Đại biểu Quốc hội lo ngại chuyện 'cặp bồ'

Đại biểu Quốc hội lo ngại chuyện 'cặp bồ'
TP - Ngày 26/11, thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi, ĐBQH còn băn khoăn hệ lụy việc mang thai hộ. Có ĐB đề nghị chưa nên quy định.

> Mang thai hộ dễ nhiều biến tướng
> Cho phép mang thai hộ nhưng cấm quan hệ trực tiếp

Mang thai hộ - ít khi tự nguyện

 “Kết hôn vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân, không ai bị buộc phải kết hôn, nhưng ai ai cũng buộc phải tuân theo Luật Hôn nhân và gia đình một khi người đó đã đăng ký kết hôn”.  

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng)

Nhiều ĐB đồng tình quy định mang thai hộ tuy nhiên không ít còn tỏ ra băn khoăn vì điều kiện mang thai hộ thiếu chặt chẽ, dễ dẫn đến thương mại, biến tướng. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng bản chất mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thời gian qua một số cặp vợ chồng đã áp dụng biện pháp này song Nhà nước không quản lý được. Cần có quy định cụ thể để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ sinh ra.

Theo ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cả nước có gần một triệu cặp vợ chồng không thể tự có con nên nhu cầu mang thai hộ rất lớn. “Tuy nhiên, hệ lụy của nó không nhỏ. Mang thai hộ lúc đầu thì có tính chất nhân đạo nhưng về sau mang tính chất thương mại; có những trường hợp thách đố không bàn giao trẻ cho những người nhờ mang thai hộ hoặc không nhận lại đứa trẻ, cũng gây khó khăn cho người mang thai hộ” - Bà Duyền dẫn chứng.

Trong khi đó, ĐB Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng) cho rằng thực tế ít có trường hợp tự nguyện mang thai hộ ngoại trừ chị, em gái, người thân trong họ tộc, nhưng cũng phải được sự đồng ý của chồng.

Cần thời gian thu thập thêm ý kiến

Cũng theo ĐB Lê Văn Hoàng, các cặp vợ chồng không có khả năng sinh sản thường thỏa thuận với người mang thai hộ một số điều kiện và lợi ích để được mang thai hộ. “Nếu sự thỏa thuận giữa hai bên chỉ bằng miệng sau khi sinh người con, người mang thai hộ không giao đứa trẻ hoặc sinh đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ thì giải quyết ra sao, chưa kể người mang thai hộ dùng đứa trẻ để vòi vĩnh thì giải quyết ra sao?” - ĐB Hoàng lo ngại.

“Nếu thỏa thuận hai bên thể hiện bằng hợp đồng thì đây là giao dịch dân sự, ý nghĩa mang thai hộ không còn giá trị nhân văn. Chúng ta mới chỉ nghĩ nhân đạo cho người không mang thai được, còn người mang thai hộ có nhân đạo không và thậm chí là vấn đề nhân đạo với đứa trẻ mới sinh ra nữa. Đó là vấn đề cần đặt ra trước khi quyết định đưa vào luật. Theo tôi, chưa nên quy định việc mang thai hộ vào luật, cần có thời gian để thu thập thêm ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn của xã hội”- ĐB Hoàng nói.

Không cấm hôn nhân đồng giới

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết lần sửa đổi này quy định nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Nhưng đồng giới sống với nhau, coi nhau như vợ chồng đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng giới dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện sự mong muốn được nhà nước công nhận và công nhận quyền được sống theo dạng giới và khuynh hướng tính dục của mình.

“Mặc dù pháp luật hiện hành cấm việc kết hôn giữa những người đồng giới nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng giới đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước cũng phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này” - Ông Tuyết nói.

“Trong điều kiện nước ta, nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới tính nhưng cũng không can thiệp bằng những biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh hướng tính dục của họ. Quy định như vậy theo tôi là phù hợp” - ĐB Tuyết nói.

Theo các ĐB hiện nay có 16 quốc gia công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Đa số các quốc gia cũng không cấm việc kết hôn những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của họ.

Lo ngại chuyện “cặp bồ”

Vấn đề chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn cũng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cho rằng nhiều trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng một bên hoặc cả hai bên đã kết hôn.

Quan hệ hôn nhân này vẫn đang có giá trị pháp lý thì việc giải quyết hệ quả của các cặp đôi này theo các quy định của dự án luật chưa hợp lý, nhất là đối với quy định suy đoán con chung của vợ chồng như quy định tại Khoản 1, Điều 92, về xác định cha mẹ.

“Việc giải quyết hệ quả của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn chỉ áp dụng đối với nam, nữ còn độc thân không tồn tại quan hệ hôn nhân đang có giá trị pháp lý với người thứ ba” - ĐB Trang kiến nghị.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhấn mạnh, việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến hậu quả là vô hiệu hóa các quy định và pháp luật về đăng ký kết hôn, làm cho một bộ phận không nhỏ nhân dân không thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG