Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng
TPO - Đúng 10 giờ sáng nay, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael W. Marine có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong, bắt đầu tham gia buổi giao lưu trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày thiết lập quan hệ Việt - Mỹ (12/7/1995 – 12/7/2006).
Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 1
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael W. Marine tại trụ sở báo Tiền Phong. Ảnh Hồng Vĩnh

Trong những năm qua, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Tháng 6 năm ngoái, lần đầu tiên, Thủ tướng của  một nước Việt Nam thống nhất thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên trong vòng 30 năm và đặc biệt là sau 10 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ. Vào tháng 11 tới, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống G. Bush cũng sẽ tới Việt Nam.

Hai bên đã ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 31/5 vừa qua. Trên các lĩnh vực khác như Y tế, giáo dục, văn hóa, rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích, hợp tác chống khủng bố, chống ma túy… đều có bước phát triển đáng ghi nhận.

Bắt đầu buổi giao lưu trực tuyến, Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam đã có bài phát biểu. Chúng tôi xin trích đăng toàn bộ bài phát biểu:

Bài phát biểu của ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền phong, tại buổi khai mạc cuộc giao lưu bàn tròn trực tuyến về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ     

Kính thưa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngài Michael Marine,

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 2

Ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền phong, tại buổi khai mạc cuộc giao lưu bàn tròn trực tuyến

Thưa các bạn thân mến,

Năm 2006 là năm rất đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là thời điểm kỷ niệm một năm sau chuyến thăm mang tầm vóc lịch sử tới Mỹ của Thủ tướng Việt Nam ngày đó là Ngài Phan Văn Khải. Sau chuyến thăm này, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đi vào thực chất và sống động hơn. 

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã liên tục chứng kiến nhiều chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cao cấp ngành lập pháp, hành pháp và các nhà kinh doanh lớn của Hoa Kỳ: Chủ tịch Hạ Viện Dennis Hastert, Bộ Trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Cựu binh James Nicholson, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Tập đoàn phần mềm máy tính Microsoft - tỉ phú Bill Gates, và giữa lúc này tại Cảng Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh đang neo đậu hai tầu hải quân của Mỹ sang thăm xã giao Việt Nam.

Cuối tháng 5 vừa qua, sau 12 vòng đàm phán căng thẳng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Những ngày này tại Washington D.C, những người bạn Mỹ của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đ• và sẽ kinh doanh ở Việt Nam đang vận động Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua Qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập WTO trong năm nay.

Một sự kiện rất quan trọng nữa cũng đang được hai bên chờ đợi là chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống George W. Bush vào tháng 11 tới.

Thưa Ngài Đại sứ Michael Marine,

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 3
Ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền phong

Thưa các bạn,

Nhật báo Tiền phong là một trong những tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu của Việt Nam, phát hành trên toàn quốc, được bạn đọc đặc biệt là những người ở tuổi thanh niên yêu mến.

Báo Tiền phong điện tử có lượng độc giả hàng triệu người trong nước và cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bao gồm cả hàng triệu Việt kiều tại Mỹ.

Đến nay, Tiền phong Online đã thực hiện nhiều cuộc bàn tròn trực tuyến với các nhân vật nổi tiếng - những người được nêu trong các tin nổi bật hàng ngày của báo chí Việt Nam với các độc giả của báo Tền Phong trên toàn thế giới.

Trong đó có cuộc giao lưu trực tuyến với Giáo sư và sinh viên Đại học Ohio của Mỹ; cuộc giao lưu của Ông Mitchell Wolf - Trưởng đại diện Quĩ  phòng chống HIV/AIDs của Chính phủ Mỹ tại Việt Nam và các anh hùng trong cuộc đấu tranh chống nạn dịch AIDS.

Và hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh có Ngài Đại sứ Michael Marine  vui lòng tới đây giao lưu trực tuyến với các độc giả của báo Tiền Phong về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO trong năm nay cũng như tương lai của mối quan hệ giữa hai nước.

Tôi hân hạnh tuyên bố khai mạc cuộc giao lưu trực tuyến giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine và các độc giả của báo Tiền Phong.

Xin cảm ơn Ngài Đại sứ Michael Marine,

Cảm ơn các bạn.

Ngài Đại sứ, Michael W. Marine phát biểu:

Tôi xin cảm ơn Báo Tiền Phong đã mời tôi tới đây hôm nay để trò chuyện với người dân Việt Nam.  Tuần này, chúng ta kỷ niệm lần thứ 230 ngày độc lập của Hoa Kỳ. 

Đây là một ngày lễ quan trọng đối với người Mỹ, là lúc chúng tôi suy ngẫm về lịch sử, nền tự do và quyền tự do của mình.  Đây cũng là thời điểm tốt để suy ngẫm về mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, để hiện trạng và chiều hướng phát triển mối quan hệ đó. 

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 4
Ngài Đại sứ, Michael W. Marine phát biểu. Ảnh: Hồng Vĩnh

Sau khi kỷ niệm lần thứ 10 ngày bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm ngoái, chúng ta đã có nhiều thành công mà chúng ta có thể kể đến, và còn nhiều việc vẫn đang chờ ở phía trước. 

Chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hoa Kỳ năm ngoái là một sự kiện lịch sử, và chúng ta mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Bush tới Việt Nam vào mùa thu này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEC.

Trong khi Việt Nam tiếp tục lập các kế hoạch để chuẩn bị tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ trong nỗ lực này và trong tất cả các cuộc cải cách kinh tế, pháp luật và tư pháp mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành. 

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương giữa hai nước chúng ta bắt đầu có hiệu lực vào năm 2001, thương mại hai chiều đã tăng gần gấp sáu lần từ 1,5 tỷ đô la vào năm 2001 lên 7,8 tỷ đô la. 

Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã và đang đẩy nhanh sự hợp tác của chúng ta về một số lĩnh vực khác, trong đó có cúm gia cầm, HIV/AIDS, nhân quyền và tự do tôn giáo, trao đổi văn hoá và đại học, và các chuyến thăm cấp cao.  Tình hữu nghị giữa chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay vững chắc hơn bao giờ hết. 

Tôi rất lạc quan về tương lai tương sáng ở phía trước chúng ta.  Xin cảm ơn về cơ hội được nói chuyện với độc giả của quý báo ngày hôm nay, và tôi mong nhận được các câu hỏi từ các độc giả.

Sau phát biểu của Đại sứ Michael Marine , phóng viên Tiền Phong đã đặt một số câu hỏi:

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải?

Đại sứ Michael Marine: Có lẽ trả lời cho câu hỏi này đã được tôi trả lời trong bài phát biểu khai mạc cuộc giao lưu vừa rồi. Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn rằng quan hệ song phương giữa hai nước đang trở nên ngày càng mạnh hơn theo từng tháng. Quan hệ đó được phát triển trên nhiều lĩnh vực, có lẽ tôi khó mà tìm được lĩnh vực nào trong quan hệ song phương giữa hai nước không phát triển.

Sắp tới Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu về PNTR cho Việt Nam, theo ông cuộc bỏ phiếu này có nhiều trở ngại không? Quan điểm của ông về cuộc bỏ phiếu này?

Đại sứ Michael Marine: Chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống Bush ủng hộ việc thông qua PNTR cho Việt Nam.

Hiện nay Văn phòng đại diện thương mại của Hoa Kỳ là cơ quan hàng đầu của chúng tôi đang làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để thông qua qui chế này cho Việt Nam.

Việc thông qua một đạo luật như thế này ở Quốc hội thường là dịp người ta xem xét lại một cách không chính thức toàn bộ khía cạnh của mối quan hệ song phương.

Sự xem xét đó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại. Sẽ có một số thành viên của Quốc hội muốn xem xét một số khía cạnh khác của quan hệ song phương, trong đó có khía cạnh về nhân quyền và tự do tôn giáo chẳng hạn.

Bản thân tôi rất tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua PNTR cho Việt Nam. Vấn đề ở đây là thời gian, liệu Quốc hội Hoa Kỳ có kịp thông qua PNTR cho Việt Nam trước kỳ nghỉ vào tháng 8 hay không.

Thủ tục bỏ phiếu về PNTR tại Quốc hội Mỹ diễn ra thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Quá trình để Quốc hội xem xét thông qua PNTR có hai giai đoạn, thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đều phải thông qua dự luật về PNTR này. Các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ ủng hộ sẽ phải trình dự luật ra Quốc hội.

Giai đoạn thứ hai là điều trần. Các nhân chứng sẽ ra trình bày trước Thượng và Hạ viện về quan điểm của họ, ý kiến của họ liên quan đến nội dung dự luật đang được trình ra Quốc hội. Đồng thời quá trình này sẽ có rất nhiều dân chúng Hoa Kỳ gửi tới Quốc hội những ý kiến của họ qua thư, email, hoặc trực tiếp gặp các nghị sĩ để bày tỏ ý kiến về dự luật đó.

Hiện nay đã có một liên minh rất mạnh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ việc Quốc hội thông qua PNTR cho Việt Nam. Bên cạnh đó lại có một nhóm khác có lợi ích khác trong các ngành dệt may, v.v.

Trong Quốc hội Hoa Kỳ lịch  làm việc dầy đặc. Các nhà lãnh đạo Quốc hội sẽ quyết định khi nào xem xét từng dự luật cụ thể. Khi tiến hành xem xét họ cân nhắc tất cả những thông tin mà họ có được đưa ra quyết định có thông qua hay không? Nếu cả hai viện Hoa Kỳ đều thông qua dự luật đó thì tiếp theo dự luật sẽ được chuyển lên Tổng thống Hoa Kỳ để ký phê chuẩn.

Trong trường hợp hai Viện Quốc hội vẫn còn những ý kiến bất đồng thì Quốc hội sẽ lập ra một Hội đồng có đại diện của mỗi bên để cùng nhau trao đổi, hiệp thương các ý kiến đó.

Theo ông, triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ như thế nào sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

Đại sứ Michael Marine: Rõ ràng là việc Việt Nam gia nhập WTO là một bước rất quan trọng đối với Việt Nam và đó sẽ chứng tỏ sự xác nhận tích cực sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Trong quá trình này, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã làm được rất nhiều việc trong việc điều chỉnh cơ cấu pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam điều đó làm cho Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà đầu tư  nước ngoài. Cũng như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đã dẫn tới sự tăng trưởng to lớn về thương mại hai chiều trong quan hệ giữa hai nước, tôi dự đoán rằng việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ là chất xúc tác để dẫn tới sự phát triển tăng vọt về các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 5
Đại sứ Michael W. Marine. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tiếp đó, Đại sứ Michael W. Marine trả lời các câu hỏi trực tuyến của độc giả

Thưa ngài Đại sứ, ông có cho rằng quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là bất công khi mà các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp phải những rào cản vô hình khi thâm nhập thị trường Mỹ? (Võ Duy Nghi, 38 tuổi, 80 Bạch đằng TP Đà nẵng)

Đại sứ Michael W. Marine: Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước là không công bằng. Tôi nghĩ tình hình ngược lại mới đúng. Kể từ khi hai nước bắt đầu thực hiện quan hệ bình thường thương mại từ  tháng 12/2001, xuất khẩu của hàng hóa VN vào Hoa Kỳ tăng vọt.

Qua đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng triệu người dân VN được hưởng lợi từ việc gia tăng thương mại giữa hai nước.

Điều đó không có nghĩa các hệ thống của hai nước không có vấn đề gì cần phải điều chỉnh, chẳng hạn như vụ kiện cá da trơn và vụ kiện tôm. Nhưng tôi cho rằng, công nghiệp cá da trơn và tôm đã phục hồi nhanh chóng sau vụ kiện này.

Xin ông cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ hợp tác như thế nào với Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chống tham nhũng? (Công lý, 27 tuổi)

Đại sứ Mỹ Michael Marine: Chính phủ Hoa Kỳ tham gia cùng với chính phủ VN ở nhiều cấp độ khác nhau trong việc chống tham nhũng. Vấn đề này đã được thảo luận trong nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao.

Ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế do các cơ quan phát triển của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ VN trong việc xây dựng các văn bản, trong đó có vấn đề chống tham nhũng.

Thông điệp của chúng tôi cũng tương tự  như các nhà tài trợ: Việt Nam phải giải quyết một cách có hiệu quả nạn tham nhũng, nếu không sẽ mất đi sự hấp dẫn của thị trường.

Tuy nhiên, việc chỉ ra được những vấn đề tham nhũng là chưa đủ, mà cần phải có những hành động thiết thực để trừng phạt những kẻ tham nhũng, cũng như tiến hành đầy đủ các thay đổi mang tính hệ thống để triệt tiêu các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng.

Việc Mỹ cấp PNTR vĩnh viễn cho VN liệu có phải là cái "bắt tay thân thiện" sau nhiều năm bị ngăn cách bởi những hậu quả của chiến tranh?

Đại sứ Michael Marine: Việc thông qua qui chế PNTR cho Việt Nam không chỉ là vì chúng tôi muốn có một cử chỉ tốt đẹp cho Việt Nam, mà còn bởi vì Quốc hội chúng tôi tin rằng điều đó phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và nhiệm vụ của quốc hội  Hoa Kỳ là đem lại lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ.

Như tôi đã nói ở trên, mỗi thành viên của Quốc hội trước khi tiến hành bỏ phiếu sẽ phải cân nhắc tất cả những thông tin mà họ có được để quyết định có bỏ phiếu thông qua hay không.

Ông có thể cho biết cảm nhận của mình về lãnh đạo mới của Việt Nam? (nguyen dinh khiem, 26 tuổi, vu thu-thai binh)

Đại sứ Michael Marine: Tôi đã tới Việt Nam được 22 tháng, trong thời gian đó, tôi đã có dịp gặp gỡ phần lớn các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam trong đó có ngài Chủ tịch và Thủ tướng mới, tất nhiên lúc đó họ đảm nhận nhiệm vụ khác.

Tôi mong đợi sẽ được tiến hành nhiều cuộc thảo luận hơn nữa với các nhà lãnh đạo này trên cương vị mới của họ. Tôi cũng mong đợi được gặp gỡ các vị Bộ trưởng và các vị phó Thủ tướng Chính phủ mà tôi chưa có dịp được gặp.

Trong tất cả các cuộc gặp gỡ của tôi với các quan chức VN, tôi nhận thấy họ đều chú trọng vào vấn đề phát triển kinh tế và tìm cách nâng cao đời sống của người dân. Tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo mới vẫn sẽ duy trì được mối quan tâm của họ tới những vấn đề như vậy.

Thưa Đại sứ, liệu trong chuyến thăm chính thức tới đây đến Việt Nam, Tổng thống Bush có mang theo món quà gì đặc biệt hay không? (Thu Thủy, Đà Nẵng).

Đại sứ Michael Marine: Hiện nay các công việc chuẩn bị cho chuyến  thăm của Tổng thống Bush đang được tiến hành. Nhưng tôi không ở vị trí có thể nói được rằng  người  ta sẽ mang cái gì trong hành lý.

Tôi tin chắc rằng Tổng thống Bush sẽ mang theo mình sự tò mò tìm hiểu về Việt Nam và thiện chí của nhân dân Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Ông có chương trình đi thăm những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, những nạn nhân của cuộc chiến trang do Mỹ gây ra hay không? (Nguyen Trung Hieu, 20 tuổi, Hà Nội)

Đại sứ Michael Marine: Tôi thường xuyên đi thăm các địa phương ở Việt Nam, cho tới nay đã tới thăm 36 tỉnh thành. Trong những chuyến đi thăm như vậy, tôi thường tới thăm những người khuyết tật, trong đó có trẻ em. Những nơi tôi tới thăm là những nơi được hỗ trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ hoặc các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ.

Thực tế, chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 33 triệu đô la để giúp đỡ và giải quyết nhu cầu của những người khuyết tật tại Việt Nam trong 15 năm qua.

Chúng tôi làm việc này để hỗ trợ những người khuyết tật mà không quan tâm tới nguyên nhân gây ra khuyết tật của họ. Họ là những người cần được giúp đỡ.

Vấn đề tác nhân da cam hay chất dioxin là một vấn đề rất quan trọng và rõ ràng cần phải chú ý nhiều hơn.

Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với chính phủ Việt Nam để tìm hiểu phương thức để hai bên có thể cùng hợp tác để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường ở những nơi mà tác nhân da cam đã được lưu trữ và sử dụng.

Những nhà tài trợ khác như Ford Foundation, UNDP cũng đã làm việc tích cực trong lĩnh vực này.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để bắt đầu giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề tổn hại môi trường dựa trên những nghiên cứu khoa học có cơ sở vững chắc.

Hơn nữa, chúng tôi cũng quan tâm tới việc tham gia nghiên cứu khoa học về khả năng xảy ra những tổn hại về sức khỏe con người do phơi nhiễm với chất da cam.

Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, các quan chức và các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam cần phải thông tin tốt hơn về vấn đề này cho người dân Việt Nam.

Ví dụ ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân gây ra khuyết tật. Vì vậy, tôi nghĩ, việc mô tả tất cả các trường hợp khuyết tật đều do chất da cam gây ra là không chính xác.

Đại sứ đánh giá thế nào về cộng đồng người Việt tại Mỹ? (Trần Hiền, 50 tuổi, tranhien37@yahoo.com)

Đại sứ Michael Marine: Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa hai nước chúng ta.

Mỗi lần tôi trở về Mỹ, tôi đều cố gắng gặp gỡ các đại diện của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ để chia sẻ những kiến thức trực tiếp của tôi về tình hình hiện tại tại Việt Nam.

Tôi nhận thấy ý kiến của họ không còn là một chiều mà ngày càng có nhiều người quan tâm và muốn về thăm Việt Nam, làm ăn tại Việt Nam và tìm cách giúp đỡ đất nước.

Tôi cũng tiếp tục ủng hộ chính phủ Việt Nam chìa bàn tay thân thiện và chào đón cộng đồng người Việt tại Mỹ và tạo điều kiện để cho họ thấy rằng bây giờ là lúc họ cần quay trở về và đóng góp cho đất nước.

Thưa ngài Đại sứ. Xin ngài có thể cho biết, chính sách của Hoa kỳ đối với Việt Nam là chính sách xuất phát từ sự khác biệt chế độ hay mang tính chất xây dựng của xu thế hợp tác? (Nguyễn Trung Thành, 29t tuổi, 237 Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng)

Đại sứ Hoa Kỳ Micheal Marine: Chúng tôi nhận thấy rằng hệ thống chính trị hai nước chúng ta không giống nhau. Nhưng có những quyền con người là những giá trị phổ quát và cơ bản dành cho mọi người trên thế giới được hưởng.

Trọng tâm chú ý của Việt Nam là tập trung cải thiện các vấn đề kinh tế và xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là quá trình quan trọng và cần phải tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này.

Đồng thời, chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể  đạt được thịnh vượng và tiến bộ hơn cùng với việc mở rộng thêm không gian cho các hoạt động chính trị.

Để thành công, Việt Nam cần phải sử dụng được tất cả các năng lực và sức mạnh của người dân.

Trong gần 2 năm công tác tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về Việt Nam? (Nguyễn Đình Tiếp, 26 tuổi, Cầu Gồ - Yên Thế - Bắc Giang)

Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine: Cảm nhận của tôi về Việt Nam cũng như bất cứ ai đã tới đây, đó là một đất nước đang chuyển mình và đi đúng hướng. Tất nhiên, chúng tôi cũng biết rằng còn có nhiều khó khăn và nhiều vấn đề tại Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan về tương lai của Việt Nam.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, năng lực và sự cần cù lao động của người Việt Nam, lý do tôi lạc quan về Việt Nam chính là giới trẻ Việt Nam. Bất cứ ở đâu, chúng ta có thể gặp những người trẻ tuổi háo hức học tập và mong được đóng góp cho đất nước.

Tuy  nhiên, điều quan trọng  mà tôi mong là giới trẻ Việt Nam cần phải giữ gìn truyền thống của mình, đón nhận thế giới hiện đại và nghĩ tới những người khác chứ không chỉ riêng bản thân mình.

Tôi hy vọng những người trẻ sẽ dành thời gian và sức lực để góp phần giải quyết  các vấn đề như môi trường, chăm sóc những người kém may mắn hơn và những vấn đề mang tính chất quốc gia như HIV, AIDS và cúm gia cầm.

Giới trẻ VN có khả năng giải quyết các vấn đề này và họ nên làm như vậy.

Tôi tin rằng họ sẽ làm như vậy.

Đây cũng là câu trả lời kết thúc buổi trả lời trực tuyến của Ngài Đại sứ với độc giả báo Tiền Phong

Đôi nét về Đại sứ Michael W. Marine

Đại sứ Mỹ: Việt Nam đang chuyển mình và đi đúng hướng ảnh 6
Là viên chức ngành ngoại giao với hàm Tham tán Công sứ, Ngài Michael W. Marine được Tổng thổng George W. Bush đề cử làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 31/3/2004 và được Thượng viện phê chuẩn ngày 6/5/2004. Ông đã nhận nhiệm vụ tại Việt Nam ngày 10/9/2004.

Ngài Marine là Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh từ tháng 9/2000 đến tháng 6/2004. Ông là Phó Đại sứ tại Nairobi, Kenya từ tháng 8/1997 tới tháng 6/2000. Sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi hồi tháng 8/1998, ông giữ chức Đại biện lâm thời tại đó từ tháng 5/1999 đến tháng 9/1999.

Ông giữ chức Tham tán Công sứ phụ trách lãnh sự tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Matxcơva từ năm 1995-1997 và là Tham tán Công sứ phụ trách lãnh sự tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bonn từ năm 1994-1995. Từ năm 1991 đến tháng 1/1993 ông giữ chức Phó Đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Suva, Fiji. Từ tháng 2/1993 đến tháng 4/1994 ông giữ chức Đại biện tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Suva.

Từ 1985 đến 1991, Ngài Marine nắm giữ nhiều chức vụ tại Bộ Ngoại giao ở Washington, D.C. Ông từng là Giám đốc Văn phòng các Chương trình Chống Lừa đảo tại Cục Lãnh sự; Phó Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề về Việt Nam, Lào và Campuchia của Cục Đông Á và Thái Bình Dương; và Trợ lý Đặc biệt của Cục Lãnh sự.

Sinh ở New York năm 1947, Ngài Marine tham gia lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ năm 1967 và rời quân ngũ với hàm đại úy năm 1971. Ngài Marine nhận bằng cử nhân xuất sắc về lịch sử Trung Quốc tại trường Đại học California ở Santa Barbara năm 1974 và vào ngành ngoại giao năm 1975.

Các chức vụ đầu tiên mà ông nắm giữ là viên chức lãnh sự tại Martinique, Luân Đôn và Quảng Châu (1979-1981) và là viên chức chính trị tại Hồng Kông (1982-1985). Ông nói được tiếng Pháp, Trung Quốc (tiếng Quan thoại) và tiếng Đức. Ông đã được nhận Phần thưởng danh dự đặc biệt của Bộ Ngoại giao các năm 1981, 1990, 1993, 1999, 2001 và 2002.

Ngài Marine và phu nhân Carmella có hai con gái nuôi là Jessica và Magaret.

(Nguồn : Website Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.