Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam

Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam
TP - Phiên khai mạc Đại hội tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Hà Nội có hơn 1.700 đại biểu đại diện 54 dân tộc anh em trong cả nước.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến dự.

Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với các đại biểu dự Đại hội.
Ảnh: Minh Tuấn

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh công tác chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 25%. Đồng bào dân tộc được sử dụng muối iốt.

Mục tiêu đến năm 2020: Phấn đấu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo. Đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm các xã, thôn, bản; có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học phổ thông...

Nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, Đại hội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng cho các dân tộc thiểu số mà chung cho khối đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số đã luôn cùng đồng bào cả nước một lòng thủy chung son sắt theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức, máu xương cho sự nghiệp chung, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay. Điển hình như việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc còn bất cập, nguồn lực đầu tư hạn chế nên vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc ở nhiều nơi còn thấp kém. Nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền chưa được khai thác, phát huy đúng mức.

Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn thấp. Hệ thống giáo dục, y tế một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị Chính phủ và các bộ ban ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp ngành; Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển.

“Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc; Xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư, phát triển” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Chị Hà Thị Hải Yến (dân tộc Tày):

Muốn góp phần bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Chị Yến đã có bằng Tiến sỹ và đang làm Giám đốc Cty Cổ phần sách Dân tộc. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được giao lưu, gặp gỡ với đại diện của cả 54 dân tộc anh em trong không khí ấm cúng. Tôi sẽ làm tốt hơn công việc của mình là xây dựng nhiều hơn các ấn phẩm về văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc. Hiện nay mỗi năm, doanh nghiệp của tôi triển khai trên 100 đầu sách với 7 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác nhau” - chị Yến cho biết.

Anh A Gái (dân tộc Jarai, Kon Tum):

Hiểu hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

Anh A Gái 35 tuổi, là Trưởng thôn Plei Dưng, xã Hòa Bình (TP Kon Tum), chia sẻ với chúng tôi về những ngày ở Hà Nội. “Được giao lưu, trao đổi về kinh nghiệm làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo của các dân tộc khác, tôi thấy rất vui và bổ ích.

Tôi càng hiểu rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với buôn làng của mình và đồng bào dân tộc thiểu số. Khi trở về buôn làng tôi sẽ tuyên truyền và giới thiệu với bà con về sự quan tâm, chính sách của nhà nước” - anh A Gái nói.

MỚI - NÓNG