Căng mình đối phó với lũ chồng lũ

Dân dắt trâu bò lên núi chạy thủy điện xả lũ

Dân dắt trâu bò lên núi chạy thủy điện xả lũ
TP - Mưa lớn liên tục, lại nghe tin thủy điện xả lũ, người dân các xã Đại Hưng, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) kéo nhau đưa bò lên cồn, núi để tránh lũ.

12 giờ trưa, loa phát thanh thôn Trung Đạo (xã Đại Hưng) ra rả thông báo việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ, yêu cầu người dân chủ động các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Đang ăn bữa cơm trưa, bà Phan Thị Loan (61 tuổi, thôn Trung Đạo) bỏ chén đũa xuống, khoác chiếc áo mưa tất bật ra chuồng kéo đàn bò lên cồn Trại Trâu (thôn Trúc Hà).

 “Không chủ quan được, đến mưa lớn mà thủy điện xả lũ nữa là dễ nước dâng cao, cuốn hết trâu bò đi thì trắng tay” – bà Loan cho hay. Sau lưng, anh Dương Thêm (45 tuổi, trú thôn Trung Đạo, xã Đại Hưng) cũng lẽo đẽo dẫn theo con bò để đi tránh lũ. “Sợ lắm, nước về cuốn bò đi thì cả nhà chết đói nên mấy cũng phải cho bò an toàn” – anh Thêm nói.

Trong xã, cồn Trại Trâu là địa điểm cao nhất nên người dân thường tập trung trâu bò ở đây để tránh. Tại đây, dù trời mưa to nhưng hàng chục người dân mang đàn trâu bò đứng kín cồn.

Bà Phan Thị Loan (53 tuổi, trú thôn Trung Đạo) cho hay, nhà có 2 con bò, là tài sản lớn của gia đình nên mỗi lần mưa bão về hay thủy điện xả lũ phải lo kiếm chỗ cao cho bò trú. Cách đây mấy năm, nghe thủy điện xả lũ mà tôi chạy không kịp nên mất 1 con bò rồi, giờ không chậm chân được” – bà Loan chia sẻ.

Không sợ mưa lũ, chỉ sợ thủy điện xả nước

Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, đàn bò toàn xã trên 1.000 con, trong đó ngoài một số gia đình có chuồng trại ở vị trí cao còn lại đa số đều phải đưa bò lên núi hoặc lên cồn mỗi mùa mưa bão về. Từ đêm qua, ông Minh và các cán bộ xã cũng thay phiên nhau trực, theo dõi diễn biến tình hình xả lũ để kịp thời thông báo cho người dân.

“Đây là vùng rốn lũ, lâu nay địa phương xác định sống chung với lũ. Người dân cũng được tập huấn và chủ động các phương án nên những năm gần đây thiệt hại do mưa lũ không nhiều. Nhưng người dân sợ nhất khi nghe thủy điện xả lũ. Đợt vừa rồi, sự cố thủy điện sông Bung 2 khiến cả làng kéo nhau chạy như trong chiến tranh” – ông Minh nói.

Tại xã Đại Lãnh, từ trưa 2/11, hệ thống loa phát thanh xã Đại Lãnh đã phát đi thông báo các nhà máy thủy điện xả lũ. Khi nghe tin, người dân lo lắng.

Ba nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia ra thông báo xả lũ, người dân vùng hạ du huyện Đại Lộc, Quảng Nam rất lo lắng. Cụ thể, lúc 23h ngày 1/11, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng 77m3- 1.200m3/s; 5h sáng 2/11, thủy điện Sông Bung 4A xả lũ 100-1.250m3/s.  Theo thông báo của thủy điện Đăk Mi, lúc 14 giờ ngày 2/11, thủy điện xả lũ lưu lượng 900 - 2.400m3/s.

* Theo chỉ đạo từ UBND tỉnh TT-Huế, 3 hồ chứa thủy điện, thủy lợi Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền vùng thượng nguồn sông Hương, sông Bồ đã đồng loạt xả nước điều tiết lũ kể từ 12 giờ trưa 2/11.

Trước thời điểm xả lũ, mực nước hồ thủy điện Hương Điền đạt mức 53,76 m, cao hơn mực nước đón lũ 0,26 m. Hồ chứa điều tiết về hạ du với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến với lưu lượng từ 350 đến 500m3/s, đưa về ngưỡng an toàn +53,5m.

Tại thủy điện Bình Điền (trên nhánh hữu trạch sông Hương), mực nước hồ chứa là 75,16m, cao hơn mực nước đón lũ 0,66m. Nước ở hồ chứa được điều tiết về hạ du lưu lượng 100-120m3/s. Hồ thủy lợi - thủy điện Tả Trạch có mực nước hồ 35,2m, cao hơn mực nước đón lũ 6,7m, điều tiết ở lưu lượng 400-580m3/s.

MỚI - NÓNG