Đại biểu Quốc hội: Không cấm nhưng phải nhận diện 'taxi công nghệ'

ĐBQH không cấm nhưng phải nhận diện được taxi công nghệ khi chạy trên đường
ĐBQH không cấm nhưng phải nhận diện được taxi công nghệ khi chạy trên đường
TPO - Cho quan điểm về Nghị định 86 sửa đổi đang đang được Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện và thực trạng quản lý xe “taxi công nghệ” hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, chúng ta ủng hộ công nghệ, ủng hộ những cái mới nhưng cũng cần bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình, nhất là không để thất thu cho Nhà nước.

Phải có người chịu trách nhiệm?

Ngay sau khi dự thảo lần 8 sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, trong đó đề xuất quy định, xe sử dụng phần mềm đón khách như Grab phải có hộp đèn “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe đã gây ra nhiều tranh luận, đặc biệt là các đơn vị đang ứng dụng phầm mềm này.

Trước vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 86 là hết sức cấp thiết. Bởi đây là vấn đề quan trọng, bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra sự thay đổi rất lớn, tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực vận tải.

“Chúng ta ủng hộ công nghệ, cái mới nhưng cũng cần bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình, nhất là không để thất thu, trốn tránh nghĩa vụ thuế”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, taxi công nghệ hay truyền thống đều là loại hình kinh doanh vận tải có thu tiền nên cần có sự minh bạch. “Gắn lô gô hoặc có mào để phân biệt taxi truyền thống với taxi công nghệ hoặc xe của tư nhân chạy hợp đồng cũng là một cách, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hòa lưu ý.

Đặc biệt ông Hòa băn khoăn, nếu có sự cố xảy ra, như trấn lột hành khách, tai nạn giao thông thì các công ty taxi công nghệ có phải đồng hành, chịu trách nhiệm cùng với tài xế không? “Có chịu trách nhiệm thì mới đảm bảo sự an toàn cho hành khách”, ông Hòa nói.

Từ đó vị đại biểu cho rằng, việc nhận diện taxi công nghệ là cần thiết. Khi đó, ai có chất lượng phục vụ tốt, giá thành hợp lý thì người dân sẽ lựa chọn.

Cũng theo ông Hòa, hiện nay do cách thức quản lý còn nhiều hạn chế nên việc nhận diện xe taxi công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể biết được đây là xe được phép kinh doanh vận tải hay là xe cá nhân, xe của gia đình. Từ đó dẫn đến việc thất thu thuế, trốn thuế.

Khẳng định, taxi công nghệ có nhiều tính ưu việt, giúp người sử dụng có thêm nhiều lựa chọn nhưng ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế quản lý cụ thể về mặt nhà nước đối với loại hình dịch vụ mới này.

Phải công bằng, lành mạnh

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ, công tác quản lý nhà nước cũng cần thay đổi phương thức. Thay vì giám sát bằng người, sẽ giám sát, theo dõi bằng camera hành trình, hộp đen lắp trong xe. “Xe nào vi phạm tuyến đường cấm/giờ cấm đường sẽ phạt tự động.  Chính vì thế, taxi truyền thống có mào nên mặc định nhận biết, phân biệt được bằng mắt thường. Còn Uber, Grab không gắn mào, như xe bình thường nên họ không bị cấm đường/cấm giờ ở nhiều vị trí… Xét khía cạnh này, thì đúng là taxi truyền thống thêm thiệt thòi”, ông Cường nói.     

Từ thực tế trên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần coi Grab, Uber là loại hình kinh doanh vận tải hành khách có tổ chức và có cách thức quản lý phù hợp, bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc từng đặt ra vấn đề: Chủ trương cho phép taxi công nghệ thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã ngưỡng, cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.

Với Grab và Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (con số Grab, Uber khó kiểm soát vì nó "tàng hình" khó biết con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động), từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông. 

MỚI - NÓNG