'Đám cưới vàng với Tiền Phong'

'Đám cưới vàng với Tiền Phong'
TP - Ông là một bạn đọc, cộng tác viên đặc biệt, khi Tiền Phong đến nay tròn 60 năm tuổi, ông cũng có 50 năm gắn bó với tờ báo Đoàn.

> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
> Tất cả là phóng viên chiến trường
> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
> Những diễn đàn dấu ấn

Cách đây 30 năm, xét đề nghị của Ban Biên tập báo Tiền Phong, Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định tặng ông Huy chương “Vì thế hệ trẻ” đúng dịp kỷ niệm 30 năm Tiền Phong ra số báo đầu tiên.

Từ những kỷ niệm với Tiền Phong...

Gần đây, trong số bạn đọc gửi góp ý về Toà soạn để cải tiến chất lượng báo Tiền Phong ngày một tốt hơn, chúng tôi chú ý tới bản góp ý của ông Nguyễn Cảnh, một nhà giáo nhiều năm trước đây làm cán bộ Đoàn trường. Ngoài những góp ý tâm huyết dành cho báo, ông Nguyễn Cảnh còn nhắc tới những kỷ niệm của mình sau nửa thế kỷ gắn bó với Tiền Phong. Người viết bài này vội gọi điện để hẹn gặp, mới hay chừng dăm tiếng đồng hồ nữa ông sẽ đi Vũng Tàu trong thời gian dài do có công chuyện. Thấy tôi vẫn muốn gặp, ông bảo: “Vậy tôi sẽ đi sớm hơn để qua toà soạn. Gần đây tôi chưa có dịp lên đó”.

Đi ngay từ nhà tại thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội), chỉ chừng hai giờ sau ông Nguyễn Cảnh đã có mặt tại toà soạn Tiền Phong. Ông mở túi đựng tài liệu lấy ra một tập dày những bài báo từng được Tiền Phong đăng trong mấy chục năm qua và nói: “Sở dĩ tôi phải cắt riêng bài của mình ra là để giữ được đến nay”.

 Các bài báo hay đăng trên Tiền Phong để sử dụng trong công tác chủ nhiệm lớp, giảng dạy nội ngoại khóa và sử dụng trong công tác vận động các thế hệ học sinh mua, đọc, làm theo báo Tiền Phong thân yêu

Thầy giáo Nguyễn Cảnh

Rồi thầy giáo Nguyễn Cảnh kể, lần đầu ông biết đến tờ Tiền Phong vào năm 1959, khi mới vào nghề dạy học. Bài báo ông nhớ nhất tại lần đọc đầu tiên đó có chủ đề “Đã là nhà giáo phải học suốt đời”, gợi cho người giáo viên trẻ ngày ấy nhiều suy nghĩ. Khi đó, Nguyễn Cảnh 19 tuổi, trình độ 7/7, nhưng đã được dạy cấp 1 vì lúc đó rất thiếu giáo viên. Thời điểm này, thông thường có quan điểm là giáo viên đã dạy ở cấp nào giữ nguyên ở đó, nên ít người học thêm để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, sau khi đọc bài báo trên ở Tiền Phong, Nguyễn Cảnh đã xin đi học thêm bổ túc văn hoá cấp 3; rồi trong quãng thời gian dạy học của mình ông tiếp tục học Trung cấp Sư phạm, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp. “Khi đó ý định của tôi chỉ là nhà giáo phải học suốt đời, mà không có mục đích học để chuyển cấp. Tuy nhiên, nhờ việc học nên tôi chuyển dần sang dạy cấp 2, cấp 3 và sau này đủ tiêu chuẩn là giáo viên trung học cao cấp. Tôi được như vậy là nhờ ban đầu đọc báo Tiền Phong”- ông Cảnh cho biết.

 Thầy giáo Nguyễn Cảnh
Thầy giáo Nguyễn Cảnh.

Sau vài năm đọc Tiền Phong, đến năm 1963 thầy giáo trẻ Nguyễn Cảnh đến toà soạn để làm cộng tác viên (CTV). Lúc này anh mới hay tờ báo Đoàn sắp kỷ niệm 10 năm ra số báo đầu tiên. Được sự giúp đỡ của các phóng viên toà soạn, Nguyễn Cảnh trau dồi cách lấy tin, viết bài. Một năm sau, trong số báo ra ngày 16/8/1964, CTV Nguyễn Cảnh có liền hai tin, bài “Tay cày tay súng” và “Tiểu đội nữ dân quân Ba Xuân rất giỏi”. Cũng năm 1964, Nguyễn Cảnh có bài “Cô gái 18 tấn” nói về tấm gương sản xuất, chiến đấu điển hình của đoàn viên Nguyễn Thị Thanh Ổn, người cùng huyện, khác xã với anh. Vậy mà cách đây chừng hai tháng, khi tình cờ gặp lại nhau, cô gái trẻ Thanh Ổn ngày nào giờ đã 70 tuổi vẫn nhận ra thầy giáo Cảnh. Bà nói: “Bài báo anh tặng năm đó không may gần đây em để thất lạc mất. Nếu anh còn lưu thì cho em xin bản sao”. Thầy giáo Cảnh nhận lời, vì bài báo đó đến nay vẫn được ông lưu giữ.

...Đến Huy chương “Vì thế hệ trẻ”

Một trong những điểm mạnh của CTV Nguyễn Cảnh là tính phát hiện, tạo sức lan tỏa trong bài viết. Đơn cử, năm 1969 Nguyễn Cảnh viết bài “Chiếc bản đồ vạn năng”, phản ánh sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Yết (Bí thư Đoàn trường cấp 1 Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ) trong việc chế tạo dụng cụ học tập cho học sinh một cách đơn giản nhưng thiết thực. Bài viết ngắn gọn, chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên Tiền Phong nhưng gây tiếng vang. Sau khi báo đăng, nhiều thầy cô giáo trong tỉnh Hà Tây đã đến gặp thầy Yết để tham quan, học tập. Sau đó Ty Giáo dục Hà Tây còn tổ chức một buổi tọa đàm để trao đổi, học tập về sáng kiến làm chiếc bản đồ vạn năng nói trên. “Cũng trong năm 1969, một bài báo tôi viết sau khi Tiền Phong đăng 5 ngày đã được chương trình Phát thanh Thanh niên của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại”- ông Cảnh cho biết thêm.

Là bạn đọc thường xuyên của Tiền Phong từ năm 1959 đến nay, thầy giáo Nguyễn Cảnh có thói quen đọc cho học sinh nghe những bài viết mà mình tâm đắc trong mỗi dịp thích hợp. Ông đưa tôi xem một trong những cuốn sổ chủ nhiệm lớp của mình trước đây, trong đó bên những bài được soạn để giảng dạy là các bài báo hay của Tiền Phong được dán cùng. Ngoài bìa sách, thầy Nguyễn Cảnh ghi khá chi tiết: “Các bài báo hay đăng trên Tiền Phong để sử dụng trong công tác chủ nhiệm lớp, giảng dạy nội ngoại khoá và sử dụng trong công tác vận động các thế hệ học sinh mua, đọc, làm theo báo Tiền Phong thân yêu”. Thầy giáo Nguyễn Cảnh thổ lộ thêm, trước khi nghỉ hưu (2001), ông thường đặt hai tờ Tiền Phong cho mỗi số báo, một để đọc, tờ còn lại dùng để thưởng cho những học sinh có thành tích tốt. Bằng biện pháp này, thầy Cảnh đã thu được hiệu quả cao trong việc giáo dục học sinh của mình.

Có một điều, thầy giáo Nguyễn Cảnh không nói ra, nhưng đã tâm sự trong bản góp ý gửi toà soạn. Đó là công việc mà người bạn đọc lâu năm này coi đó là tự nguyện khi nhiều năm qua đã tích cực vận động mọi đối tượng mà mình có dịp tiếp xúc mua và đọc báo Tiền Phong. Ông viết: “Những năm 1960-1966, khi là giáo viên cấp 1 tôi đã vận động các cơ sở Đoàn trong huyện Phúc Thọ mua báo Tiền Phong. Những năm 1967-1968, khi học Đại học Sư phạm, tôi tiếp tục vận động Đoàn trường chỉ đạo phong trào mua, đọc và làm theo báo Đoàn. Những năm 1968-1970, khi phụ trách công tác tuyên truyền ở Ty Giáo dục Hà Tây, tôi đã tham mưu đồng thời chịu trách nhiệm vận động các cơ sở Đoàn trong tỉnh mua và đọc báo Tiền Phong. Từ những năm 1970-2001, khi dạy học ở các trường cấp 2, cấp 3 - tôi tiếp tục vận động để một số cơ sở trong huyện Phúc Thọ mua và đọc báo Tiền Phong...”.

Yêu mến Tiền Phong, thầy Nguyễn Cảnh sẵn sàng góp ý để báo ngày một tốt hơn. Trong một số báo phát hành năm 1969, tại chuyên mục “Bạn đọc phê bình báo”, thầy Nguyễn Cảnh có những góp ý xác đáng. Hưởng ứng việc “Mời bạn đọc góp ý cho Tiền Phong” gần đây, thầy Nguyễn Cảnh góp ý cho nhiều trang của báo. Đơn cử trang Giới trẻ, ông góp ý cần tăng cường thông tin mới, có tính phát hiện về những bất cập trong đời sống tuổi trẻ hiện nay và các giải pháp tháo gỡ từ cơ sở. Trang Khoa giáo, ông đề nghị cần có những tuyến bài sâu về đổi mới trong giáo dục, đào tạo hiện nay; trang Bạn đọc nên sử dụng bài của bạn đọc nhiều hơn để gần gũi với cuộc sống người dân...

Hiện nay, thầy giáo Nguyễn Cảnh vẫn tiếp tục là một bạn đọc trung thành, một CTV có những bài viết đăng trên Tiền Phong. Khi trò chuyện cùng tôi, bên cạnh việc nói về những bài báo lâu năm của mình, ông cũng giới thiệu thêm một số bài viết được đăng những năm gần đây, trong đó gần nhất là bài “Vì tình yêu Đại tướng” trên diễn đàn “Lập thêm những Điện Biên” của trang “Giới trẻ”, Tiền Phong ngày 24/10/2013.

Khi được hỏi: “Trong nửa thế kỷ gắn bó với Tiền Phong, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất?”- thầy giáo Nguyễn Cảnh trả lời: “Đó là việc tôi được tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ”. Với tấm Huy chương này, thầy giáo Nguyễn Cảnh đã được đồng chí Vũ Mão, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Tiền Phong ra số báo đầu tiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG