Đại biểu Quốc hội không sát dân là 'mất điện'

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội. Ảnh: VB
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội. Ảnh: VB
TP - Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội ngày 9/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với người dân “như điện với ắc quy”.

Đọc hộ bài người khác là... “mất điện”

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ người tử tế mới xứng đáng là đại diện của dân. Do vậy mỗi đại biểu Quốc hội trước tiên phải là người ưu tú, gương mẫu, gần dân, sát dân chứ không phải đứng trên dân. “Có ông bộ trưởng nào lên diễn đàn mà không sợ dân? Có ông Chủ tịch Quốc hội, người điều hành Quốc hội nào nói theo kiểu đứng trên dân? Được nhân dân đồng tình, ủng hộ, giám sát, đóng góp ý kiến mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề cập đến mối quan hệ khăng khít giữa đại biểu Quốc hội với người dân, Chủ tịch Quốc hội ví von: “Dân như điện còn mình là ắc quy, có nạp điện thì ắc quy mới chạy được. Nhiều anh đọc hộ người khác, nói linh tinh là không có ắc quy rồi, mất điện rồi. Không bám sát được hơi thở cuộc sống của nhân dân thì... tắt điện”.

“Dân như điện còn mình là ắc quy, có nạp điện thì ắc quy mới chạy được. Nhiều anh đọc hộ người khác, nói linh tinh là không có ắc quy rồi, mất điện rồi. Không bám sát được hơi thở cuộc sống của nhân dân thì... tắt điện”.

Chủ tịch Quốc hội 
Nguyễn Sinh Hùng

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, cần đề cập đến vấn đề biển Đông. Bởi theo ông Sơn, việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 trái phép ra biển Đông là một vấn đề chính trị lớn trong nhiệm kỳ vừa qua. Trước tình hình đó, Quốc hội đã có những hoạt động tích cực, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đã gửi thư đến tất cả các nghị viện thế giới, và được họ ủng hộ. Ngoài ra tại các phiên khai mạc, bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập nhiều đến vấn đề biển Đông...

“Chính các hoạt động, cách làm đó của Quốc hội đã góp phần ổn định tình hình, xây dựng đất nước. Vấn đề biển Đông nên đề cập, có thể đưa vào phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong báo cáo nhiệm kỳ”, ông Sơn đề nghị.

Dành khoảng 12 ngày quyết định nhân sự

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ được điều chỉnh theo hướng bổ sung 2 nội dung: Trình Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề có liên quan. Bên cạnh đó, dự kiến chương trình sẽ rút kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội khóa XIV quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).

Riêng về công tác nhân sự được bố trí thời gian trong dự kiến chương trình kỳ họp, sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, Tổng Thư ký sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung chi tiết. Theo dự kiến chương trình, từ ngày 4/4 đến 16/4, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Chương trình cụ thể sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị. Như vậy, thời gian dành cho công tác nhân sự đã được tăng lên, lúc đầu dự kiến trong 3 ngày, sau đó nâng lên 7 ngày và đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên 12 ngày.

Theo kế hoạch, thời gian tiến hành kỳ họp thứ 11 sẽ kéo dài trong 22,5 ngày, khai mạc vào ngày 21/3 và dự kiến bế mạc vào ngày 16/4/2016.

Sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới cho một số Ủy viên Bộ Chính trị đang giữ chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM... Bên cạnh đó, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đương nhiệm cũng không tái cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới, như Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh...

MỚI - NÓNG