Đăk lăk: Quay cuồng nơi rốn lũ

Đăk lăk: Quay cuồng nơi rốn lũ
TP - Cơn lũ lớn tràn qua Đăk Lăk không những khiến 6 người bị chết, 54 người bị thương mà còn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Cuộc sống vốn đã khó khăn của nhiều hộ dân lại càng thêm khốn khó bởi tài sản đã trôi theo dòng lũ.
Đăk lăk: Quay cuồng nơi rốn lũ ảnh 1
Bộ đội triển khai tiếp tế lương thực tại huyện Ea Súp

Không chỉ tỉnh này, mưa lũ còn gây thiệt hại về người và của tại một số địa phương khác.

Cơn lũ kinh hoàng

Đăk lăk: Quay cuồng nơi rốn lũ ảnh 2
Bộ đội khẩn trương sửa đường ngay khi lũ rút

Hai máy điện thoại của  Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đăk Lăk réo không ngớt, các con số thiệt hại về trận lụt lịch sử do cơn bão số 2 gây nên được báo  báo về liên tục.

Sau những cú điện thoại, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đi qua đi lại, vẻ mặt đầy căng thẳng, nói như độc thoại: “Chưa bao giờ Đăk Lăk bị lũ khủng khiếp như thế, cả 13 huyện thành đều bị thiệt hại, các anh lãnh đạo bị kẹt ở cơ sở hết rồi…”.

Chúng tôi may mắn đón được chuyến xe cứu trợ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Lăk. Trong điều kiện mưa không ngớt  và nước lũ tràn ngập nhiều khúc đường thì đây là phương tiện duy nhất có thể giúp chúng tôi đến được rốn lũ Ea Súp.

Qua một đêm phải xả lũ, kèm với trời mưa ngớt hạt dần, sáng ngày 6/8, mực nước hồ Ea Súp Thượng đã hạ  xuống ngưỡng an toàn, lưu lượng nước xả cũng giảm dần. Cùng với sự dẫn đường đầy kinh nghiệm của Thượng tá Nguyễn Văn Hoan, Huyện đội Ea Súp, chúng tôi đã qua được nhiều đoạn đường vòng lầy lội để đến với điểm lũ đầu tiên của huyện Ea Súp là xã Ea Lê.

Tại thôn 17 của xã Ea Lê, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hải đứng bên nền nhà còn trơ lại vài cây cột, nét mặt vẫn còn thất thần, anh Hải kể: “Nhà tôi ven suối Ea Súp, năm nào cũng bị lũ thành quen, nhưng chưa bao giờ có cơn lũ nào kinh khủng như thế này. Cả gia đình tôi vừa ra khỏi nhà đi làm được một đoạn thì nghe rầm rầm tiếng nước tràn đến, vài phút sau không còn thấy cái nhà đâu nữa”.

Chúng tôi chưa kịp hỏi thêm anh Hải điều gì thì nhận được tin  xuồng máy của bộ đội vừa cứu được một nhóm người bị mắc kẹt giữa dòng lũ trong suốt 2 ngày qua  tại thôn 16.

Chúng tôi tức tốc đến nơi vừa lúc chiếc xuồng máy này cập bờ. Ông Cao Minh Lự - Chủ tịch xã Ea Lê đang hối hả đỡ những người dân được báo là “mất tích” trong dòng lũ  mấy ngày qua trở về trong mừng rỡ. Sau khi trả người xong, chiếc xuồng máy lại lập tức phóng ra giữa dòng nước xiết hướng về  những ốc đảo bị cô lập phía xa xa hy vọng tìm thấy những người còn lại.

Cùng được phát hiện tại một chỗ với chị Dương Thị Trúc còn có cặp vợ chồng trẻ Hứa Quang Đạo, Đinh Thị Nga.

Đạo và Nga đã lập gia đình 5 năm, có 2 con nhưng chưa có nhà riêng. Hai vợ chồng phải gửi con cho người thân để ra chòi rẫy làm lụng chăn nuôi, chắt bóp dự định cuối năm nay sẽ dựng một căn nhà.

Lúc lũ tràn về, chị Nga phân công anh Đạo chuyển số đậu mới thu, còn chị cố chạy theo lùa đàn vịt 100 con lên đồi. Nhưng chưa kịp khiêng được bao đậu nào anh Đạo đã thấy chị Nga chới với trong dòng nước chảy xiết, anh Đạo vội chạy đến và may mắn dìu được chị Nga qua chòi của chị Trúc.

 Dù  đã được đưa khỏi ốc đảo nhưng chị Nga nước mắt lưng tròng: “Bao nhiêu năm qua chúng em dè xẻn bây giờ trôi theo dòng lũ hết rồi...”.

Chị Dương Thị Trúc đứng lặng giữa vòng tay của mọi người hồi lâu mới  thốt được nên lời : “Tôi tưởng mình đã bị cuốn trôi từ hồi tối hôm qua. Nước lên nhanh khủng khiếp.

Đầu tiên tôi còn định cứu mấy con heo và cõng mấy bao đậu lên chòi, sau đó chỉ kịp chạy lên chòi nhìn nước cuốn đi tất cả.

Nhoáng một cái đã thấy nước tràn lên đến nơi tôi đứng. Tôi leo lên nóc chòi lấy cái áo trắng vẫy cầu cứu suốt  từ sáng hôm qua đến giờ .

Vừa đói, vừa lạnh, vừa sợ nước sẽ cuốn mình đi mất nên đêm qua tối đen nhưng tôi vẫn cứ vẫy cái áo suốt đến sáng, tới khi các anh bộ đội nhìn thấy”.

Ngừng một hồi, chị Trúc nhìn quanh rồi lo lắng thốt lên: “Anh Hứa đâu ?”.  Mọi người lắc đầu, có  ai đó lên tiếng: “Sáng hôm qua tôi thấy chồng chị chở gạo đi qua rẫy”. Nhiều tiếng thở dài, có tiếng động viên: “Chắc ổng đang kẹt ở đâu đó, tí nữa bộ đội chở về…”.

Thiệt hại cả ngàn tỷ đồng

Xã Ea Rôk là nơi xa nhất của huyện Ea Súp mà chúng tôi có thể đến. Cả xã chỉ còn duy nhất thôn 1  chưa bị nước lũ nhấn chìm. Bên kia xã Ea Rôk là các xã Ia R’vê, Ia J’lơi, Ya Lốp đang bị chia cắt hoàn toàn.

Đăk lăk: Quay cuồng nơi rốn lũ ảnh 3
Khung cảnh tan hoang tại xã Ea Lê

Hàng trăm người đang “tị nạn” tại thôn 1 xã Ea Rôk chúng tôi gặp sáng 6/8 đều có cùng một câu chuyện: Hiện tài sản của họ còn lại chỉ là 1 bộ đồ mặc trên người. Dòng lũ đã cuốn trôi tất cả: Vật nuôi, của cải, nhà cửa.

Tính đến nay, ngoài các xã bị cô lập chưa có thông tin, tỉnh Đăk Lăk đã thống kê được có 6 người bị chết, 54 người bị mất tích, 3.105 hộ  dân  phải di dời đến nơi an toàn, 82 căn nhà bị trôi, hơn 20.000 hécta cây trồng bị ngập, 50 đập và công trình thủy lợi bị vở và hư hỏng, nhiều tuyến đường bị ngập và hư hỏng.

 Toàn tỉnh đã huy động hàng ngàn nhân lực trong ngành công an và bộ đội, hàng chục xuồng máy để tham gia giúp dân thoát khỏi trong vùng lũ và khắc phục hậu quả do lũ gây ra. 

Cũng tại Ea Rôk, chúng tôi được nghe người dân buôn M’Tha kể lại câu chuyện cảm động: Già làng Ama B’lơi  mất ngày 3/8. Ngày 5/8 định đi chôn thì nước lũ dâng lên đột ngột, mọi người hoảng sợ không biết xử lý làm sao.

Khi nước sắp cuốn trôi quan tài của già làng thì một nhóm bộ đội mặc áo phao mang theo dây thừng bất chấp nguy hiểm bơi từ ngoài đường vào nhà già làng để neo quan tài lại trên nóc nhà.

Quay lại trụ sở UBND huyện Ea Súp, chúng tôi được Chánh Văn phòng huyện cho biết: Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của huyện đã xuống cơ sở hết. Hiện tại, ngoài 3 xã Ia R’vê, Ia J’lơi, Ya Lốp bị chia cắt chưa có thông tin, thì mối lo nhất là 39 người bị mất tích ở xã Cư C’bang.

Nhóm người này đi làm rẫy ở một vùng trũng nơi bị lũ về sớm và mạnh nhất. Hiện lực lượng cứu hộ của huyện đang ráo riết tìm kiếm dấu vết của họ. Nhiều ngày nữa khi nước rút hết huyện Ea Súp mới thống kê được con số thiệt hại, con số này được dự báo không dưới  một nghìn tỷ đồng.

Còn trước mắt, toàn bộ lực lượng của huyện Ea Súp đang quần quật với việc tìm kiếm cứu nạn, phân phát lương thực cứu tế cho những người bị nạn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.