Dân có thể khởi kiện người ban hành văn bản trái luật

Dân có thể khởi kiện người ban hành văn bản trái luật
TP - Việc xử lý các văn bản trái luật, “ăn theo” hộ khẩu sẽ được thực hiện như thế nào? Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - đã trả lời về vấn đề này.

>> Từ 1/7, 'khai tử' các quy định 'ăn theo' hộ khẩu

Dân có thể khởi kiện người ban hành văn bản trái luật ảnh 1
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp

Ông Sơn nói: Theo quy định, những văn bản trái luật, văn bản “ăn theo” hộ khẩu được ban hành trước đây khi Luật Cư trú có hiệu lực thì phải kịp thời được sửa đổi và bãi bỏ.

Cụ thể, về nguyên tắc những quy định trước đây mà trái với Luật Cư trú thì từ 1/7 phải được bãi bỏ và không có hiệu lực nữa.

Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan chức năng phải có “động tác” đó là kiểm tra, rà soát và tuyên bố từ 1/7 các văn bản trái luật sẽ hết hiệu lực, các quy định trái luật sẽ hết hiệu lực. Đồng thời cũng phải ban hành kịp thời những quy định, hướng dẫn mới để phù hợp với Luật Cư trú mới.

Bộ Tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát và đề nghị các ngành phải hủy bỏ những văn bản quy định “ăn theo” hộ khẩu trái luật, thưa ông?

Bộ Tư pháp được giao chủ trì trong việc phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, các tỉnh thành rà soát các văn bản liên quan đến quy định về hộ khẩu hoặc các quy định khác trái với Luật Cư trú để sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Tổng số văn bản có liên quan đến Luật Cư trú được các bộ, ngành và địa phương có báo cáo rà soát là 567 văn bản, trong đó phát hiện 119 văn bản hết hiệu lực.

Có 68 văn bản đề nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ (chiếm tỷ lệ 15% số văn bản đang còn hiệu lực) và 14 văn bản đề nghị ban hành văn bản mới.

Qua rà soát, cho thấy các cơ quan đã tập hợp được nhiều văn bản có liên quan đến Luật Cư trú, đồng thời phát hiện được số lượng lớn văn bản hết hiệu lực thi hành, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Hiện tại chúng tôi đã có kết quả rà soát văn bản của các ngành, địa phương để báo cáo lên Chính phủ.

Nhưng nếu sau 1/7, khi Luật Cư trú có hiệu lực mà các ngành, các địa phương chưa kịp thay đổi hay vẫn tiếp tục thực hiện những văn bản “ăn theo”hộ khẩu thì sao?

Về nguyên tắc Thủ tướng đã yêu cầu là phải kiểm tra, rà soát để sửa đổi, bãi bỏ những văn bản, quy định trái với Luật Cư trú kể từ 1/7. Như thế có nghĩa là những quy định hiện hành nào trái với Luật Cư trú thì từ 1/7 đều phải được bãi bỏ và không được áp dụng nữa.

Còn về việc chưa kịp ban hành văn bản mới để thay thế thì có cái phải làm ngay, nhưng có cái cũng phải có một quá trình hoàn thiện, để thống nhất các văn bản với luật. 

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hiện Cục đã làm gì để thực hiện được việc sớm bãi bỏ các văn bản “ăn theo” hộ khẩu?

Trước hết là phải tiếp tục rà soát, kiểm tra một cách đầy đủ các văn bản để xử lý ngay, không để tình trạng khi Luật đã có hiệu lực mà vẫn có văn bản, quy định trái với Luật.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Cư trú cần xác định rõ thẩm quyền đưa ra các yêu cầu về hộ khẩu để giải quyết công việc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, không để tuỳ tiện ban hành những văn bản có yêu cầu về hộ khẩu làm cản trở đến quyền và lợi ích của người dân.

Ngoài ra, tăng cường công tác hậu kiểm, tức là kiểm tra, giám sát để xử lý các văn bản trái Luật Cư trú, kể cả các quy định mới được đưa ra mà trái luật cũng phải kịp thời xử lý.

Với những cơ quan cố tình duy trì những quy định “ăn theo” hộ khẩu trái luật hoặc  ban hành văn bản mới trái luật sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?

Căn cứ vào văn bản cụ thể thì các cơ quan, đơn vị, địa phương nào ban hành văn bản đấy thì phải chịu trách nhiệm và phải được xử lý nghiêm khắc để đảm bảo kỷ cương.

Việc xử lý trách nhiệm “tác giả” của văn bản trái luật phải được quy trách nhiệm cụ thể từng khâu như: soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký. Và trách nhiệm thuộc khâu nào khâu đó phải chịu.

Tùy theo mức độ mà áp dụng mức hình thức xử lý như cảnh cáo, khiển trách hoặc cao hơn nữa. Đối những văn bản trái luật mà gây hậu quả nghiêm trọng phải bồi thường, xem xét có thể phải bị truy tố. Còn người dân có thể kiện đơn vị ban hành văn bản trái luật đó. 

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG