Đại di dân tại Kinh thành Huế: Sống khổ giữa di tích

Những ngôi nhà di tích vùng 1 chờ sập nhưng nhiều người vẫn cố sống bên trong
Những ngôi nhà di tích vùng 1 chờ sập nhưng nhiều người vẫn cố sống bên trong
TP - Năm 2016, nhiều người bất ngờ khi tỉnh TT-Huế có chủ trương điều chỉnh khoanh vùng khu vực 1 bảo vệ di tích Kinh thành Huế. Không ít lời mỉa mai rằng, Huế di tích “xài không hết” nên xin điều chỉnh thu hẹp. Song, nếu ai tận thấy nỗi khổ sở của nhiều cư dân “vùng 1” có nhà cửa xuống cấp, không được sửa chữa trong khu vực di tích Huế, họ mới hiểu hết cái lý của sự điều chỉnh, mặc dù vẫn không hề đơn giản để làm ngay vì đó là vùng lõi di sản văn hóa thế giới.

Mong mỏi sống cho ra sống

Hôm chúng tôi ghé khu di tích Thượng thư đường Bộ Công (xưa) trên đường Nguyễn Chí Diểu, trời Huế vừa dứt đợt mưa dài. Trên những mái rêu phong rệu rạo xưa cũ chờ sập, nước còn đọng sau mưa lớn nhiều giờ vẫn nhỏ giọt tí tách đều đặn buồn bã xuống những mảnh bạt che ngăn nước dột trước khi chực phóng thẳng vào bếp núc, giường tủ, bàn ghế, gian thờ tổ tiên của một hộ dân.

Bà Võ Thị Nhạn (72 tuổi) đầu đội mũ bảo hiểm đi lại trong ngôi nhà ẩm thấp, tăm tối và dột nát vốn là một phần di tích Bộ Công. Tưởng bà sắp đi đâu đó, tôi vội tiến lại nói với bà là có người xin gặp hỏi thăm chuyện ăn ở của cư dân “vùng 1” Bộ Công một chốc. Bà thản nhiên: “Thì tôi có đi đâu đâu, nhà dột do nước thấm đọng rồi tích tụ lại mái ngói xưa, thêm vào đó thi thoảng lại có những vật dụng hư hỏng từ đâu đó trên cao rơi xuống, sợ trúng đầu nguy hiểm nên tôi phải đội mũ bảo hiểm cho an toàn đấy thôi”.

Đảo mắt một vòng tại nơi ở chật chội “nhà chả ra nhà” của bà Nhạn, tôi thấy bất cứ vật dụng gì dễ hỏng, dễ chập điện nếu gặp nước mưa dột, như nồi cơm điện, tivi, máy giặt, thậm chí cả tủ giường, bàn ghế... đều được người phụ nữ lớn tuổi này cho quây đậy bạt nilon. Ngẫm ra, việc đậy bạt hàng loạt đồ gia dụng tại đây cũng chẳng khác là bao cái cách bà Nhạn đội mũ bảo hiểm để thường xuyên đi lại trong ngôi nhà mục nát vốn một thuở là chốn vàng son quyền quý.

Đại di dân tại Kinh thành Huế: Sống khổ giữa di tích ảnh 1 Bên trong một ngôi nhà cổ có “giếng trời” bất đắc dĩ

Theo lời kể từ người đàn bà có vẻ mặt đầy khắc khoải này, tính đến đầu năm 2019, bà đã có hơn 30 năm sinh sống tại cái nơi mà cũng từ rất lâu rồi chính bản thân bà cũng rất muốn rời bỏ nó mà đi, như chối bỏ một thứ của nợ. “Nhưng biết đi đâu? Ngày xưa làm việc nhà nước được bố trí ở đây. Nay về hưu đã lâu, tiền đâu mà ra ngoài mua đất làm nhà. Thôi đành ráng đợi nhà nước hỗ trợ di dời đi nơi mới, mà không biết từ đây đến khi chết có còn đợi được không?”, giọng người đàn bà đơn chiếc đượm buồn.

Chúng tôi quay lại khu vực Thượng thành, nơi sẽ khởi đầu trong cuộc di dân lịch sử, để gặp vợ chồng ông bà Nguyễn Cư và Hồ Thị Lành (phường Thuận Thành). Nơi ở của họ chênh vênh trên bờ thành đã có từ hơn 40 năm nay, vốn được vây bằng những tấm ván cũ, mái lợp tôn. Ông Nguyễn Cư kể, sau khi gặp và cưới bà Lành, nhà nghèo không mảnh đất cắm dùi, cả hai dắt díu nhau lên Thượng thành dựng nhà tạm sinh sống kể từ năm 1977 đến nay.

Chồng đạp xích lô, vợ bán hàng rong, rồi nuôi cả bầy con, nên việc “hạ thành” mua đất làm nhà đối với họ chỉ là điều nằm trong mộng. “Nghe nói tháng 9 này, dân Thượng thành được di dời trước tiên so với những vùng di tích khác trong Thành nội, được hỗ trợ cấp đất mần nhà ở. Tôi mừng và mong lắm”, ông Cư thổ lộ.

Đi về đâu?

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được tin, trong hàng ngàn hộ dân di dời lần này, vẫn có những trường hợp có nguy cơ bị “đánh trượt” dù sinh sống lâu nay trên Thượng thành Huế, nhưng mang phận ở thuê ở mướn, sợ rằng không đủ điều kiện hỗ trợ tái định cư theo quy định.
Đó là trường hợp tận khổ của gia đình bà Trần Thị Gái (ngụ phường Thuận Lộc, Huế). Gia đình bà Gái không có nhà, không có đất, không nghề nghiệp ổn định.

Lâu nay, bà Gái và người thân được một chủ nhà tốt bụng cho ở nhờ trong căn phòng nhỏ xây dựng trên khu vực Thượng thành Huế dọc theo đường Xuân 68 (phường Thuận Lộc), xem đó như nhà mình. Quay ngược về quá khứ, với những ai yêu mến nghệ thuật cải lương từ vài chục năm trước, mỗi khi nhắc đến Đoàn Nghệ thuật cải lương Sông Hương hẳn không thể không nhớ đến tên nghệ sĩ Bo Bo Phượng, hay còn gọi là cô đào Thùy Lan. Đó chính là bà Trần Thị Gái hôm nay.

Đoàn cải lương Sông Hương sau đó tan rã, bà Gái cùng chồng là kép chính Minh Tuệ gia nhập Đoàn cải lương Tây Đô. Đoàn này sau ít năm cũng tan nốt. Cả hai ông bà nghệ sĩ nghèo đành phải từ bỏ nghề hát rầy đây mai đó để về quê làm đủ nghề thuê mướn, chạy xe ôm kiếm sống.
Năm 2011, chồng bà Gái trong lúc chạy xe thồ đã lên cơn đau tim rồi qua đời khi mới hơn 60 tuổi. Không nhà cửa, quan tài chồng bà Gái phải bỏ ngoài đường nhờ bà con lối xóm cưu mang.

Chồng chết, bà Gái cũng bị bệnh tim nặng. Lúc đầu còn sấp ngửa đi bán vé số phụ con trai nuôi cháu, nhưng mấy năm nay chỉ nằm nhà. Con trai bà Gái, thật ra là trẻ mồ côi được bà đưa về nuôi dưỡng từ khi còn đỏ hỏn, con dâu là một cô gái Chăm. Cả hai đều mù chữ, chỉ biết làm thuê kiếm sống. Tưởng cuộc sống tạm qua ngày nơi căn phòng trên Thượng thành, thì nay nơi này sắp bị giải tỏa. Cả nhà bà Gái hiện lo lắng không biết sẽ phải phiêu dạt về đâu.

Khi nghe phóng viên nhắc đến gia cảnh đáng thương hiện tại của bà Gái, bà Trần Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, cho biết sẽ lưu ý đến trường hợp bà Gái. Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế Trần Thị Hoài Trâm cho biết, cũng sẽ cho kiểm tra, yêu cầu thành phố báo cáo về thân phận này.

Hay như trường hợp cụ bà neo đơn Nguyễn Thị Lài (trên 70 tuổi) không có nhà cửa phải tạm cư nhờ nhà của một phụ nữ tên Lý ở vùng Thượng thành Huế cạnh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Thuận Thành, Huế). Mỗi sáng, bà Lài được lối xóm giúp cho những tấm quà nhỏ, khi thì gói xôi, bát cháo, có bữa là mì ổ. Riêng suất ăn trưa được Trường Tiểu học Trần Quốc Toản hỗ trợ thường xuyên đã gần 1 năm nay.

“Khi nhà cửa mệ Lý di dời đi theo diện giải tỏa để chỉnh trang Thượng thành Huế, không biết mệ Lài sẽ sống ra sao nữa. Em thấy thương mệ lắm. Nhưng như em biết, mệ Lài là dân tạm cư từ nơi khác đến, không thuộc diện di dời tái định cư, không biết cuộc sống của mệ mai này rồi sẽ ra sao”, thầy Dương Quang Nam, hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ngậm ngùi.

Đề án di dân Kinh thành Huế có tổng cộng khoảng 4.201 hộ dân bị ảnh hưởng (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ). Trong giai đoạn 1 (từ năm 2019-2021), di dời 2.938 hộ để giải phóng mặt bằng tại khu vực Thượng thành, các Eo bầu, Hộ thành hào và tuyến phòng lộ (riêng năm 2019 sẽ di dời khoảng 500 hộ Thượng thành). Giai đoạn 2 (từ năm 2022- 2025), di dời 1.263 hộ tại khu vực các hồ Tịnh Tâm, Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên giám, Xiển Võ từ, Lục bộ, hệ thống hồ 4 phường Nội thành và di tích Trấn Bình Đài…

MỚI - NÓNG