mỗi ngày có 5 chuyến xe khách xuất phát từ các bến xe Hà Nội chạy bến xe miền Đông (TPHCM), đại diện nhà xe có tên viết tắt H-P cho biết, họ phải mua vé đi qua gần 10 trạm thu phí dọc QL1. “Với dòng xe khách 45 chỗ ngồi, mỗi lượt lái xe chúng tôi phải trả khoảng 1,5 triệu đồng tiền phí qua các trạm thu phí trên QL1, cả đi cả về là 3 triệu. Với 5 xe chạy, mỗi lần xuất bến và trở về nhà xe chúng tôi hết 15 triệu đồng”, đại diện nhà xe H-P nói. Theo đại diện nhà xe H-P, sở dĩ số tiền phải chi cho các trạm thu phí hiện nay cao gấp đôi, gấp ba so với 2 năm trước là do lượng trạm BOT xuất hiện nhiều. Riêng từ Hà Nội vào đến Ninh Bình chưa đến 100 km nếu 3 năm trước đây mỗi lượt xe khách qua trạm Đồng Văn hết 50.000 đồng, thì nay mất hơn 350.000 đồng/lượt cho trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ngoài các trạm thu phí BOT là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, hiện QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ còn có 14 trạm phu phí BOT đã và đang hình thành. Nếu tính giá 2.500 đồng/km như trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình đang tính cho xe khách từ 40 chỗ trở lên thì số tiền từ Hà Nội vào đến Cần Thơ sắp tới sẽ là 4,2 triệu cho 1.700 km.             

   Anh Trọng

Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh việc lạm thu phí

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ phản ánh về tình trạng thu phí, đóng góp của người dân không đúng quy định ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/11. Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu phí, đóng góp của nhân dân tại một số xã thuộc huyện Can Lộc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng quy định.       

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.