Dân đảo khát nước

Bà Thơm với giếng nước nhiễm mặn là nguồn nước sinh hoạt của gia đình
Bà Thơm với giếng nước nhiễm mặn là nguồn nước sinh hoạt của gia đình
TP - Từ nhiều tháng nay dân huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng do mạch nước ngầm trên đảo bị nước mặn xâm thực.

Nấu ăn, tắm giặt bằng nước mặn

Nguồn nước sinh hoạt duy nhất của gia đình bà Nguyễn Thị Thơm ở xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý là cái giếng đào cách bờ biển đảo Phú Quý khoảng 300m. Hai tháng nay giếng chỉ còn khoảng 1m nước. “Nước bơm lên bồn chỉ hơn 20 phút là cạn tới đáy và mặn như nước biển”- bà Thơm nói. 

Từ sau Tết đến nay để có nước uống, nhà bà Thơm phải mua từng bình nước ngọt để uống, còn nấu ăn, tắm giặt đều phải dùng nguồn nước đã nhiễm mặn. Kéo gàu nước múc từ giếng lên, nước trong vắt, mát lạnh nhưng khi chúng tôi thử một hớp nước giếng này, nước mặn chát.

“Dân biển chúng tôi dù quen với nước mặn, nhưng tắm bằng nguồn nước giếng hiện nay, vừa tắm xong người đã rít ráy khó chịu. Quần áo giặt bằng nước nhiễm mặn được một thời gian ngắn là mục, rách”- bà Thơm nói. Nhà bà Thơm có một bể ngầm chứa được khoảng 3m3 nước mưa nhưng cũng cạn khô từ lâu. Bà Thơm ngao ngán: Trữ nước mưa từ hàng chục chiếc lu và dùng tiết kiệm nhưng dùng được khoảng 2 tháng là hết sạch.

Ông Nguyễn Như ở xã Ngũ Phụng cho biết, gia đình ông có nguồn nước máy dẫn vào đã 3 năm. “Thời gian đầu giá hơn 3.000 đồng/m3, sau đó đã lên trên 20 ngàn đồng/m3 nhưng không phải lúc nào cũng có để dùng. Từ sau Tết đến nay, nước máy không còn một giọt”- ông Như nói.

Không có nước máy, gia đình ông và hai hộ khác cùng sử dụng chung một cái giếng đào, nhưng giếng cũng nhiễm mặn như các giếng khác trong vùng. “Không có nước ngọt chúng tôi chịu đựng tắm, giặt, nấu ăn bằng nguồn nước nhiễm mặn, nhưng nước uống thì phải là nước ngọt chứ không thể làm cách nào khác”- ông Như phàn nàn. Cứ 2 ngày, gia đình 4 người của ông Như dùng hết một bình nước ngọt 20 lít với giá 10 ngàn đồng.

Chị Xuân, hộ dân trồng rau hiếm hoi ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý cho biết, 2 tháng nay, gia đình phải thu hẹp lại diện tích trồng vì nước nhiễm mặn làm cho rau phát triển èo uột và chết.

Giải pháp vẫn nằm trên... giấy

Có diện tích hơn 16km2, nhưng Phú Quý không có hệ thống suối, hồ tự nhiên để có được nguồn nước ngọt dự trữ. Việc cung cấp nước cho hơn 27 ngàn dân trên đảo chỉ phụ thuộc vào cụm giếng khoan của nhà máy nước Phú Quý. Tuy nhiên, theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn huyện này, do mưa ít, mùa khô kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân Phú Quý tăng gấp đôi, trong khi công suất khai thác cho phép là 680m3/ngày nên bị thiếu nước. “Nếu khai thác đúng công suất này thì không đáp ứng được nhu cầu về nước cho nhân dân”- ông Lý Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn huyện này cho hay. Theo ông Phước, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước thô tại 6/10 giếng đang khai thác cho thấy chỉ tiêu hàm lượng muối và đá vôi đều vượt giới hạn cho phép và có xu hướng tăng.

Ông Phước cho biết, để hạn chế nguy cơ nhiễm mặn, từ tháng 2/2015 Trung tâm ngưng triển khai lắp mới thủy kế và cấp nước luân phiên theo khu vực với lưu lượng 500- 600 m3/ngày. Vì vậy, việc điều tiết giảm khai thác nguồn nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương.

 Còn ông Đặng Văn Phước, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quý cho biết, nhà máy nước trên địa bàn có 13 giếng khoan thì có 7 giếng bị nhiễm mặn.

“Nhà máy có công suất thiết kế 2.200m3 nước/ngày, nhưng hiện chỉ cho phép khai thác 680m3 nước/ngày do chưa đánh giá được trữ lượng nước ngầm”- ông Phước nói.

Ông Phước cũng cho hay, giải pháp lâu dài để giải quyết nước sinh hoạt cho dân trên đảo, huyện đã có dự án xây hồ chứa nước để bổ sung cho nguồn nước ngầm và khuyến khích người dân xây bể chứa nước mưa để hạn chế sử dụng nước ngầm. Nhưng đến nay kế hoạch vẫn nằm trên giấy.

Ông Đặng Văn Phước, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quý cho biết, nhà máy nước trên địa bàn có 13 giếng khoan thì có 7 giếng bị nhiễm mặn.

MỚI - NÓNG