Xô xát ở bản Nà Kèn, xã Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái:

Dân bản không giam giữ cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy

TPO - Vài ngày qua, người dân bản Nà Kèn, xã Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái kéo lên núi phản đối sự hiện diện của Cty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam khi thực hiện quy trình khoan thăm dò. Bức xúc dường như đã lên đến đỉnh điểm khi xảy ra hiểu lầm giữa lực lượng bảo vệ của R.K với người dân khiến có xô xát, chấn thương, và người dân bức xúc hơn khi có tin loan trên mạng rằng họ “giam giữ đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy”.

Có mặt tại bản Nà Kèn chiều 28/9/2018, PV Tiền Phong chứng kiến những dòng người nối nhau lần lượt lên xuống núi Nà Kèn leo qua triền núi trơn trượt dưới trời mưa. Trưởng thôn Nông Thiện Nghiệp nói không chỉ dân bản Nà Kèn mà nhiều bản lân cận trong xã Lâm Thượng đã thay phiên nhau hàng trăm lượt người túc trực trên núi phản đối việc khoan thăm dò của Cty R.K. Tại đây dân thậm chí còn dựng lán túc trực, mang theo máy phát điện và mì tôm.

Sau khi xã Lâm Thượng được thông báo Cty R.K và cán bộ tài chính, nông nghiệp, kiểm lâm huyện Lục Yên sẽ đến núi Nà Kèn thực hiện việc kiểm đếm cây nông, lâm nghiệp (liên quan việc bồi thường về sau) và xác định vị trí mũi khoan, khoảng 4h sáng 27/9, hàng trăm người dân Lâm Thượng đã kéo lên núi phản ứng hoạt động của R.K. Khoảng 10h sáng cùng ngày, trong lúc bức xúc phản đối, giữa nhân viên bảo vệ của R.K và người dân đã có xô xát dẫn đến hai người lớn và hai trẻ em xã Lâm Thượng bị chấn thương. Ngay sau đó những người bị đau đã được đưa đi sơ cứu và được xe của Trung tâm Y tế huyện đưa ra bệnh viện huyện chữa trị kịp thời.

Dân bản không giam giữ cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy ảnh 1  Cái bình yên của bản Nà Kèn đang chất chứa những kiến nghị cần được giải đáp.

Trong cùng một diễn biến, khi mà phía R.K và lực lượng chức năng đã lui xuống núi, bà Nông Thu Hà – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đến Nà Kèn nắm bắt tình hình và giải thích cho dân, thì bà đã được dân mời vào bản hỏi chuyện. Thông tin trên mạng nói rằng bà Hà bị dân Nà Kèn giam giữ là không chính xác.

Trực tiếp trao đổi với PV Tiền Phong tại xã Lâm Thượng chiều 28/9, bà Hà tỏ ý ngạc nhiên khi có thông tin thất thiệt về chuyện bà bị dân giam giữ trái phép, thậm chí còn cho biết khi nghỉ lại qua đêm nhà Trưởng thôn Nà Kèn (ông Nghiệp), bà được chủ nhà đối xử rất thiện chí, chu đáo.

Cty R.K đầu tư khai thác và chế biến đá ở Lục Yên với nguồn lực hàng trăm tỷ đồng với dây chuyền sản xuất hiện đại từ nhiều năm nay với đóng góp nguồn thu cho Yên Bái hằng năm hơn 80 tỷ đồng. Cuối năm năm 2014, R.K đã xin bổ sung quy hoạch để được cấp phép thăm dò khai thác đá hoa cương tại xã Lâm Thượng và một xã lân cận, và cuối năm 2016 Cty này đã được cấp phép với diện tích hơn 101ha.

Dân bản không giam giữ cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy ảnh 2 Trưởng thôn Nông Thiện Nghiệp nói về những mong muốn của dân Lâm Thượng

Theo Trưởng thôn Nông Thiện Nghiệp, năm 2014 Cty R.K đã thực hiện khoan thăm dò tại Nà Kèn và đã bị dân phản ứng khi để dầu loang xuống đồi rừng của dân gây chết cây. Các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra phát hiện Cty khi đó chưa được cấp phép. Từ đó những hồ nghi về một “dự án khai thác chế biến đá” có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đã dấy lên trong lòng dân, họ trở nên cảnh giác với bất kỳ doanh nghiệp nào có mặt ở đây dự định thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều lần tuyên truyền, giải thích về quy trình, sự hiện diện của R.K và cả những đóng góp đáng kể của doanh nghiệp này như làm đường giao thông, hỗ trợ từ thiện… nhưng người dân cho rằng những tiếng nói, văn bản, tờ đơn của bản gửi lên huyện, tỉnh và cả Trung ương, song chưa được phúc đáp minh bạch, thỏa đáng. 

Gần đây, khi R.K tiếp tục triển khai việc thăm dò, dân Lâm Thượng, và đặc biệt là người Nà Kèn – bản có nhà sàn rất đẹp nằm dọc chân núi hoa cương, dường như đã chuẩn bị sẵn tư thế phản đối như đã kể trên.

Nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt được dẫn từ núi xuống, thác nước trong vắt ầm ì chảy cả ngàn năm, những hang động đẹp như tranh vẽ, và cái bình yên của bản người Tày dưới chân núi Nà Kèn còn khiến biết bao khách du đổ về chụp ảnh kỷ niệm, có lẽ không phù hợp với một viễn cảnh có tiếng nổ mìn phá đá, bụi, và ngọn núi đá cổ tạc vào tâm hồn người Tày bị bạt ngang – những suy nghĩ, băn khoăn khó có lời giải thích phù hợp khiến người dân suy ngẫm đến một ngày bản Nà Kèn phải chịu đựng tác động xấu của môi trường, lại chưa thấu hiểu thỏa đáng một lời giải thích sau những tiếng nói trình bày từ xã lên huyện, lên tỉnh – tất cả chất chứa một niềm tin bị tổn thương: Không đồng thuận với việc khai thác đá ở đây.

Sức nóng của núi đá Nà Kèn tuy đã giảm nhiệt sau khi Yên Bái hôm qua cho biết đã tạm dừng hoạt động thăm dò của R.K tại khu vực này, nhưng tiếng gõ mõ ban đêm vẫn vô cùng nhạy cảm để có thể kêu gọi hàng trăm người sẵn sàng kéo nhau lên núi vì lo ngại “ai đó sẽ bí mật mang máy móc lên núi khoan thăm dò”! Thậm chí Trưởng thôn Nông Thiện Nghiệp khi trò chuyện mời cơm nhà báo ở lại qua đêm trong bản cũng phải tạm khép những cảnh cửa nhà sàn vì ái ngại dân phản ứng khi họ đang kéo nhau lên núi “giữ núi” mà Trưởng thôn còn ngồi đó.

Đáng lưu tâm hơn, hai ngày qua hơn 500 học sinh từ Tiểu học đến Phổ thông trung học cả xã Lâm Thượng đã bảo nhau bỏ lớp để cùng người dân lên núi phản đối Cty R.K. Trình bày với nhà báo, các em nói “đi học để làm gì khi mà cuộc sống bị môi trường đe dọa”. Mặc dù đã được các thầy cô giáo giải thích, khuyên bảo nhưng các em vẫn không chịu đến trường.

Dân bản không giam giữ cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy ảnh 3 Hàng trăm người dân có mặt trên núi Nà Kèn lo lắng ngọn núi sẽ biến mất vì khai thác đá và ảnh hưởng xấu đến môi trường

Một cuộc đối thoại rõ ràng hơn giữa người dân và lãnh đạo huyện, tỉnh và cả Bộ Tài nguyên – Môi trường cần được tổ chức ngay tại xã Lâm Thượng, giải đáp thỏa đáng những khúc mắc của người dân, đang là rất cần thiết – ông Nghiệp nói. R.K là thế nào, được cấp phép ra sao, quy trình được tuân thủ và được cấp nào phê duyệt, tác động môi trường, lợi ích, cam kết…, tất cả cần được rõ ràng, minh bạch.

Thực tế, ngày 11/9, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã về Lục Yên tổ chức cuộc đối thoại nhằm làm rõ những khúc mắc này. Tuy nhiên dân bản Nà Kèn nói không nhận được lời mời tham dự, mà chỉ có đại diện thôn bản có mặt. Dường như một sự đồng thuận, một cái “chốt” cho cuộc gặp gỡ vẫn chưa được tháo nút.

Dân bản không giam giữ cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy ảnh 4

Dân bản thay nhau lên non giữ núi

Liên tiếp nhiều năm qua, ông Nghiệp đại diện cho dân bản Nà Kèn liên tiếp có đơn thư gửi lên các cấp (cả lãnh đạo cấp cao Trung ương) kiến nghị về một ảnh hưởng xấu môi trường sẽ có thể xảy ra nếu R.K tiến hành khai thác đá hoa cương ở Lâm Thượng, và năm 2016 tỉnh Yên Bái cũng đã laapj tổ công tác nỗ lực giải quyết những vướng mắc liên quan, cả Bộ TNMT cũng đã phân công Tổng cục Địa chất Khoáng sản vào cuộc, tổ chức nhiều cuộc làm việc tại địa phương, trả lời đơn thư của ông Nghiệp, nói rõ việc khoan thăm dò của R.K chưa gây hậu quả xấu đến môi trường, và việc cấp phép này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, mong muốn nhân dân Lâm Thượng ủng hộ, tạo điều kiện cho Cty R.K thực hiện hoạt động khoan thăm dò. Tuy nhiên hiện dân bản Nà Kèn, và nay loang ra toàn xã Lâm Thượng, vẫn chưa đồng thuận và tiếp tục phản đối.

Đích thân dẫn nhà báo lên núi, ông Nghiệp nói với Tiền Phong, dân Lâm Thượng trước nay rất tôn trọng pháp luật, làm theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng cả ông và người dân đã phần nào tổn thất niềm tin khi mà những giải thích về sự hiện diện của R.K ở đây chưa thỏa đáng, minh bạch, lại thêm việc xô xát gần đây khiến một số người dân bị chấn thương, và ông còn nói về một khát vọng bản người Tày dưới chân núi Nà Kèn sẽ có những ngôi nhà sàn làm kinh tế du lịch sinh thái cộng đồng với những “homestay” trong lành môi trường bên tòa núi hoa cương có hang động và thác nước rất đẹp đã tồn tại ngàn đời. Tất cả phải được rõ ràng trong một cuộc đối thoại sắp tới.

MỚI - NÓNG