Dân chủ trực tiếp

Dân chủ trực tiếp
TP - Năm 2010 và 2011, được coi là những năm thí điểm thực hiện mở rộng dân chủ trong Đảng. Lần đầu tiên, Đảng CSVN chủ trương cho thí điểm thực hiện đại hội trực tiếp bầu bí thư.

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, có khoảng 15-20% tỉnh thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư, thậm chí bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy.

Suốt 80 năm qua, lịch sử đất nước chọn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước. Và thực tế đã chứng minh, sự lựa chọn đó là đúng đắn. Tuy nhiên, dân tộc, nhân dân kỳ vọng Đảng ngày càng đổi mới.

Mục đích của việc thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư là tiếp tục mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp, chống biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, tư tưởng cục bộ, bè phái.

Về quy trình, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, sau khi đại hội bầu và công bố kết quả bầu cử ban chấp hành đảng bộ khóa mới, đoàn chủ tịch tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy trong số người vừa trúng cử. Kế đó, cấp ủy khóa mới thảo luận và giới thiệu bí thư cấp ủy. Ở đây sẽ nảy sinh hai trường hợp:

Trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50%) đề cử nhân sự khác với phương án đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng lại không có trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa mới thì cấp ủy khóa mới họp, cân nhắc kỹ và biểu quyết bằng phiếu kín.

Trường hợp khác, nếu đa số cấp ủy khóa mới (trên 50% tổng số cấp ủy viên) nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì đại hội bầu cử, không phải xin ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Nếu đa số cấp ủy viên khóa mới không nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì cấp ủy khóa mới phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Mỗi đất nước có thể tự chọn cho mình một thể chế lãnh đạo điều hành. Điều cốt yếu là thể chế ấy, cơ chế điều hành ấy có mang lại cơm no, áo ấm cho mình. Muốn thực hiện được điều đó, bản thân đảng viên cần có nhiều lựa chọn hơn khi bầu cho một chức danh.

Việc thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, thực tế đã được nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, khi bầu, vẫn theo truyền thống cũ:  Giới thiệu một ứng cử viên để bầu vào một vị trí.

Đây là vấn đề cần sớm được tiếp tục đổi mới. Bởi, như vậy, người bỏ phiếu chỉ có hai cách (thực chất là một cách duy nhất) thực hiện quyền bầu cử của mình là hoặc phải bầu cho vị ứng cử viên duy nhất đó, hoặc bỏ phiếu trắng. Nếu gạch tên ứng cử viên đó thì phiếu bầu không hợp lệ. Với cách bầu tròn như vậy, nói chung vị ứng cử viên độc diễn kia hầu như chắc chắn trúng cử.

Đại hội bầu trực tiếp bí thư ở các tỉnh đã là một bước tiến. Bước tiến ấy sẽ đạt hiệu quả hơn nữa khi đảng viên được rộng đường lựa chọn người lãnh đạo mình. 

MỚI - NÓNG