Đại nạn đuối nước

Đuối nước đã trở thành đại nạn Ảnh: Nam Cường
Đuối nước đã trở thành đại nạn Ảnh: Nam Cường
TP - Đó là thông điệp từ Hội nghị thế giới phòng chống đuối nước đang diễn ra tại Đà Nẵng. Ở các nước đang phát triển, con số tử vong vì đuối nước lên tới mức báo động, và đại đa số là trẻ em. Việt Nam nằm trong tình trạng báo động đỏ.

> Cháu bé chết đuối trong công viên Đầm Sen

Đuối nước đã trở thành đại nạn Ảnh: Nam Cường
Đuối nước đã trở thành đại nạn. Ảnh: Nam Cường.

Kẻ giết người hàng loạt

Sáng 30 Tết Kỷ Sửu (2009), cả nước bàng hoàng với thảm nạn ở sông Gianh (Quảng Trạch - Quảng Bình). 42 người, trong đó có nhiều trẻ em ở xã Quảng Hải chết thảm dưới đáy sông. Trước đó, năm 2007, trong dịp lễ 30-4, nhiều gia đình thuê thuyền đi chơi ở làng Vân đã gặp thảm họa lật thuyền. 8 người, phần lớn trong đó là trẻ em đã vĩnh viễn ra đi.

Hai thảm kịch đường sông thương tâm trên là những ví dụ điển hình về tai nạn đuối nước mà nguyên nhân chủ yếu là bất cẩn, chủ quan và không được trang bị cách ứng phó tai nạn thường xuyên rình rập này.

Ngoài những vụ chết người hàng loạt, ở Việt Nam không thể kể xiết số vụ lẻ tẻ tai nạn tử vong vì đuối nước, đặc biệt con số trẻ em chết càng ngày càng tăng. Và phải đợi đến thời gian gần đây, vấn đề này mới được nhìn nhận một cách nghiêm túc và có lộ trình giải quyết vấn đề.

Một con đò ngang như thế này có thể gây thảm họa trong tích tắc Ảnh: Nam Cường
Một con đò ngang như thế này có thể gây thảm họa trong tích tắc. Ảnh: Nam Cường .

Tiến sĩ Steve Beerman - Chủ tịch Hội cứu trợ quốc tế (ILS), cho biết, nạn đuối nước là một trong bốn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại nhiều quốc gia châu Á. Ước tính, có khoảng 300.000 trẻ em bị chết đuối ở châu Á hằng năm.

“Nạn đuối nước gây ra những ảnh hưởng khác nhau tại khu vực có dân cư thu nhập thấp. Hiện nay, đuối nước đã lên tới mức báo động đại dịch ở nhiều nước châu Á và là kẻ giết người hàng đầu đối với trẻ em” - TS Beerman nói.

Cũng TS Steve Beerman cho hay, tại các nước thu nhập cao, các chiến dịch cộng đồng cũng và phối hợp đa ngành mạnh mẽ, có sự can thiệp của luật pháp với các quy định bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ chết đuối. Sau nhiều nỗ lực, kết quả đã được giảm, song đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em.

Theo ông Ross Cox - GĐ điều hành dự án TASC (Liên minh an toàn cho trẻ em), Việt Nam dù chưa phải là số 1 về nạn đuối nước trẻ em, nhưng với việc đứng ngay sau Bangladesh - quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất nhì thế giới, có thể nói, tình trạng đuối nước ở Việt Nam cũng đã đến mức báo động đỏ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu của dự án TASC, trẻ có thể đuối nước trong một cái xô chứa vài xentimet nước dưới đáy, trong bồn tắm, chum vại hoặc ở trong một vài ruộng lúa, hố công trình đào ven đường…

TS Patrick Che-to Yeung với bức ảnh con đò với thông điệp: Người lớn nhiều khi vô ý, gây nên thảm họa
TS Patrick Che-to Yeung với bức ảnh con đò với thông điệp:
Người lớn nhiều khi vô ý, gây nên thảm họa .

Dạy bơi cho trẻ, dạy ý thức cho người lớn

Sau khi thu được những kết quả khả quan ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu, dự án chống đuối nước đã được đưa vào một số nước châu Á và châu Phi, nơi có nhiều quốc gia đứng đầu nạn đuối nước. Song, để hiện thực hóa giấc mơ giảm thiểu đuối nước thực không hề đơn giản.

Những ngày diễn ra hội nghị tại KS Furama, TS Patrick Che-to Yeung - Chủ tịch Hiệp hội cứu trợ Hoàng gia Úc ở châu Á - Thái Bình Dương cần mẫn đứng ở tiền sảnh phát sách, thông điệp cho quan khách, đại biểu về phòng chống đuối nước.

"Ngoài việc học bơi, trẻ em tiểu học còn được tiếp thu những kỹ năng sống, ứng phó với các thảm họa như sóng thần, lũ lụt…, mỗi khi được trang bị tốt các kỹ năng ứng phó, tôi tin các em sẽ biết cách chống chọi.

Ví dụ như ở Nhật Bản, với cơn sóng thần vừa rồi, nếu người dân Nhật, đặc biệt là trẻ em không được đào tạo căn bản từ nhỏ về bơi cũng như cách phòng chống đuối nước, tôi tin con số thương vong không dừng lại ở đó." - Ông Ross Cox - GĐ điều hành TASC ở Việt Nam.

Theo TS Che-to Yeung, nhận thức của người lớn là khâu quan trọng nhất trong quá trình phòng, chống đuối nước. TS Che-to Yeung dẫn tôi đến bức ảnh chiếc thuyền tròng trành vì quá đông người, giải thích: Như thế này, làm sao tránh khỏi tai nạn, một khi đã rơi xuống nước, lại không được đào tạo bài bản kỹ năng thích ứng với tai nạn trong nước, cái chết là điều khó tránh khỏi.

“Vì thế, dạy bơi cho trẻ có thể thích ứng với nước, có bản lĩnh, bình tĩnh ứng phó với tai nạn là điều cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải dạy ý thức cho người lớn. Cần phải cho họ biết, lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở nông thôn cũng như thành thị” - TS Che-to Yeung nói.

Cùng quan điểm với TS Ch-to Yeung, ông Ross Cox cho hay, sau 3 năm nghiên cứu vấn đề đuối nước ở Việt Nam, điều ông quan tâm và lo lắng nhất chính là sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.

“Dự án của chúng tôi là phòng chống đuối nước, vì thế, việc tổ chức tập huấn cho các giáo viên thể chất tiểu học, để sau này đội ngũ này sẽ là cốt cán dạy bơi cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, với người lớn, tôi nghĩ chúng ta cần ý thức hơn nữa. Vì thế, công tác tuyên truyền là rất quan trọng”.

Theo ông Ross Cox, dự án dạy cho trẻ em cách tránh, ứng phó với tai nạn và cách cứu bạn, cứu người thân như thế nào. Được biết, hiện nay đã có 15 ngàn em trong số 66 ngàn học sinh tiểu học ở Đà Nẵng được đào tạo bơi. Đó là một ví dụ khá sinh động về việc đại nạn đuối nước ngày càng được nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm hơn.

Ông Pete Perterson - Chủ tịch TASC, kết luận: Chúng ta không chỉ nghiên cứu, và cũng không nghiên cứu quá nhiều về các con số, điều quan trọng là hành động, tìm kiếm giải pháp mang lại kết quả cụ thể”.

Thống kê năm 2010 của Bộ Lao động - thương binh - xã hội cho biết, tỷ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì lý do này, độ tuổi chủ yếu từ 7 đến 15. Mười lăm tỉnh có số tử vong do đuối nước cao nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định... Hằng năm trung bình mỗi tỉnh có hơn 100 trẻ em và vị thành niên chết vì lý do này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG