Dặm dài biên ải

Đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành chuyến thăm, tham dự (ASIAD 1990) từ Trung Quốc trở về Ảnh: Lê Công Mai
Đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành chuyến thăm, tham dự (ASIAD 1990) từ Trung Quốc trở về Ảnh: Lê Công Mai
TP - Mỗi lần được đến lằn ranh, phân định biên giới Việt - Trung, chúng tôi lại trào lên cảm xúc mãnh liệt. Nơi đây là địa đầu Tổ quốc, khắc ghi bao thăng trầm của lịch sử với mảnh đất, con người kiên trung.
 Bài 1: Ở km số O
Kể về họ, những những lính mang quân hàm xanh đã, đang sinh sống, công tác tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) với những câu chuyện bình dị nhưng lại thú vị, hấp dẫn không phải ai cũng biết...
Đại sứ hòa bình
Cuối tháng 12, tôi trở lại với km số O trong gió heo may se lạnh. Một khối bê tông nhỏ nhô lên mặt đất, là điểm cuối cùng tuyến quốc lộ 1A. Bên kia, tiếp nối con đường bằng một vệt chỉ nhỏ là lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 
Cột km số O này là dấu tích phân ranh trên tuyến đường bộ, chứ không phải là cột mốc biên giới. Song nó lại thiêng liêng góp phần khẳng định chủ quyền, lãnh thổ nước ta. 
Lần nào cũng vậy, khi đến nơi đây, tôi cũng cúi mình, ôm chắc hình hài km số O. Và trong tôi lại trào lên những kỷ niệm mà chỉ những người sinh sống, công tác tại địa phương mới có thể có được.
Trước mắt tôi như hiện ra hình ảnh một thời đã xa. Kế bên km số O là một cây si xanh ngắt, thân mỏng nhưng hùng dũng vươn lên. Cây si này mọc trên đất ta, sát biên giới Việt - Trung. 
Ký ức đẹp chợt ùa về. Vào khoảng cuối tháng 10/1990, ngày đó, nơi đây chỉ có cây xanh hai bên đường trập trùng nối liền qua biên giới hai nước. Con đường nhỏ vắng lặng, đầy tiếng chim hót líu lo. 
Sau thời gian khá dài từ sau chiến sự biên giới 1979 và hai bên bắt đầu hàn gắn mối quan hệ bang giao. Một trong những sự kiện cả hai nước trông đợi, chính là việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 1990) tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối năm 1990. 
Có thể nói, chuyến đi qua biên giới Việt - Trung bằng đường bộ của Đại tướng như một “cú hích” để mở toang cánh cửa ngoại giao, tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vào năm sau (năm 1991). 
Khi đó, tôi là biên tập viên của Tạp chí xứ Lạng (Hội VHNT Lạng Sơn) được cử đến khu vực km số O, tham gia phản ánh lễ đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về nước trong niềm hân hoan, vui mừng vô bờ bến. 
Tôi được đại tá Lê Đình Thi, khi đó là Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho đi cùng tới sát biên giới. Đại tá Thi đến bên hai hàng binh chỉnh tề rồi nhẹ nhàng chỉnh sửa ve áo, thế đứng cho những người lính trẻ. Đại tá Thi ngước mắt quan sát các mỏm đồi biên giới, xung quanh khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ông nói với tôi: “Khi được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất nhập cảnh qua cửa khẩu này, đơn vị vui mừng, phấn khởi nhưng cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề. Chúng tôi khảo sát thực địa nhiều ngày, cử các tổ, đội công tác tiến hành rà soát bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, đồng thời liên hệ với phía bạn để phối hợp, tổ chức đưa, đón Đại tướng sao cho an toàn, trang trọng, ấm cúng”.
Giây phút đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về nước trong rực cờ hoa ở hai bên biên giới thật xúc động. Tiếng vỗ tay rộn vang không ngớt. Đại tướng đến km số O rồi hướng ánh nhìn lên cây si, nghẹn lời nói: “Trên bầu trời trong xanh, những đám mây đen đang dần tan biến. Hữu Nghị Quan muôn đời là Hữu Nghị Quan”.
Đại tướng vừa dứt lời, ánh nắng chan hòa lan tỏa khắp vùng biên cùng những ánh mắt, nụ cười vui sướng, rạng ngời. Sau đó, trong bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng cũng thể hiện rõ nét câu nói bất hủ này.
Dặm dài biên ải ảnh 1Chiến sĩ biên phòng hai nước Việt - Trung tổ chức tuyên truyền pháp luật tại cửa khẩu Hữu Nghị Ảnh: Duy Chiến
Bây giờ, do nhiều yếu tố khách quan, cây si xanh kế bên km số O không còn nữa, song nó vẫn luôn đọng lại trong trí nhớ, kỷ niệm của những người lính biên phòng và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Kiêu hãnh nơi tuyến đầu
Thượng úy Nguyễn Anh Tú, Phó trạm trưởng phụ trách biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị dẫn tôi tham quan đơn vị. Bây giờ, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được đầu tư, xây dựng khang trang, xứng tầm với vị thế một cửa khẩu trọng yếu của đất nước. 
Thượng úy Tú cho biết, hiện tại Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có khoảng 80 cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại hai bộ phận: làm thủ tục xuất nhập cảnh và kiểm tra giám sát, phân luồng cho các phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới.
Thấy những người lính biên phòng ai cũng phong độ, khỏe mạnh, tươi vui, tôi chưa kịp hỏi thì thượng úy Tú tinh ý, giới thiệu: “Là một cửa khẩu đối ngoại nên tiêu chuẩn chọn cán bộ, chiến sĩ cũng khắt khe hơn. Trước hết, họ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ và được tuyển chọn từ các đơn vị khác thuộc lực lượng biên phòng Lạng Sơn. Một yếu tố cũng phải đặt ra, cán bộ chiến sĩ biên phòng Hữu Nghị cần đáp ứng tiêu chuẩn cao ráo, ưa nhìn, thân thiện”.
Cán bộ, chiến sĩ công tác tại cửa khẩu Hữu Nghị đều biết, thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc để giao tiếp với khách Trung Quốc và nước thứ 3. 
“Hàng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng là các tổ, đội thực hiện công việc có mặt tại nhiệm sở. Tất cả đều phải nghiêm chỉnh với quân phục tươm tất”. Thượng úy Tú nói, đồng thời cho biết, trang phục riêng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu có khác biệt đôi chút, đó là trên áo có thêm viền xanh ở cổ, mũ và bên cánh tay có phù hiệu. 
Với tinh thần “nhanh nhẹn, hoạt bát trong thực hiện nhiệm vụ, niềm nở, kính trọng nhân dân, lịch thiệp với khách quốc tế, thân thiện với doanh nghiệp, kiên quyết với tội phạm, trong năm 2020 Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã làm thủ tục cho hàng trăm ngàn lượt người và hàng hóa qua biên giới. 
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng nơi đây còn đảm nhiệm công việc đối ngoại biên phòng. “Chúng tôi thay mặt các cơ quan cấp trên hoặc các đơn vị có nhu cầu chuyển thư, trao đổi với phía Trung Quốc thì trạm biên phòng Hữu Nghị sẽ cử 2 người (trong đó có một sỹ quan và một phiên dịch) sang Trạm biên phòng Hữu Nghị Quan trao đổi công việc. Ngoài ra, hàng năm, hai bên còn tổ chức các đoàn đại biểu sang chúc tết, mừng quốc khánh. Gần đây, biên phòng Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tuyên truyền chung về pháp luật ngay tại km số O, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị”. Thượng úy Nguyễn Anh Tú cho biết.

Những năm qua, phong trào “thi đua quyết thắng” trong lực lượng biên phòng Lạng Sơn trở thành điểm sáng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, 9 năm liền (2011 - 2019), Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng.

MỚI - NÓNG