Dân bức xúc vì đất dự án bỏ hoang

Nhiều diện tích đất trồng cao su bỏ hoang hoặc không chăm sóc khiến người dân bức xúc. Ảnh: H. Văn.
Nhiều diện tích đất trồng cao su bỏ hoang hoặc không chăm sóc khiến người dân bức xúc. Ảnh: H. Văn.
TP - Thu hồi hàng trăm hécta đất để trồng cây cao su nhưng doanh nghiệp thực hiện không hiệu quả. Nhiều diện tích đất bỏ hoang, diện tích đã trồng thì không chăm sóc trong khi người dân thiếu đất sản xuất gây bức xúc tại địa phương. Thực trạng đang diễn ra tại huyện Đông Giang, Quảng Nam.

D ự án cao su của Cty CP công nghiệp cao su Quảng Nam được UBND tỉnh Quảng Nam và huyện ủy Đông Giang thống nhất chủ trương quy hoạch 13.303 ha trồng cao su. Trong đó, giai đoạn 1 là 4.115 ha gồm xã Ba, Tư, A Ting và giai đoạn 2 là 9.188 gồm xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Côn, Tà Lu, thị trấn PRao, Za Hung, A Rooi, Mà Cooih, Kà Dăng (huyện Đông Giang, Quảng Nam). Tiến độ thực hiện từ năm 2008 - 2021.

Tổng diện tích được tỉnh Quảng Nam giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 911,48 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của huyện Đông Giang, ngoài diện tích 588,744 ha đã trồng (từ năm 2009 - 2012) thì từ năm 2013 đến nay Cty không trực tiếp trồng mà chỉ chăm sóc và trồng bổ sung cây kém chất lượng, cây trồng sai kỹ thuật để cầm chừng giữ đất. 

Điều đáng nói, trong số diện tích 911,48ha mà UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi cho Cty thuê chủ yếu là đất dự án 327,661 ha trước đây đã giao cho các hộ dân quản lý. Tuy nhiên sau đó Cty không trồng cao su nên người dân xâm lấn chiếm để trồng keo dẫn đến tranh chấp giữa Cty và người dân.  

Theo ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba (huyện Đông Giang, Quảng Nam), nhiều diện tích đất được thu hồi để giao cho Cty nhưng Cty bỏ hoang, diện tích cây đã trồng thì cũng không chăm sóc khiến người dân rất bức xúc. “Hơn 3 năm nay, Cty không còn triển khai chăm sóc. Đất trong dự án trồng cao su nhưng chỗ thì bỏ hoang, chỗ thì trồng không lên. Người dân thấy thế thì tận dụng trồng keo khiến việc quản lý rất phức tạp” - ông Nghiêm cho hay. 

Theo ông Nghiêm, diện tích đất này trước đây giao cho người dân quản lý, trồng keo có hiệu quả nhưng sau khi có dự án thì thu hồi đất để giao cho Cty thuê. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai dự án không hiệu quả khiến người dân bức xúc, uy tín của cán bộ cũng bị ảnh hưởng. Từ khi triển khai dự án đến giờ, Cty cũng không đầu tư gì về hạ tầng, không có hoạt động xã hội nào tại địa phương. Số lượng công nhân sử dụng tại địa phương cũng chỉ khoảng 50 lao động chứ không nhiều như Cty từng hứa hẹn. Nguyện vọng của người dân là được trả lại tiền, lấy lại đất để có đất sản xuất, tránh lãng phí.

Theo UBND huyện Đông Giang, trước những bất cập từ việc triển khai dự án của Cty CP công nghiệp cao su Quảng Nam, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tạm dừng mở rộng diện tích trồng mới đối với Cty CP công nghiệp cao su Quảng Nam mà chỉ cho phép Cty tiếp tục chăm sóc diện tích đã trồng. Đồng thời, đề nghị thu hồi 322,736 ha đã bàn giao cho Cty nhưng Cty không trồng để huyện giao lại cho nhân dân canh tác. Huyện cũng đề nghị đánh giá lại năng lực của Cty CP công nghiệp cao su Quảng Nam cũng như dự án cao su trên địa bàn để có giải pháp phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Đông Giang hoặc lựa chọn nhà đầu tư khác để đầu tư phát triển các dự án kinh tế cao hơn trên diện tích đã được cấp phép.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.