Dăm gỗ tấn công bãi biển miền Trung

Dăm gỗ tấn công bãi biển miền Trung
TP - Dịp cuối năm 2006, nhiều khách du lịch đã từng “bỏ của chạy lấy người” khi hàng chục tấn dầu thô vón cục tràn vào các bãi biển Quảng Nam - Đà Nẵng, bây giờ lại lo lắng vì gỗ dăm không biết từ đâu xuất hiện dày đặc trên bãi biển Quảng Nam, Đà Nẵng và TT Huế.

Những hộ dân buôn bán dọc các bãi biển Đà Nẵng như T18, T20, Mỹ Khê... cho biết, hiện tượng dăm gỗ bạch đàn, tràm đã lác đác xuất hiện từ vài ngày trước đây, nhưng đến ngày 12/3 thì bắt đầu dày đặc và cao điểm vào buổi sáng 13/3.

Ngày 12/3, Cty Môi trường & Đô thị (MT&ĐT) TP Đà Nẵng đã huy động trên 50 nhân viên thu dọn, nhưng đến sáng 13/3, từng đợt dăm gỗ mới lại bị sóng đánh giạt vào bờ, tạo thành lớp hoen vàng trên bãi cát.

Chị Lê Thị Nê - Đội trưởng Đội môi trường sông biển (Cty MT&ĐT), cho biết: “Sáng 12/3, khi dăm gỗ xuất hiện dày đặc, 50 chị em chúng tôi đã cố gắng thu dọn sạch, đến buổi chiều, lại thêm một số ít được sóng đánh vào, không đáng kể, tưởng rằng thế là xong. Không ngờ, sáng nay (13/3), khi ra kiểm tra thấy còn dày hơn trước. Vì lượng nhân viên quá mỏng nên chúng tôi không thể thu dọn kịp”.

Chị Nê cũng cho biết thêm, đây là lượng rác lớn nhất từ trước đến nay tràn từ ngoài khơi vào bờ biển mà chị bắt gặp sau nhiều năm phụ trách đội môi trường sông biển.

Chị Đàm Thị Thanh Nga (nhân viên tổ T20), nói: “Từ chiều qua tới sáng nay, cứ cách 5 giờ đồng hồ, sóng lại mang dăm gỗ vào 1 lần, y như là một chu kỳ vậy.

Tại 2 bãi tắm T20 và Mỹ Khê, một số du khách tắm biển buổi sáng đã bỏ về khách sạn khi thấy bãi biển tràn ngập dăm gỗ. Vợ chồng anh Võ Anh Thành - du khách từ Hà Nội, vừa từ bãi biển đi lên, lắc đầu: “Thật không thể tin được, dăm gỗ tràn bãi cát, nổi lềnh bềnh trên mặt nước khiến chúng tôi rất khó chịu”.

Tại các khách sạn ven bờ biển Đà Nẵng như Mỹ Khê, Đại Dương hay Furama, một số du khách bắt đầu trả phòng ra về vì bãi tắm không đảm bảo vệ sinh.

Nguyên nhân là xà lan Marco Polo 168?

Trong ngày 12 và 13/3, dăm gỗ xuất hiện trên bờ biển miền Trung, kéo dài gần 20 km bờ biển từ khu vực Điện Dương (Quảng Nam) đến Thọ Quang (Sơn Trà - Đà Nẵng) và bãi biển Lăng Cô (TT Huế, tập trung chủ yếu ở bãi tắm T20, T 18 và Mỹ Khê).

Ông Phạm Trung Thành – Phó giám đốc Xí nghiệp môi trường sông biển (Cty MT&ĐT) cho biết: Đây cũng là sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường biển”.

Ông Thành cũng cho biết thêm, vì những mẩu dăm gỗ rất nhỏ (có kích thước từ 2 – 3cm), nên nếu không dọn sạch, sẽ bị vùi sâu dưới cát, lúc đó rất nguy hiểm.

“Hiện nay, số dăm gỗ thu được ở ven biển Đà Nẵng là khoảng 3 tấn, vì nhân lực quá mỏng nên chúng tôi ưu tiên dọn các bãi tắm trước, nếu ngày mai (tức 14/3), dăm gỗ xuất hiện dày đặc hơn, chúng tôi cần được chi viện nhân lực”- Ông Thành nói. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa được Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi tắm Đà Nẵng báo cáo lên UBND TP Đà Nẵng.

Sáng qua (13/3), ông Hồ Văn Ánh – Trưởng ban, cho biết: “Vì thấy mức độ xuất hiện còn ít nên tôi cũng chưa báo cáo với lãnh đạo thành phố, không ngờ càng lúc nó tràn vào càng nhiều”.

Cuối chiều qua (13/3), ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam cho biết:

“Chúng tôi đã xác định được xuất xứ những mẫu gỗ dăm này. Đây là số dăm gỗ xuất phát từ xà lan có tên Marco Polo 168 chở 6.038 tấn dăm gỗ từ Nha Trang đi Trung Quốc bị sự cố mắc kẹt tại khu vực đảo Cù Lao Chàm (Hội An) vào cuối tháng 1/2007 vừa qua. Sự cố này đã khiến hơn 3.000 m3 dăm gỗ trên boong tàu bị gió, sóng biển đánh dạt, trôi đi mất”.

Tin từ Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: Sau hơn 2 tháng khắc phục sự cố, sáng 10/3, xà lan Marco Polo 168 chuẩn bị nhổ neo rời khu vực Cù Lao Chàm thì bị sóng dạt trở lại vào ghềnh đá, vỡ tan tành. Gần 3.000 m3 dăm gỗ còn lại trên boong đã bị sóng cuốn đi. Rất có thể, lượng dăm ngày hôm nay chính là số dăm gỗ từ xà lan Marco Polo 168.

MỚI - NÓNG