Đại biểu quốc hội: Không xây nhà trên móng của người khác

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà. Ảnh Như Ý
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà. Ảnh Như Ý
TPO - Bà Lê Thu Hà, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, nếu dựa trên xuất khẩu và FDI thì chúng ta "đang xây nhà trên móng của người khác".   

“Dĩ bất biết, ứng vạn biến”

Phát biểu tại Quốc hội sáng 5/11 về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đánh giá, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, tiến bộ, tiêu chuẩn cao và minh bạch, không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ...

“CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam”, ông Ngân nêu.

Trả lời câu hỏi tại sao các nước mời Việt Nam tham gia vào CPTPP ? Đại biểu đoàn TP HCM cho rằng, các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam, đất nước đã thành công sau hơn 30 năm đổi mới. Bên cạnh đó, họ muốn nhắm tới thị trường 95 triệu dân của Việt Nam, coi đây là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.

Một cơ hội rất lớn, khi tham gia CPTPP, theo ông Ngân đây là thị trường rất lớn, với trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD. Vì thế, Việt Nam khi xuất khẩu phải quan tâm tới chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, sức ép của CPTPP “nhẹ nhàng hơn” so với TPP. Tuy nhiên, ông lưu ý, đây là thời điểm cần thiết để Việt Nam tiếp tục điều chỉnh những điều kiện trong nước chưa phù hợp về thể chế, luật pháp, đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để phù hợp với CPTPP.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, những cơ hội mà Hiệp định mang lại, như tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân… Đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Theo ông Lộc phải, Việt Nam phải dự kiến được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi Hiệp định nghiêm túc mà còn phải khôn ngoan, chủ động vận dụng theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Cùng với đó, cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Không “xây nhà trên móng người khác”

Đại biểu Lê Thu Hà, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, sự chuyển biến nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến nền kinh tế thế giới, chuyển sang mô hình phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo…

Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của CPTPP, đồng thời chịu sự tác động bất lợi của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như sa lầy vào vị trí bất lợi trong phân công lao động quốc tế, chịu hệ lụy của làn sóng đào thải các ngành, công nghệ cũ do các nước đẩy mạnh đổi mới công nghệ.

Theo bà Hà, một vấn đề đặt ra là, phương thức công nghiệp hóa lấy xuất khẩu và thu hút FDI là động lực có còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh thương mại công nghiệp 4.0 nữa không? “Thực tế, nếu dựa trên xuất khẩu và FDI thì chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác”, bà đánh giá.

“Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp”, bà cho hay.

Theo đại biểu, CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng được những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đối tác nói trên, tạo sức hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả, nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời,  đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

MỚI - NÓNG