Đại di dân tại Kinh thành Huế: Nỗi niềm thành lũy

TP - Huế sắp bước vào cuộc đại di dân lịch sử ra khỏi Kinh thành vốn có lịch sử hình thành hơn 200 năm. Với hàng vạn nhân khẩu phải dời đến nơi ở mới. Đằng sau cuộc di dân “có một không hai” này là nỗi niềm, ký ức về cuộc sống treo, sống bám đằng đẵng gần nửa thế kỷ, là nguyện ước, cùng những chồng chất lo toan chuyện cơm áo tương lai trước ngày “pháo lệnh” di dân điểm hỏa.

Thành lũy, đài trấn, hay các khu nhà làm việc của quan quyền thời nhà Nguyễn từng là nơi cấm tuyệt người dân xâm phạm. Thế rồi, vật đổi sao dời, sau khi Nguyễn triều cáo chung năm 1945, tiếp đó là chiến tranh bom đạn triền miên, cũng là lúc con người vì chiến nạn, thiên tai, hay đơn giản mong có một mảnh đất cắm dùi nên đã “chiếm cứ”, thậm chí được bố trí ở trong vùng 1 di tích đặc biệt. Cuộc "bám trụ" Kinh thành đó đến nay đã gần nửa thế kỷ.

Nửa thế kỷ gặm mòn di sản

Lần đó Festival Huế 2006. Lễ hội này có tour du lịch “Ấn tượng Huế xanh” khám phá khu vườn treo của các nông dân Kinh thành canh tác những ruộng rau, luống hoa xanh mướt trên vùng thượng thành Huế. Đây là nơi không ít người mơ mộng ví là “vườn treo Babylon” đất Cố đô.
Khi tham quan theo tour, nhiều du khách vừa hào hứng về sản phẩm du lịch xanh độc đáo, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng vì dưới những “vườn treo” xanh mướt kia là vô số khu nhà ổ chuột, nhà chòi chỉ với diện tích vài chục mét vuông một căn, đã tồn tại qua hàng chục năm, với 3-4 thế hệ cùng “sống treo” trong đó.

Hoàng Sơn - người thuộc giới chuyên môn quy hoạch kiến trúc là bạn từ Nam ra theo tour, được tôi dẫn đi “khám phá” khu ổ chuột Thượng thành đã thở dài lo ngại: “Tiền nhân để lại cho Huế một gia tài vô giá, nhưng thật đáng tiếc con người đã làm nó biến dạng, một ngày nào đó có thể chả còn gì. Vài năm nữa, nếu Huế không tính chuyện di dời dân “sống bám” ra khỏi Kinh thành, thì khó khăn sẽ chồng chất cho cả hai phía, gồm chính quyền và cả những người dân sống mòn, sống khổ trên di sản văn hóa hiếm có này”.

Lần ấy, khi leo lên thăm một dãy nhà “treo” trên Thượng thành đoạn cặp theo đường Xuân 68 (phường Thuận Thành, Huế), chúng tôi gặp anh Trần Ty, với cuộc sống bộn bề kham khó. Mới đây, theo đoàn khảo sát các hộ dân sống trên Thượng thành, tôi tình cờ ghé lại căn nhà cheo leo của anh Ty. Sau 13 năm, ngôi nhà tạm bợ giờ xuống cấp còn trầm trọng hơn, vì không được phép xây mới hay sửa chữa. Cuộc sống gia đình anh cứ vậy, vẫn bị trùng trùng khó nghèo vây bủa sau hơn 40 năm leo bờ thành tạm cư. Thành lũy quanh nhà anh cũng xuống cấp, lở mòn, nứt đổ vì con người và thời gian tàn phá.

Vẫn chất giọng buồn lo như ngày nào, anh Ty than: “Hơn 40 năm với biết bao thay đổi, nhưng nhà cửa của chúng tôi ở đây vẫn thế. Do nhà nằm trong đất di tích, không được phép cơi nới, sửa chữa nên từ lâu đã hư hỏng. Cuộc sống quá khó khăn, không có điều kiện mua đất làm nhà ra riêng, nên cả gia đình 3 thế hệ gồm 10 nhân khẩu đành chấp nhận tá túc nơi này để chờ đợi đến lúc được di dời”.

Đại di dân tại Kinh thành Huế: Nỗi niềm thành lũy ảnh 1 Bức tường thành không còn vẹn nguyên theo thời gian và sự tàn phá của con người
Khi tôi nghé mắt qua ngôi nhà xập xệ gần bên, anh Ty nói, đó là một nơi sống khổ khác qua hàng chục năm nay của gia đình ông bà La Văn Quê và Võ Thị Mai. Gia đình này có đến 8 nhân khẩu suốt gần nửa thế kỷ qua vẫn ở trong căn nhà mái tôn, dựng trên đất thành lũy. Mục sở thị ngôi nhà khổ chênh vênh này, bên trong nhìn lên mái tôn rách “lộ” cả ánh sáng trời. Khu nhà bếp và nhà vệ sinh do để tiết kiệm không gian nên được gia chủ “ép” lùi sát bờ thành di tích.

“Nói gia đình tui sống tạm trên Thượng thành như ri là chưa đủ. Bởi vì, cứ mỗi lần nghe đài báo có mưa bão, cả nhà lại phải xin mấy thầy cô trường Tiểu học Trần Quốc Toản nằm kiên cố, cao tầng bên dưới để tá túc cho an toàn. Năm bão nhiều, cả nhà có đến mấy đận xin ở ké nhà trường như thế”, ông La Văn Quê bộc bạch.

Nhắc đến trường Tiểu học Trần Quốc Toản, tôi nhớ đến một trường hợp tận khổ sống bám ven Thượng thành Huế gần với ngôi trường này, do quá khó khăn nên thường xuyên được thầy cô nơi đây giúp đỡ suất ăn trưa. Đó là trường hợp của cụ bà neo đơn Nguyễn Thị Lý (hơn 70 tuổi). “Rồi đây, thầy cô có thể không còn dịp để mời cơm trưa bà nữa. Không biết rời đi, ai sẽ giúp cơm nước cho bà”, thầy hiệu trưởng Dương Quang Nam trăn trở.

Thành quách oằn lưng gánh nhọc nhằn

Khi cập nhật tư liệu về dân số trong Kinh thành từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế, điều khiến chúng tôi giật mình là tốc độ tăng nhân khẩu của nhóm cư dân “sống bám” này trong khoảng hơn 20 năm lại đây. Ban đầu, dân sống bám trên vùng Thượng thành là do di cư tự phát để tránh chiến tranh bom đạn, hoặc đơn giản từ quê dạt lên phố để mưu sinh. Theo năm tháng, các vùng di tích thuộc Kinh thành Huế bị lấn chiếm diện rộng hơn, trước khi bị quản lý theo quy định pháp luật.

Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTBDTCĐ Huế, hầu hết các hộ dân nơi đây đều sinh sống trước khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận (trước năm 1993). Những hộ “phình” thêm sau này là hộ phụ tách ra do con cái hộ cũ “ra riêng”. “Hàng ngàn hộ dân, với hàng vạn nhân khẩu, sống tạm bợ trên di tích đã gây nên nhiều hệ luỵ nghiêm trọng, làm mất mỹ quan, diện mạo đô thị, ảnh hưởng và làm xuống cấp, biến dạng các công trình kiến trúc, cảnh quan thuộc hệ thống di sản Huế”, ông Phan Văn Tuấn lo ngại.

Lúc còn làm Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, ông Phan Thanh Hải (hiện là Giám đốc Sở VHTT TT-Huế) cũng từng trăn trở: “Việc người dân lấn chiếm đất Kinh thành dựng nhà trú ngụ trên Thượng thành, xả rác, nước thải sinh hoạt... đã làm cho nền đất ngày càng lún sâu, nứt hỏng nhiều chỗ. Dân số nơi đây không ngừng tăng. Cuộc sống hàng ngày của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn và sự bền vững của di tích. Rất nhiều đoạn Kinh thành hiện đã bị vỡ, hỏng, nứt nẻ, sụt lún nặng nề do tình trạng người dân sống ở trên đó. Rồi nước thải sinh hoạt cùng rất nhiều vấn đề liên quan cần phải được xử lý”.

Được biết, theo thống kê của từ cơ quan chức năng, nếu như năm 1995 tại khu vực I di tích Kinh thành Huế có 1.838 hộ dân sống, đến năm 2003 đã tăng thêm 438 hộ. Con số này càng trở nên báo động, khi đến thời điểm sắp diễn ra cuộc di dân lịch sử, vùng Kinh thành Huế đã có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống và buộc phải di dời theo nhiều giai đoạn.

Kinh thành Huế (diện tích 500ha) được xây dựng dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng (1805 đến 1833). Đây là công trình lịch sử có quy mô xây dựng rất lớn lúc bấy giờ, với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối đất, đá với khối lượng công việc khổng lồ, thi công kéo dài trong suốt 30 năm dưới triều Nguyễn. Sau này, Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại vào năm 1993.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.