Dân chủ sẽ chọn được nhân tài

Dân chủ sẽ chọn được nhân tài
TP - Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Thực hiện chủ trương thí điểm đại hội bầu trực tiếp Bí thư sẽ giúp khắc phục được những nhược điểm gì, so với cách cấp ủy bầu Bí thư, thưa ông?       

Làm công tác tổ chức cán bộ nhiều năm, giúp Bộ Chính trị tham gia theo dõi đại hội các cấp, tôi thấy, để cấp ủy bầu bí thư có mấy nhược điểm sau.

Thứ nhất, khi cấp ủy chọn, thường vụ chọn, trên này thì Bộ Chính trị chọn bí thư tỉnh, TP, sau đó đưa ra cấp ủy bầu, dẫn đến việc bầu không bắt đầu từ sự lựa chọn của đại hội cấp dưới. Mình chỉ đạo từ trên xuống dưới. Nguyên tắc tập trung dân chủ, nên khi trên đã có ý kiến, ở dưới cứ thế mà bầu. Do vậy, việc bầu bí thư của cấp ủy dễ hình thức.

Tôi nhớ có tỉnh, trên giới thiệu nhân sự xuống để làm bí thư và địa phương cứ thế bầu. Xảy ra tình huống địa phương bầu nhưng không biết ông đó là ông nào. Như thế là không dân chủ. Mình nói dân chủ nhưng là hình thức.

Bí thư là linh hồn của một đảng bộ ở một tỉnh, quận, huyện, xã. Linh hồn của đảng bộ đó phải để cho đảng bộ đó tôn vinh.

Thứ hai, đại hội bầu trực tiếp bí thư sẽ tránh nguy cơ của chạy chức, chạy quyền. Cả một đại hội, anh có chạy được tất cả không.

Thứ ba, tránh được biểu hiện cơ hội. Đại hội là dễ có hiện tượng cơ hội chính trị, tìm mọi cách để giành được chức vụ mà mình mong muốn. Cách làm cấp tỉnh duyệt cấp huyện, cấp huyện duyệt cấp xã, như vậy không dân chủ thực sự .

Nói như vậy không có nghĩa là trên không lãnh đạo, định hướng. Nhưng rõ ràng, đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy rất có giá trị. Một tỉnh có khoảng 20 - 30 tỉnh ủy viên, thì 20 - 30 bầu sẽ khác với 200 - 300 người bầu bí thư trực tiếp tại đại hội. Đại hội là tập hợp trí tuệ của số người gấp 10 lần cấp ủy.

Nhưng phương án nào cũng có những hạn chế. Theo ông, đâu là trở ngại của việc đại hội bầu trực tiếp Bí thư?

Tôi lo nhất là tư tưởng bè phái, cục bộ địa phương. Như trước đây, khi chưa tách tỉnh, ví như tỉnh Bình Trị Thiên, thì địa bàn nào cũng muốn giành ghế chủ chốt. Bây giờ các tỉnh chia ra rồi thì lại lo ngại ở cấp huyện, cấp xã. Tỉnh tôi là tỉnh Nghệ An thì sẽ có ý kiến Quỳnh Lưu nhiều hay Yên Thành nhiều…

Ngại nhất là sự vận động theo kiểu địa phương. Tôi nghĩ điều này không sợ. Bởi một đại hội với 300 - 400 đại biểu, thì mỗi huyện cũng chỉ vài chục người tham dự đại hội, không thể áp đảo được đại hội.

Dưới xã có thể phức tạp hơn, có thể cùng dòng họ, vận động ủng hộ nhau. Nhưng tôi nghĩ, trở ngại này cũng không thể không vượt qua.

Vẫn có chuyện sống lâu lên lão làng

Để chọn được người tài tham gia cấp ủy, làm lãnh đạo thì phải có tiêu chí để lựa chọn, thưa ông?  

Đúng vậy. Muốn làm tốt bầu trực tiếp bí thư thì phải xác định tiêu chuẩn bí thư cho rõ. Cái này tôi đã có ý kiến nhưng vẫn chưa làm được.

Ngay trong chiến lược cán bộ, việc tiêu chuẩn hóa từng chức danh một phải khác nhau. Ví như tiêu chuẩn bí thư tỉnh ủy phải khác Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Bộ Chính trị phải khác Tổng Bí thư.

Hiện nay tiêu chuẩn của chúng ta còn chung chung, như lập trường quan điểm vững vàng, tính quyết đoán, gương mẫu, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Tôi cho rằng, tiêu chuẩn bí thư tỉnh ủy phải rõ hơn thì mới có căn cứ để xem cán bộ đó có xứng đáng không mà xem xét bầu. Chúng ta không nên bầu theo cảm tính. Ở ta vẫn có chuyện sống lâu lên lão làng, thường căn cứ anh công tác lâu thì tôi bầu lên bí thư, không kể anh làm được việc hay không.

Vậy tiêu chuẩn một bí thư đảng ủy phải gồm những gì?

Theo tôi, trong tiêu chuẩn bí thư, phải cụ thể hóa đức và tài. Cái đức thì tất yếu là phải có, nhưng quan trọng là cái tài.

Là người đứng đầu, anh phải lãnh đạo để làm ra của cải, kinh tế địa phương phải tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Cụ thể là mỗi năm địa phương anh đóng góp ngân sách được bao nhiêu.

Tôi đọc rất nhiều báo cáo của các tỉnh, cứ là năm này tăng hơn năm trước. Nói như vậy nhưng không rõ cuối cùng tiền thuế anh nộp cho nhà nước là bao nhiêu. Tiếp đến là đời sống nhân dân được cải thiện ra sao, nhân dân được hưởng gì ở nhiệm kỳ anh làm bí thư.

Ngoài ra, bí thư phải biết vận dụng nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa nghị quyết vào thực tiễn tại địa phương mình. Có địa phương, bí thư không để lại dấu ấn gì, bởi không có bí thư thì họ vẫn ra cày ruộng, nuôi gà, nuôi lợn.

Cái quan trọng là bí thư phải đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo thành phong trào, động lực để phát triển kinh tế. Ông Kim Ngọc là một điển hình của một bí thư tỉnh ủy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Nhưng cũng có những ông bí thư chả để lại dấu ấn gì.

Nên có hai ba ứng viên

Nếu không có tiêu chí để lựa chọn cán bộ thì rất khó cho những đại biểu tham gia bầu, thưa ông?

Không thể bầu bí thư mà chỉ biết cảm giác là ông ấy tốt, hiền lành, chả đấu tranh với ai cả, không mất lòng ai cả.

Một vấn đề nữa là có cần số dư khi bầu bí thư. Theo ông, có nên đưa nhiều ứng cử viên, tối thiểu hai người để đại hội bầu?

Chúng ta không hướng dẫn cụ thể, nhưng thí điểm thì có thể giới thiệu hai người, đây là quyền của đại hội. Hồi tôi làm tổ chức, Quốc hội bầu Thủ tướng, Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư giới thiệu đồng chí Đỗ Mười. Sau đó, ra Quốc hội thêm ứng cử viên là đồng chí Võ Văn Kiệt. Sau đó, tôi về báo cáo Bộ Chính trị và quyết định để hai người đưa ra Quốc hội bầu.

Thực tế, nếu chỉ giới thiệu một người thì làm cho người bầu rất bí. Nếu bỏ phiếu trắng thì không được, bởi anh là đại biểu anh phải bầu cử, bầu người khác thì không hợp lệ.

Đại hội bầu mới chỉ là một khâu, nhưng tiến thêm bước nữa để dân chủ triệt để là phải có hai ba ứng cử viên. Hiện nay mới chỉ có số dư khi bầu cấp ủy. Theo tôi, khi bầu bí thư, cũng phải có số dư.

Vấn đề nảy sinh là trong trường hợp ý kiến của trên và của đại hội khác nhau thì xử lý sao? Ví như trên giới thiệu ông A nhưng ra đại hội phiếu lại không tập trung vào ông A, mà tập trung vào ông B. Theo tôi thì phải tuân thủ dân chủ ở đại hội. Nếu cán bộ đó là người tốt, đủ tiêu chuẩn thì, theo tôi, nên theo ý kiến tại đại hội.

Hà Nhân thực hiện

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.