Đại biểu Quốc hội bức xúc vì chuyện giá cả

Đại biểu Quốc hội bức xúc vì chuyện giá cả
TP - Nông dân chiếm 72% dân số và đa số là thu nhập thấp, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng quá cao làm cho đa số nông dân và người thu nhập thấp không được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng GDP.
Đại biểu Quốc hội bức xúc vì chuyện giá cả ảnh 1

Đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đây là nội dung bức xúc nhất khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ngày thứ hai về KT-XH, hôm qua (29/10). Bức xúc ấy khiến Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã phải đăng đàn giải trình về vấn đề này.

Giá tăng, người nghèo lại  khổ thêm

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cho rằng, người dân nói chung, đặc biệt là nông dân, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Theo ĐB này, người nghèo ở nông thôn (có mức thu nhập đầu người dưới 200.000đ/tháng, nghĩa là mức sống cỡ dưới 6.000đ/ngày) thì để đáp ứng rất nhiều nhu cầu như ăn, ở, mặc, đi lại, học hành và nhiều nhu cầu khác, với tốc độ tăng giá tiêu dùng như hiện nay thì mức sống này hết sức chật vật.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cho rằng, cộng đồng những người thu nhập thấp so với cộng đồng người thu nhập cao khoảng cách thu nhập đến trên 20 lần.

“Thực trạng thu nhập này tôi thấy có gì bất ổn trong đời sống xã hội hiện nay. Giá cả thì luôn phi mã, còn nhóm người thu nhập thấp lại cưỡi rùa đuổi theo!” - Ông Nhơn ví von.

ĐB Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) chỉ rõ hơn rằng, phải có chính sách để bình ổn giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Trong khi giá cả nông sản vẫn bấp bênh, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, thì các DN, đặc biệt là các DN được hưởng sự ưu đãi nhất định của Nhà nước trong kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp lại kiếm lợi nhuận rất cao, đôi khi là siêu lợi nhuận...

“Chẳng hạn phân bón rất quan trọng với nông dân, nhưng giá phân sản xuất trong nước nhiều lúc lại cao hơn nhập khẩu, như vậy người dân luôn luôn bị đặt trong tình trạng phải chịu nhiều chi phí, trong khi giá nông sản lại không tăng cùng với giá vật tư nông nghiệp” - ĐB Thưởng nói.

Có nguyên nhân từ điều hành của Chính phủ!

Trước ý kiến bức xúc của các ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (ĐBQH tỉnh Nam Định) đã phải đăng đàn phát biểu về chuyện giá cả và chuyện phí, lệ phí đối với nông dân.

Theo ông Ninh, nguyên nhân của việc giá cả tăng cao vừa qua, ngoài việc do tình hình thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, các nguyên nhân khách quan (giá thị trường thế giới liên tục tăng cao), cũng có nguyên nhân chủ quan liên quan đến điều hành của Chính phủ.

“Hầu hết các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào đều tăng (nguyên liệu sản xuất thuốc tăng 75 - 114%; nguyên liệu sữa tăng 30 - 120%. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 13 - 58%; phân bón nhập khẩu tăng 19 - 27%; phôi thép tăng từ 33 - 36%; xăng tăng 42%; giá tăng 21%...).

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tăng, và vì vậy chúng ta vẫn nhập khẩu từ nước ngoài một phần rất lớn (nguyên liệu sản xuất sữa phải nhập 80%, sản xuất thuốc lá trên 60%, phôi thép nhập trên 60%, gas nhập trên 60%, xăng tới gần 100%). Và theo đó, giá trong nước cũng phải tăng theo, đây là điều bất khả kháng!” - Ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, về điều hành chính sách, do vốn đầu tư nước ngoài tăng rất lớn, gây sức ép làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, bởi thế Chính phủ phải  tăng mua ngoại tệ. Chính phủ cũng chủ động điều chỉnh một số mặt hàng theo kinh tế thị trường, ví dụ xăng, điện, than để xoá bỏ bù lỗ. Nhưng như thế lại tạo thêm sức ép dẫn đến tăng giá.

Ông Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, do tác động của tăng giá lương thực, thực phẩm thì chỉ có một bộ phận rất nhỏ nông dân có lợi, còn đại bộ phận, nhân dân bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Ninh, Chính phủ đã và đang cố gắng thực hiện các giải pháp giúp nông dân như: Tìm mọi cách để giảm đóng góp các khoản phí, lệ phí. Chính phủ đã công bố bãi bỏ 340 loại lệ phí không nằm trong danh mục Pháp lệnh phí, lệ phí đã công bố; và tiếp tục yêu cầu địa phương nếu có các khoản phí, lệ phí nằm ngoài danh mục thì phải bãi bỏ ngay. Năm 2008 miễn thủy lợi phí cho nông dân, và sắp tới Chính phủ sẽ miễn thêm phí an ninh Quốc phòng, phí phòng chống lụt bão...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.