Góp ý dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai:

Đảm bảo quyền lợi người bị thu hồi đất

Quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức cưỡng chế GPMB dự án đất dịch vụ phường Dương Nội sáng 22/4. Ảnh: Đức San
Quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức cưỡng chế GPMB dự án đất dịch vụ phường Dương Nội sáng 22/4. Ảnh: Đức San
TP - Tổ chức Liên minh Đất đai phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam vừa công bố các kiến nghị gửi đến ban soạn thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Nội dung của kiến nghị tập trung vào ba dự thảo nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo.

Dân phải có thu nhập bằng trước khi thu hồi đất

Với vai trò là cố vấn của Liên minh Đất đai (LANDA), GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn chưa đảm bảo tốt quyền lợi của người dân mất đất.

Theo ông, không chỉ giá tiền bồi thường khi thu hồi đất bằng với giá thị trường mà đời sống của người dân phải bằng hoặc cao hơn so với trước khi thu hồi đất. Cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo dự thảo nghị định vẫn giữ nguyên thời gian hỗ trợ tiền, gạo như Nghị định 69/2009/NĐ-CP (hỗ trợ mỗi nhân khẩu 30kg gạo trong một thời gian nhất định - PV). Nhiều người dân bị thu hồi đất đã sử dụng hết gạo, tiền mà chưa tìm ra sinh kế mới, đành ngồi yên trong nghèo khó.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, ba dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 do Bộ TN&MT soạn thảo đã được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định. Các nghị định này sẽ được ban hành vào ngày 1/7/2014, cùng thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.

GS Võ cho rằng cần tính thu nhập thật của người nông dân trước khi bị thu hồi, bồi thường cho dân bằng đúng mức ấy. Trong trường hợp người dân tìm được sinh kế mới nhưng không bằng so với trước khi bị thu hồi đất thì vẫn phải bồi thường. Đó là nguyên tắc công bằng mà hầu hết các quốc gia phát triển đều áp dụng.

“Nhiều quốc gia bồi thường mọi thiệt hại cho người dân khi thu hồi đất, kể cả thiệt hại về tinh thần. Họ hướng đến việc người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn người không bị thu hồi đất”. Để làm được điều này, theo GS Võ, chỉ cần tìm ra một cơ chế chia sẻ lợi ích từ chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, đây là việc làm không dễ dàng vì bản thân các doanh nghiệp sẽ không muốn chia sẻ lợi ích.

Minh bạch hóa thông tin trong giao đất, thuê đất

Liên quan đến chuyện định giá đất, các chuyên gia của LANDA cho rằng việc định giá do hội đồng thẩm định giá thực hiện dễ mang tính hình thức nếu không làm rõ được các thành phần của hội đồng là ai.

Theo GS Võ “dự thảo quy định chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch hội đồng, thành viên gồm một đơn vị định giá độc lập, ngoài ra không ghi rõ ai nữa. Nếu các thành viên còn lại đều là đệ tử của ông chủ tịch thì việc thẩm định giá chỉ mang tính hình thức”.

Theo các chuyên gia của LANDA, số lượng thành viên hội đồng thẩm định giá đất từ các cơ quan quản lý nước không được vượt quá 50% tổng số thành viên. Các chuyên gia còn lại đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội định giá. Quyết định giá đất của hội đồng phải nhận được sự đồng thuận của 2/3 số thành viên hội đồng. UBND cấp tỉnh chỉ được quyền quyết định đồng ý hay không đồng ý với giá đất mà Hội đồng thẩm định đưa ra chứ không có quyền xê dịch giá đất.

Với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch thông tin.

Bổ sung thêm các quy định cụ thể yêu cầu công khai, minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gia hạn quá trình sử dụng đất, quá trình Nhà nước định giá đất.

Ngoài ra cần bổ sung phương thức và quy trình cụ thể của các hình thức lấy ý kiến người dân trong quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Kiến nghị cũng nêu rõ cần có cơ chế thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và người bị thu hồi đất khi thu hồi đất theo quy hoạch, thúc đẩy đối thoại giữa người bị thu hồi đất với chủ đầu tư khi thu hồi theo dự án. Qua đó tăng tính đồng thuận trong quá trình thu hồi đất.

Nghiên cứu được LANDA thực hiện tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, khi thành phố này tổ chức tốt việc đối thoại giữa chính quyền và người dân, khiếu kiện về đất đai giảm đáng kể.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố chủ động thực hiện cơ chế chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận khi thu hồi đất. Khi thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân đạt 70% thì Nhà nước mới can thiệp bằng quyết định thu hồi đất với phần diện tích không thể thỏa thuận giữa hai bên.

Kết quả cho thấy, đa số người dân hài lòng với cơ chế này, tỷ lệ khiếu kiện rất thấp. Các chuyên gia kiến nghị cần nhân rộng, phổ biến cơ chế này và được cụ thể hóa bằng các quy định trong dự thảo Nghị định sắp được trình Chính phủ.

Một khuyến nghị về đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền có tên của phụ nữ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng vừa được tổ chức LANDA gửi đến ban soạn thảo. Khuyến nghị nêu cần có hướng dẫn chi tiết việc đổi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tên vợ hoặc chồng thành tên chung của vợ chồng là việc làm bắt buộc thay vì chỉ thực hiện khi người dân có yêu cầu.

MỚI - NÓNG