Dân có quyền lập tức khởi kiện nếu không đồng tình?

Dân có quyền lập tức khởi kiện nếu không đồng tình?
TP - Hôm qua, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính. Một số ý kiến cho rằng, quy định như hiện nay, người dân rất khó khởi kiện quyết định hành chính của chính quyền, tòa án cùng cấp thường né tránh khi xử những vụ liên quan đến quyết định của lãnh đạo địa phương.

Theo Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, về điều kiện khởi kiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa vẫn phải qua thủ tục khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Loại ý kiến thứ hai đề xuất quy định tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện mà không cần khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng ý với đề xuất người dân có thể khởi kiện ngay. Theo đó, khi không đồng tình với quyết định hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án.

“Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện của các tổ chức, cá nhân. Điều này sẽ mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước”- Bà Ba nói.

Tuy nhiên, Chánh án Trương Hòa Bình vẫn lo ngại, quy định mở như vậy sẽ khiến việc khiếu kiện tràn lan. Ông Bình cho rằng, khiếu kiện đối với hành vi hành chính ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần qua thủ tục khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra tòa.

Ủy ban Tư pháp không đồng tình, bởi quy định như dự thảo Luật thì người dân rất khó khởi kiện ngay mà vẫn phải qua thủ tục khiếu nại. Việc phân loại theo lĩnh vực chuyên môn là không có cơ sở. Bởi khi giải quyết vụ án hành chính, tòa án phải xem xét, nghiên cứu toàn diện, không phụ thuộc vào lĩnh vực khiếu kiện, cũng như việc trước đó cơ quan hành chính đã giải quyết như thế nào. Do vậy, cần cho người dân có quyền lựa chọn được khởi kiện ngay hoặc khiếu nại.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, muốn thụ lý vụ án hành chính là phải có quyết định hành chính, nhưng chính quyền nhiều nơi né bằng cách không ra quyết định mà thay bằng thông báo ý kiến, công văn chuyển vòng vo. Văn bản giải quyết dưới dạng thông báo nên tòa không thụ lý được.

Tòa án né xử chủ tịch

Ông Trần Thế Vượng cho rằng, phải làm rõ tố tụng hành chính có đặc thù gì so với dân sự. Bởi xử lý mối quan hệ giữa người dân và cơ quan nhà nước khi người dân không đồng tình với giải quyết của cơ quan nhà nước là không đơn giản.

Ví như, Chủ tịch huyện ra quyết định thu hồi đất, tòa tuyên quyết định đó sai, vậy tòa án có bắt ông Chủ tịch huyện ra quyết định mới không? Nếu Chủ tịch huyện không ra quyết định thì sao? Cơ quan thi hành án cấp huyện có dám bắt chủ tịch huyện sửa sai.

Ông Vượng cho rằng, quy định hiện hành gần như bất lực, không thi hành được bởi không rõ ai thi hành án, trình tự, thủ tục ra sao, quyền của người thi hành án đến đâu.

Ngoài ra, việc tòa án cùng cấp thụ lý vụ án hành chính liên quan đến lãnh đạo huyện, tỉnh là rất ngại. Ông Trần Thế Vượng cho biết, tâm lý thẩm phán tòa án huyện là né tránh bởi chức vụ của mình do Chủ tịch huyện cho ý kiến, kinh phí xét xử thì đi xin Ủy ban. Do vậy, dẫn đến nhiều vụ không dám xử mà bác đơn để đẩy lên trên. Thực tế, năm 2008 có đến qua nửa vụ án hành chính phải hủy.

Bà Lê Thị Thu Ba cũng chỉ ra, hiện nay chúng ta không đảm bảo tính độc lập của thẩm phán. Chính quyền không bổ nhiệm thẩm phán, nhưng thẩm quyền của cấp ủy địa phương là xem xét có đưa thẩm phán vào bổ nhiệm hay không. Trong khi ông Chủ tịch huyện là Phó Bí thư nên tâm lý thẩm phán là né tránh. “Tôi biết, nhiều vụ tòa địa phương phải ôm hồ sơ lên tòa án tối cao, bởi không muốn gây căng thẳng với chính quyền”- Bà Ba nói.

MỚI - NÓNG